Nghẹt thở giây phút cấp cứu mẹ
Với chàng trai 24 tuổi Nguyễn Ngọc Vinh Quang (quận Bình Tân, Tp.HCM) việc cả gia đình gồm 6 người là F0 là điều khó khăn nhất mà anh trải qua. Thế nhưng giờ đây khi đã thoát “cửa tử” Covid-19, anh Quang mới cảm thấy mình vẫn còn may mắn rất nhiều.
Trò chuyện với Người Đưa Tin, anh Quang nhớ lại thời điểm biết tin cả gia đình mắc Covid-19: “Khi biết gia đình là F0, tôi đã rất lo lắng và hoang mang nhưng nỗi lo sợ lớn nhất của tôi là sợ mẹ sẽ chuyển biến xấu. Bởi, mẹ tôi năm nay đã 60 tuổi có bệnh nền huyết áp cao, suy tim và thừa cân. Nghiêm trọng hơn là mẹ chưa kịp tiêm vắc-xin”.
Anh Quang thông tin, ngày 28/7 mẹ anh sốt cao, lại có sẵn bệnh lý nền nên bệnh chuyển biến khá nhanh, không thể ăn uống, ho nhiều. Thấy biểu hiện của mẹ, Quang đã nhờ cán bộ y tế phường xuống xét nghiệm và kết quả là cả 6 thành viên trong gia đình gồm: Mẹ, anh Quang, anh trai, chị dâu và hai cháu đều dương tính với virus SARS-CoV-2.
Đến ngày 3/8, mẹ anh bắt đầu có biểu hiện khó thở, sốt li bì, ho có đờm, đỉnh điểm tối 5/8, mẹ thở gấp, không nói được.
“Cả gia đình tôi khi ấy cực kỳ căng thẳng, lo cho sức khoẻ của mẹ, chúng tôi đã phải gọi trung tâm y tế và đội xe cấp cứu xin cho mẹ nhập viện. Nhưng, bạn biết đấy, thời điểm đó mọi nơi đều quá tải, bác sĩ chỉ hướng dẫn qua điện thoại để giúp mẹ tôi tập thở”, anh Quang nhớ lại.
Anh Quang vừa kể vừa khẽ run người bởi tình huống khi ấy quả thực rất nguy cấp. Đến đêm 5/8, sức khoẻ của mẹ anh tiếp tục trở nặng, không có thời gian suy nghĩ nhiều anh Quang liều mình dùng xe cá nhân đưa mẹ đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115. Nhưng, tại đây tình trạng cũng là quá tải, dù vậy anh vẫn quyết định để mẹ nhập viện. Các bác sĩ cũng nhanh chóng cấp cứu, hỗ trợ mẹ thở oxy và tiêm thuốc. Đến sáng thì mẹ anh tỉnh và có thể ăn được.
“Thời điểm đó, tôi cũng mắc Covid-19, nhưng người vẫn khoẻ nên tôi xin ở lại bệnh viện để chăm sóc mẹ và được chấp nhận, vì lúc đó bệnh viện thiếu nhân lực và người thân ở lại chăm sóc cũng phải cam kết nguy cơ nhiễm bệnh”, anh Quang nói.
Nhìn mẹ trên giường bệnh nằm một chỗ, thở oxy lúc nào người con trai ấy cũng mong mẹ mau chóng khoẻ lại, anh ở bên mẹ chăm sóc mẹ từ khâu vệ sinh, ăn uống.
“Tôi nhìn mẹ nằm thở bình oxy trên giường mà lòng đau nhói, tôi đã rất sợ và nghĩ những tình huống bất lợi có thể xảy ra, tôi cứ cầu nguyện là mẹ sẽ mau chóng khoẻ, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi”, anh Quang kể lại.
Sau 4 ngày phải nằm tạm tại sân bệnh viện vì quá tải (bên trên là mái che bằng bạt –PV), mẹ của Quang đã được chuyển lên phòng bệnh. Lúc này, anh không được theo mẹ nữa, nên đành trở về nhà chờ đợi tin tức.
Cùng nhau vượt qua dịch bệnh
Để mẹ một mình tại bệnh viện anh Quang bồn chồn không yên, thế nhưng anh biết mẹ ở đó đã có đội ngũ y bác sĩ lo, nên anh Quang cũng yên tâm phần nào, hàng ngày anh và mọi người ở nhà đều gọi điện cho mẹ, nói chuyện làm mẹ vui, kể những câu chuyện cười. Bởi anh biết, tinh thần thoải mái, tích cực là yếu tố quan trọng giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
“Tôi nghĩ, mình chỉ sợ hãi khi mình không biết nên làm gì, vì thế cách tốt nhất là mình phải thật bình tĩnh, tự tìm hiểu tham khảo những kiến thức chữa trị từ những trang báo chính thống đáng tin cậy, trang bị đầy đủ tất cả những loại thuốc đặc trị hạ sốt, thuốc ho…để điều trị theo tiến trình của bệnh. Đồng thời, lưu lại những thông tin liên lạc để kịp thời gọi hỗ trợ khi cần thiết”, anh Quang chia sẻ về quá trình tự điều trị tại nhà.
Theo lời anh Quang, trong khoảng thời gian bị bệnh, các thành viên trong nhà đã động viên, trấn an nhau và cùng lên kế hoạch điều trị, ăn uống nghỉ ngơi hợp lý để cùng vượt qua dịch bệnh. Người nào có sức khoẻ thì sẽ chăm sóc người yếu hơn.
Nói đến đây, ánh mắt anh Quang bỗng ánh lên niềm vui khó tả, anh bảo mẹ anh vừa được xuất viện vào ngày 8/9, được xe của bệnh viện đưa về miễn phí, bà hiện đang tự cách ly tại nhà 14 ngày tiếp theo. Còn cả gia đình anh cũng đã có kết quả âm tính.
“Cả gia đình tôi đã may mắn thoát “án tử” từ Covid-19, còn mẹ – người mà tôi lo nhất cũng đã khoẻ trở lại, dù hiện sức khoẻ bà còn yếu nhưng được về nhà là tốt rồi”, anh Quang bộc bạch.
Chia sẻ về cách nhận biết và chăm sóc người F0 từ kinh nghiệm của gia đình mình, anh Quang bật mí: “Đầu tiên cần nhận biết những thành viên nào trong gia đình có nguy cơ cao bệnh sẽ trở nặng. Nếu là một F0 trẻ khoẻ đã tiêm vắc-xin và không có bệnh nền, thì căn bệnh này không có gì phải lo lắng, như một cơn cảm cúm kéo dài hơn bình thường. Nhưng, nếu gia đình có những người lớn tuổi với bệnh nền thì phải đảm bảo bệnh nền đang được điều trị ổn định, song song với điều trị Covid.
Thêm nữa, cần trang bị những thiết bị y tế cần thiết đặc biệt lúc này là máy đo SpO2 để theo dõi tình trạng của bệnh. Khi nằm ngoài sự kiểm soát thì liên hệ ngay cho y tế để đuợc sự hướng dẫn và can thiệp kịp thời. Ngoài ra, chế độ ăn uống dinh dưỡng, nghỉ ngơi cần hợp lý, vận động cơ thể mỗi ngày và thường xuyên vệ sinh cá nhân đồ dùng của mình cùng với tinh thần lạc quan vui tươi.
Hạn chế tìm đọc những tin tức tiêu cực, nên xem những bộ phim vui vẻ hài huớc cuời càng nhiều càng tốt vì “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, có như vậy căn bệnh này sẽ sớm khỏi”.
Thông qua câu chuyện của gia đình mình, anh Quang mong muốn khi ai đó là F0 hãy bình tĩnh, làm theo hướng dẫn của bác sĩ và tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý thì sẽ chiến thắng được virus SARS-CoV-2.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/minh-da-rat-lo-so-khi-me-la-f0-a527616.html