Sau gần 2.000 ngày chuẩn bị, phim điện ảnh Đất rừng phương Nam chính thức khai máy với những cảnh quay đầu tiên ở rừng tràm Trà Sư, An Giang. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng chia sẻ, vì điều kiện không cho phép mà phiên bản truyền hình đành phải ngậm ngùi bỏ đi yếu tố “rừng” trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam và chỉ được mang tên Đất phương Nam. Với phiên bản điện ảnh, anh cho biết, sau nhiều ngày khảo sát bối cảnh, ê-kíp quyết định lựa chọn rừng tràm Trà Sư để thể hiện chất “rừng” như trong tiểu thuyết, vì nơi đây vẫn còn lưu giữ nét đẹp hoang sơ và hùng vĩ về rừng Nam Bộ qua ngòi bút miêu tả của nhà văn Đoàn Giỏi. Đập vào mắt chúng ta mỗi sáng thức giấc là những đàn chim bay về tổ, bên trên những đồng nước mênh mông rợp bóng tràm.
Chợ nổi trong phim Đất rừng phương Nam.
Cảnh quay đầu tiên của Đất rừng phương Nam sẽ tái hiện một chợ nổi đặc trưng của miền Tây Nam Bộ vào thập niên 1920 với hơn 300 diễn viên quần chúng. Từ hình ảnh hậu trường được đoàn làm phim chia sẻ, có thể thấy một cổng chợ bề thế được dựng lên với biển hiệu của các cửa tiệm được vẽ tay mang nét cổ xưa như “Tiệm vàng – cầm đồ Kim Sang”… Hệ thống kênh rạch của rừng tràm cũng giúp đoàn làm phim dàn cảnh hàng chục chiếc ghe thuyền tập hợp, làm nên một chợ nổi đậm chất miền Tây Nam Bộ.
Bối cảnh trong phim lột tả nét sinh hoạt nhộn nhịp, sầm uất đặc trưng Nam Bộ thập niên 1920.
Tuy nhiên, ngay khi loạt ảnh hậu trường đầu tiên được công bố, khán giả tranh cãi với các ý kiến trái chiều. Một số chê bai: “Thấy cây cầu đẹp long lanh là… hết hồn rồi! Có lẽ, phim lại tiếp tục vướng vào nhược điểm vốn đã thuộc vào loại truyền kỳ của phim Việt: Chuyện xưa, tích cũ song vẻ ngoài cái gì cũng mới”; “Nhìn hình chụp ghe xuồng trên sông nhận ra ngay không tự nhiên, yếu tố quan trọng nhất thể loại phim như thế này”; “Vẫn thấy giả giả thế nào ấy nhỉ, tôi xem tưởng khu du lịch sinh thái nào đó, cái nét mộc mạc xưa cũ theo thời gian không thể nào giả được”; “Hình ảnh trông quá gọn, đâu vào đấy, sắp xếp trật tự nên có vẻ giả tạo”,…
Hình ảnh hậu trường của Đất Rừng Phương Nam.
Một số khác cho rằng đây chỉ mới là hình ảnh hậu trường của cảnh quay đầu tiên với bối cảnh đầu tiên. Khán giả nên ủng hộ để đoàn phim làm tiếp hơn là tìm sạn, so sánh với bản truyền hình từng thành công.
Theo hoạ sĩ thiết kế Bùi Bảo Quốc, sau đại cảnh ở rừng tràm Trà Sư, ê-kíp sẽ đến với một thách thức khác là phục dựng bối cảnh Sài Gòn thập niên 1920 diễn ra ở thị xã Tân Châu, An Giang.
Được biết, nơi đây vẫn còn giữ được nhiều kiến trúc nhà cổ để tái hiện Sài Gòn hoa lệ một thời.
Đất Rừng Phương Nam phiên bản điện ảnh được kế thừa và phát triển từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và tác phẩm truyền hình nổi tiếng Đất Phương Nam của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Bộ phim kể về hành trình phiêu lưu của An, một cậu bé chẳng may mất mẹ trên đường đi tìm cha. Cùng với An, khán giả sẽ trải nghiệm sự trù phú của thiên nhiên và nét đẹp văn hoá đặc sắc của vùng đất Nam Kỳ Lục Tỉnh, sự hào hiệp của những người nông dân bám đất, bám rừng và tinh thần yêu nước kháng Pháp đầu thế kỷ XX.
Quốc Tiệp (theo VOV, Người lao động)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/boi-canh-dau-tien-cua-phim-dat-rung-phuong-nam-gay-tranh-cai-a586909.html