Ấn tượng về “siêu nhân” một mình “gánh” 18 F0
Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Tuyển là 1 trong số 60 y bác sĩ của viện Huyết học và Truyền máu Trung ương xung phong đi “tiếp lửa” nơi tuyến đầu, từ đợt đầu tiên (ngày 15/8). Đến nay, chị Tuyển đã có gần một tháng gắn bó với công việc chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 “từ A đến Z”, luân phiên 3 ca sáng – chiều – đêm tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đặt trong Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh cơ sở 2 (quận 9, Tp.Thủ Đức)
Ngồi chờ xe đến đón sau khi tan làm ca chiều lúc 21h30, chị tranh thủ chia sẻ những câu chuyện của bản thân và đồng nghiệp.
Nữ điều dưỡng nhớ lại dòng cảm xúc lúc mới quyết định lên đường chi viện: “Tuy cuộc chiến trên mặt trận đảm bảo đủ máu cho người bệnh trong đại dịch cũng chẳng dễ dàng, nhưng các y bác sĩ của “Viện Máu” (Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương – PV) cũng mong góp một phần sức mình, cùng chia sẻ khó khăn với lực lượng chống dịch trên tuyến đầu. Chứng kiến anh chị em đồng nghiệp đang “căng mình” chống dịch, tôi không cầm được nước mắt! Tôi mong sao sớm được lên đường để tiếp sức, san sẻ công việc để anh, chị đồng nghiệp có chút thời gian nghỉ ngơi!
Ngay trong ngày đầu, lúc mới gặp mặt Ban Chỉ huy để nhận nhiệm vụ, tôi đã vô cùng xúc động khi thấy chị điều dưỡng trưởng với dáng người khá nhỏ con bật khóc. Chị vừa xúc động, vừa vui mừng khi có thêm người, thêm đoàn vào hỗ trợ san sẻ bớt công việc cho mọi người; đồng thời, cũng vừa rất thương những người chưa tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc Covid-19 bao giờ mà bây giờ lại lặn lội hàng nghìn km từ Bắc vào Nam để hỗ trợ”.
“Bắt đầu công việc, tôi đã cảm nhận khác hoàn toàn so với khi ở ngoài kia. Đầu tiên, chúng tôi phải làm quen với việc mặc đồ bảo hộ cấp 3, cấp 4 kín mít và đeo khẩu trang N95 suốt 8 tiếng, do phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc Covid-19. Trước đó, khi làm việc tại Viện, chúng tôi chỉ cần mặc đồ bảo hộ cấp 1, cấp 2 trong khoảng 1-2 tiếng lúc lấy mẫu và xét nghiệm, nên thoáng hơn rất nhiều.
Ngày đầu tiên, tôi chưa quen, nên có một lần phải nghỉ giữa chừng để vệ sinh cá nhân, nhưng đến hôm sau, tôi đã “bắt nhịp”, tự điều chỉnh thời gian sinh học của bản thân để suốt 8 tiếng không phải cởi đồ bảo hộ ra lần nào, tránh lây nhiễm chéo”, chị không ngần ngại giãi bày.
Điều dưỡng Tuyển cho biết, trước khi vào miền Nam, các y bác sĩ cũng được tập huấn về các quy trình chăm sóc bệnh nhân, hỗ trợ quá trình thở, chăm sóc vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân.
“Ở đây, chỉ có bệnh nhân và nhân viên y tế, các F0 không có người thân bên cạnh nên bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào chúng tôi. Chúng tôi phải lo “từ A đến Z” cho từng bệnh nhân. Ngoài những công việc chuyên môn, chúng tôi còn giúp bệnh nhân từ chuyện ăn uống, ngủ nghỉ đến lau người, vệ sinh… Khi bón cho những bệnh nhân thở oxy ăn, chúng tôi phải hết sức kiên trì, bón 1-2 miếng lại để họ thở và nghỉ ngơi, hay họ không muốn ăn thì phải lựa lời khuyên nhủ…
Dãy phòng bệnh mà tôi đang phụ trách cùng một nữ điều dưỡng khác có 18 bệnh nhân. Trước khi đoàn chúng tôi vào hỗ trợ, dãy phòng bệnh này do một mình điều dưỡng Lê Thị Hải Yến (SN 1982) phụ trách. Tôi cũng chưa tưởng tượng được, chị ấy làm sao có thể một mình xoay xở với 18 F0? Bởi thế, chúng tôi hay gọi đùa chị ấy là “siêu nhân”.
Sau khi chị Yến chuyển sang nơi khác, dãy phòng bệnh vẫn duy trì có 2 chị em phụ trách một ca, chúng tôi phân chia mỗi người chăm sóc bao nhiêu F0. Nhưng vì các bệnh nhân ở đây có thể suy hô hấp, chuyển biến nặng chỉ trong tích tắc nên thường sẽ để mắt theo sát tất cả, phòng khi người này đang “dở tay”, thì người kia đỡ đần. Đó cũng là lý do mà chúng tôi mong mỏi có thêm đoàn để san sẻ công việc”.
Nhắc đến đây, chiếc xe đón nhân viên y tế vừa tới, nữ điều dưỡng cùng các đồng nghiệp lên xe để trở về nơi sinh hoạt cách bệnh viện hơn 20km. Lúc này, đồng hồ đã điểm 22h.
Không có thời gian để buồn
Với nữ điều dưỡng “Viện Máu”, chặng đường trong gần một tháng qua đã ghi dấu rất nhiều kỷ niệm ấn tượng, vui có, buồn có và có cả những cảm xúc khác hoàn toàn với công việc trước đây.
Các bệnh nhân ở phòng chăm sóc mà chị Tuyển phụ trách nằm trong độ tuổi từ 30 đến 80, mỗi người một trạng thái bệnh khác nhau, nhưng có một điểm chung là đều không có người thân bên cạnh. Chính vì vậy, chị và các đồng nghiệp bên cạnh nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, còn kiêm luôn chủ động khơi gợi niềm vui tinh thần, để người bệnh yên tâm điều trị.
“Ở đây, chúng tôi cũng chứng kiến nhiều gia đình phải nhập viện cùng nhau. Có một gia đình khiến tôi đặc biệt ấn tượng, khi cả 2 ông bà gần 70 tuổi đều là F0. Ông bên phòng bệnh nhân nặng còn bà bên phòng bệnh nhân nhẹ. Vì lúc ở nhà, bà chịu khó dùng thuốc nên tình trạng đỡ hơn ông. Bà nhờ tôi gọi điện qua cho ông để chia sẻ, động viên, sau đó, xin với các y bác sĩ cho bà được ở cùng phòng với ông. Ở được hai hôm thì bệnh tình của ông trở nặng hơn, phải cấp cứu, lúc đó, bà cũng có mặt, nên ít nhiều đã có chút dự cảm không hay. Tuy nhiên, bà vẫn rất hy vọng…
Đêm đó, tôi tranh thủ ghé qua phòng điều trị mới của ông để hỏi thăm tình hình, vốn định về báo tin vui cho bà mừng, không ngờ, ông lại vừa mất cách đó hai tiếng… Trở lại phòng, tôi phải cố nén những giọt nước mắt, miệng gượng cười, nói với bà rằng ông vẫn khỏe. Lúc đó, tôi buộc phải nói dối, bởi nếu để bà biết sự thật, có lẽ sẽ không chịu nổi “cú sốc”, phải để bà có tinh thần mà chiến đấu với bệnh. Mấy ngày sau, bà đã bình phục và được xuất viện, nhưng có lẽ, niềm vui khỏi bệnh cũng không lớn bằng nỗi buồn trong lòng bà khi biết tin người bạn đời không qua khỏi…”, nhắc đến đây, giọng chị như nghẹn lại.
Nữ điều dưỡng bộc bạch: “Bệnh nhân ở đây sẽ có hai trường hợp, một là tốt hơn và khỏe lại, hai là tiến triển nặng, phải đặt nội khí quản, chuyển máy thở rồi không thể tỉnh lại. Phòng này có một bác gái lớn tuổi nhất sinh năm 1942, cũng vừa mất hơn một tuần nay. Nhìn những bệnh nhân xấu số ra đi khi không có người thân bên cạnh, chúng tôi ai cũng đau lòng, nhưng vẫn phải tiếp tục công việc, vì bệnh nhân ở đây ra vào rất đông, nhân viên y tế không có thời gian để buồn.
Thế nhưng, khi trở về phòng mình để nghỉ ngơi, nhiều lúc, tôi cũng cảm nhận sự sống sao mà mong manh quá. Cảm giác lằn ranh giữa sự sống và cái chết chỉ như một sợi chỉ, khẽ động cũng có thể đứt bất cứ lúc nào… Cũng vì thế, tôi trân quý sức khỏe của mình nhiều hơn, không ỷ lại vào tuổi trẻ. Trước đây, tôi cũng tự tin là mình còn trẻ, còn khỏe, nhưng sự khốc liệt của Covid-19 sẽ không buông tha bất cứ ai, chúng ta phải tự biết bảo vệ và chăm sóc kỹ bản thân”.
Ngừng lại một chút, chị Tuyển tiếp tục: “Nhiều năm chăm sóc bệnh nhân tan máu bẩm sinh – Thalassemia, mặc dù chứng kiến họ phải “sống chung” với bệnh, nhiều người phải coi viện là nhà, tôi cũng rất thương, song khi chứng kiến sự ra đi của các bện nhân Covid-19 ở đây, tôi vẫn không khỏi hụt hẫng. Đối với bệnh nhân “máu”, chúng tôi giúp họ duy trì sự sống, còn với bệnh nhân Covid-19, chúng tôi nỗ lực để giành giật sự sống cho họ, nhiều khi chỉ trong một khoảnh khắc.
Khi trở về, tôi sẽ nói với bệnh nhân ở “Viện Máu” rằng, ít nhất họ vẫn còn hạnh phúc khi được kéo dài thời gian, được nhìn thấy người thân, còn với các F0, đôi khi họ không có một người thân ở bên kể cả lúc rời bỏ sự sống”.
Có bệnh nhân nặng, nhưng đa phần bệnh nhân khỏe lại và được xuất viện. Những lời cảm ơn của họ như tiếp thêm sức mạnh cho các nhân viên y tế nơi đây.
Nhắc đến những kỷ niệm vui, ánh mắt chị như thêm rạng rỡ: “Tôi hay gọi vui các bác trong phòng bệnh là các “em bé lớn”. Mỗi ca làm việc của tôi thường bắt đầu bằng những câu hỏi như: “Hôm nay, các em bé cảm thấy thế nào nhỉ?”, “Bé nào hôm nay ăn ngoan, bé nào hư thì đánh đòn nhé?”… Hồi đầu, có bác hỏi lại: “Tại sao lại gọi chúng tôi là em bé?”, tôi liền cười đáp: “Bởi vì các bác vẫn mặc bỉm đấy thôi!”, thế là cả phòng bệnh được phen cười vui vẻ. Tôi chỉ nghĩ, mình đùa một chút, đó là liều “vitamin” tinh thần cho họ thoải mái, lạc quan hơn trong điều trị.
Mỗi đêm, khi công việc đã tạm ổn, có thể rảnh tay một chút, tôi lại hỏi: “Các bé có ai cần vỗ lưng không nào?”, thế là mọi người đều tranh nhau “xí phần”. Tôi vỗ lưng cho từng người vì thương họ nằm lâu trên giường bệnh vừa mỏi vừa khó thở. Có người còn trêu lại: “Cô có học võ hay không mà vỗ sảng khoái thế!”, rồi đưa tay thể hiện “nút like” với tôi… Tôi thấy vui lắm, mặc dù lúc đó đã quá nửa đêm, bản thân cũng thấm mệt, nhưng tự nhủ là mình đang tập thể dục, khi về nhà ngủ cho ngon giấc”.
Nếu Tổ quốc cần, chúng tôi sẵn sàng…
Theo điều dưỡng Nguyễn Thị Tuyển, từ khi nhận nhiệm vụ ở đây, chị và một số đồng nghiệp cũng bị lệch nhịp sinh hoạt: “Để không phải cởi đồ bảo hộ, chúng tôi thường nhịn ăn, nhịn uống, nhịn vệ sinh từ đầu đến cuối ca làm việc. Vì phải chờ hết ca rồi trở về phòng ở, mới có thể ăn, nên với ca sáng thì bữa trưa thường vào lúc 16h, còn ca chiều thì bữa tối lúc 22h30-23h. Có nhiều hôm, mệt quá, nâng hộp cơm lên chỉ muốn đặt xuống, không muốn ăn. Đồng hồ sinh học bị đảo lộn, có bạn phải mất một tuần mới bắt đầu quen”.
Thế nhưng, theo nữ điều dưỡng, chị vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác: “Nhịp sinh hoạt thì ai cũng phải quen, nhưng chúng tôi ở đây vẫn may mắn hơn nhiều anh em đồng nghiệp ở bệnh viện dã chiến. Trước khi lên đường, chúng tôi cũng sẵn sàng tâm lý nhận nhiệm vụ ở bệnh viện dã chiến nên chủ động chuẩn bị tư trang, nhưng vào đây lại không cần dùng đến.
Vì tình trạng “biếng ăn” của chúng tôi, đồng nghiệp ngoài kia gửi đỗ xanh vào để chúng tôi “tăng gia” thêm giá đỗ, có thêm rau xanh, cơm hay mì tôm cũng dễ ăn hơn nhiều”.
Các F0 nằm trên giường bệnh cả ngày, có thể không biết đến giờ giấc, nhưng họ đều rất tình cảm và không quên những lời cảm ơn. “Khi chúng tôi làm việc, họ hỏi giờ, rồi thấy đã muộn mà chúng tôi còn ở lại đó chăm sóc, họ xót lòng và động viên ngược lại: “Sao muộn thế mà cô chưa được nghỉ, chưa được về ăn cơm?… Các cô phải cố lên nhé, giữ sức khỏe, không được gục ngã!”. Có một bác gái sau khi khỏe lại, còn nắm lấy tay tôi hỏi: “Cô không phải người ở đây à?”, tôi đáp “Dạ cháu ngoài Hà Nội vào”. Bác ấy cảm động lắm: “Các cô vất vả quá! Lặn lội xa xôi như vậy… Cảm ơn các cô nhiều lắm!”. Tôi cũng bảo: “Các bác gắng điều trị cho tốt, chóng khỏe lại, để bọn cháu cũng sớm được trở về nhà nhé!”. Những khoảnh khắc ấy khiến tôi không còn mệt mỏi nữa”, chị mỉm cười.
Quyết định xông pha vào “tâm dịch” của điều dưỡng Tuyển cũng rất được gia đình ủng hộ. “Vài ngày, tôi chủ động gọi về hỏi han sức khỏe cả nhà. Mặc dù, bố mẹ ở nhà theo dõi tin tức, cũng biết tình hình trong Nam thế nào, nhưng vẫn luôn động viên tôi phải thật mạnh mẽ. Bố chỉ nói, cứ xem như một cuộc “hành quân”, chúng tôi bây giờ sung sướng hơn thế hệ cha anh “nằm gai nếm mật” để bảo vệ đất nước khi xưa nhiều… Bố không nói nhiều hơn, có lẽ sợ tôi khóc. Tôi may mắn khi có các anh chị lớn ở lại Hà Nội chăm sóc bố mẹ. Có bữa, chân của bố đau quá, phải nhập viện mổ mà cả nhà vẫn giấu, muốn để tôi yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Sau chúng tôi, đã có thêm những đợt chi viện khác bay vào. Song, nếu Tổ quốc còn cần, tôi vẫn nguyện xung phong góp sức!”, nữ điều dưỡng kết thúc câu chuyện và mở hộp cơm đã nguội ngắt khi đồng hồ chỉ 23h.
Không chỉ gia đình, đồng nghiệp trở thành “hậu phương” vững chắc, các y bác sĩ lên đường chi viện cho “tiền tuyến”, còn được rất nhiều bệnh nhân gửi những lời chúc ấm áp. Đó cũng là “hành trang đặc biệt” giúp họ vượt lên tất cả để chung tay với tuyến đầu, đẩy lùi dịch bệnh.
TUỆ LINH
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/vitamin-cho-f0-a527626.html