noel giáng sinh vui vẻ
Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiDân sinhSốt xuất huyết ở Huế tăng 9 lần, chuyên gia khuyến cáo...

    Sốt xuất huyết ở Huế tăng 9 lần, chuyên gia khuyến cáo quan trọng

    Số ca mắc tại Huế tăng 9 lần so với cùng kỳ

    Theo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong 17 ngày đầu tháng 11/2022, toàn tỉnh ghi nhận 162 ca mắc sốt xuất huyết, trung bình ghi nhận 9-10 ca /ngày. Như vậy, tính đến hết ngày 17/11, tỉnh ghi nhận 1.270 ca sốt xuất huyết. Ca bệnh tập trung chủ yếu tại Tp.Huế, huyện Phú Lộc và huyện Phong Điền. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng 9 lần.

    Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang gia tăng mạnh do vào các tháng cao điểm của dịch bệnh.

    Nguyên nhân do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi và phát triển.

    Trong thời gian gần đây tại Bệnh viện Trung ương Huế số ca nhập viện không ngừng gia tăng, thống kê tính đến thời điểm hiện tại đã có gần 2.000 ca trong đó hơn 500 ca là trẻ em. Ngoài ra, đã có 3 trường hợp trẻ em tử vong bao gồm 1 trường hợp tại Thừa Thiên Huế và 2 trường hợp ngoại tỉnh.

    Sức khỏe - Sốt xuất huyết ở Huế tăng 9 lần, chuyên gia khuyến cáo quan trọng

    Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh:Báo Lao Động.

    Chia sẻ xoay quanh bệnh sốt xuất huyết, ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, hiện có khoảng 3-4% số ca nhập viện do sốt xuất huyết tại đơn vị có diễn biến nặng, cần phải bù dịch cao phân tử, truyền hồng cầu, tiểu cầu để điều trị. Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ dịch cao phân tử, các chế phẩm máu và trang thiết bị y tế để cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân nặng.

    “Mới đây, Khoa Bệnh nhiệt đới của bệnh viện đã điều trị thành công cho một trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng, phức tạp do bệnh nhân có bệnh nền hội chứng thận hư, giảm albumin máu trầm trọng”, ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương nói.

    Dự báo số ca sốt xuất huyết tiếp tục tăng

    Trao đổi với báo chí, BS Trần Thị Hạnh Chân, Phó Trưởng khoa Khoa Nhi – Tiêu hóa – Dinh dưỡng,  Bệnh nhiệt đới lưu ý, khi trẻ bị sốt xuất huyết gia đình nên cho bệnh nhi ăn uống nhẹ nhàng; nếu mệt quá có thể ăn cháo, uống sữa. Cần chú ý là tránh những thực phẩm có màu đỏ như huyết, nho đỏ, thanh long đỏ. Mục đích để loại trừ yếu tố đi ngoài có phân màu khác thường (nghi ngờ có phải là xuất huyết tiêu hóa hay không) để theo dõi kỹ.

    Bên cạnh đó, BS. Lê Văn Sanh, Trưởng khoa Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm – Ký sinh trùng – Côn trùng (CDC tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho biết, tính đến cuối tháng 10/2022, trong khi một số tỉnh miền Trung dịch sốt xuất huyết bùng phát thì số ca mắc ở Thừa Thiên-Huế ở mức thấp.

    Tuy nhiên, ngành chức năng cảnh báo sau những đợt mưa nắng liên tục, các ổ chứa loăng quăng, bọ gậy không được thau vét sẽ xuất hiện trở lại. Vật chứa tồn tại phong phú là môi trường tăng cường truyền bệnh.

    Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế Trần Kiêm Hảo cho biết, cao điểm dịch sốt xuất huyết trên địa bàn năm nay bắt đầu từ tháng 6 và cao nhất vào tháng 7, sớm hơn so với các năm trước. Hiện nay, số ca mắc có xu hướng gia tăng trở lại vào tháng 11 và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng vào tháng 12.

    Trước tình hình đó, ngành y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tích cực xử lý triệt để các ổ dịch trong vòng 48 giờ kể từ khi ổ dịch được xác định và tiến hành đánh giá chỉ số côn trùng, chỉ số muỗi trước, sau phun hóa chất diệt muỗi; lồng ghép hoạt động vệ sinh, thau vét bọ gậy vào phong trào Ngày chủ nhật xanh tại các địa phương mạnh mẽ vào các tháng cuối năm; đồng thời, đảm bảo đầy đủ sẵn sàng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

    Cách phòng tránh chống sốt xuất huyết hiệu quả

    PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, cao điểm dịch sốt xuất huyết trên địa bàn năm nay bắt đầu từ tháng 6 và cao nhất vào tháng 7, sớm hơn so với các năm trước. Hiện nay, số ca mắc có xu hướng gia tăng trở lại vào tháng 11 và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng vào tháng 12.

    “Ngành y tế đang tích cực xử lý triệt để các ổ dịch trong vòng 48 giờ kể từ khi được xác định. Tiến hành đánh giá chỉ số côn trùng, chỉ số muỗi trước, sau phun hóa chất diệt muỗi. Cùng với đó, tiến hành lồng ghép hoạt động vệ sinh, diệt bọ gậy vào phong trào Ngày Chủ nhật xanh tại các địa phương. Đồng thời, đảm bảo đầy đủ, sẵn sàng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn”, PGS.TS Trần Kiêm hảo cho hay.

    ThS.BS Phạm Hữu Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đối với bệnh nhân sốt xuất huyết trong 3-4 ngày đầu, nếu có chỉ định theo dõi tại nhà, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những lời khuyên như: Nằm nghỉ ngơi; ăn thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa; uống nhiều nước, có thể cho bệnh nhân uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt.

    Uống thuốc hạ sốt, lưu ý chỉ được hạ sốt bằng paracetamol chứ không được dùng Ibuprofen hoặc Aspirin vì có nguy cơ gây chảy máu, đồng thời chườm mát cho người bệnh. Theo dõi liên tục, nếu thấy bệnh nhân có diễn biến nghiêm trọng hơn như li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều thì cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế.

    Sức khỏe - Sốt xuất huyết ở Huế tăng 9 lần, chuyên gia khuyến cáo quan trọng (Hình 2).

    Dịch sốt xuất huyết đang tăng mạnh ở nhiều nơi.

    Để giảm sốt xuất huyết hiệu quả, ThS.BS Phạm Hữu Trí cũng lưu ý một số điểm trong điều trị sốt xuất huyết.

    Thứ nhất, tuyệt đối không được chủ quan. Cụ thể, sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ: Nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Mặc dù mức độ nhẹ có thể được chỉ định theo dõi tại nhà nhưng người bệnh vẫn cần đi khám để được chẩn đoán và theo dõi bởi bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng.

    Thứ hai, hết sốt không phải là khỏi bệnh. Cụ thể, sau giai đoạn sốt cao chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Sau 2-7 ngày, phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy đỡ khó chịu trong người nhưng đây lại là thời điểm quyết định cần kiểm soát bệnh chặt chẽ.

    Ở thời kỳ này, triệu chứng mới bắt đầu nhận rõ như: Xuất huyết dưới da, chảy máu lợi, chân răng, chảy máu cam. Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, suy đa phủ tạng, thậm chí tử vong. Vì vậy, đây là giai đoạn cần được bác sĩ theo dõi sát sao.

    Biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết

    1. Dành 10 – 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà; thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng.

    2. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến.

    3. Cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối…

    4. Đậy kín dụng cụ chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và sinh lăng quăng, muỗi.

    5. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.

    6. Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.

    Các dấu hiệu bị sốt xuất huyết chuyển nặng:

    – Ói nhiều, đau bụng nhiều.

    – Ở trẻ em cần lưu ý dấu hiệu tay chân lạnh, trẻ hết sốt nhưng vẫn mệt.

    – Có những dấu hiệu xuất huyết: Chảy máu cam; chảy máu chân răng; ói ra máu; đi cầu phân đen; xuất huyết âm đạo ở nữ.

    Trúc Chi (theo Sức khỏe & Đời sống, Lao Động)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU