Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, để hỗ trợ các sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường để giúp người dân, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản Cục đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai hợp tác chặt chẽ với đối tác trong và ngoài nước như Amazon, Alibaba, Google, Shopee, Voso, Tiki, Lazada…kết nối đối tác với doanh nghiệp để thực hiện chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, trước hết là việc nâng cao kiến thức về quy định, chính sách pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, đào tạo kỹ năng cần thiết để tham gia thương mại điện tử và thương mại xuyên biên giới.
Chẳng hạn như mở gian hàng, vận hành thực hiện các đơn hàng, quản lý logistics, quản lý chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài…; đồng thời, tổ chức một cách bài bản các chương trình thương mại điện tử hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu ra các thị trường lớn thông qua các sàn thương mại điện tử quốc tế lớn.
Với việc nắm vững những kỹ năng thương mại điện tử, doanh nghiệp, nhà sản xuất hay hợp tác xã nông nghiệp mới có thể chủ động vận hành được kênh bán hàng thương mại điện tử của riêng mình một cách hiệu quả.
Cũng theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, hơn 2 năm qua đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế, bởi vậy, để quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, các tỉnh/thành trên cả nước đã chú trọng ứng dụng các công cụ, giải pháp chuyển đổi số để đa dạng đầu ra cho sản phẩm cũng như bổ sung cho các kênh tiêu thụ truyền thống.
Điều này không những đảm bảo được nhu cầu mua sắm hàng hoá của người dân mà còn thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, giám áp lực cho hệ thống phân phối truyền thống như các chợ, siêu thị trong thời điểm buộc phải đóng của và giãn cách xã hội.
Với hàng loạt chương trình kết nối thương mại điện tử tiêu thụ nông sản, đi chợ online trong bối cảnh giãn cách xã hội đã trở thành giải pháp hữu hiệu để kết nối lưu thông, tăng cường tiêu thụ hàng hoá, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hàng nghìn tấn nông sản, hàng hoá thiết yếu, hàng tiêu dùng đã được phân phối qua kênh thương mại điện tử.
Sau khi bình thường trở lại, thương mại điện tử đã trở thành thói quen tiêu dùng của người dân không chỉ tại các thành phố lớn mà đã đi tới các tỉnh, thành phố xa hơn.
Cùng với hệ thống phân phối truyền thống, thương mại điện tử tiếp tục phát huy lợi thế trong bối cảnh mới và tiếp tục mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng nói riêng và sự phát triển của xã hội nói chung.
Đặc biệt, nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua đã có nhiều tỉnh thành trên cả nước ban hành kế hoạch đưa hộ nông dân sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy các hoạt động quảng bá, tiêu thụ hàng Việt.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương cũng là một trong những Bộ đi đầu về hỗ trợ doanh nghiệp địa phương chuyển đổi số, thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt qua kênh thương mại điện tử, góp phần lưu thông hàng hoá, kết nối cung cầu các sản phẩm địa phương, nông sản vùng miền, hàng Việt qua thương mại điện tử.
Có thể kể tới hàng loạt các hoạt động kết nối cung cầu như Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình, Bình Định, Cần Thơ…với nội dung phong phú thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Đơn cử, từ kỹ năng thương mại điện tử trong nước, thúc đẩy xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới, phát triển thương hiệu sản phẩm trên nền tảng số, kết nối tiêu thụ hàng Việt qua thương mại điện tử…
Điều này đã góp phần giúp hàng nghìn doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã, nông thôn tiếp cận và hướng tới một kênh phân phối hiện đại, thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm qua thương mại điện tử.
Chính vì vậy, với gần 10.000 tấn vải thiều và khoảng 1 triệu đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử với doanh thu hàng trăm tỷ đồng cho người nông dân mùa dịch vừa qua là sự chung tay từ nhiều phía; trong đó, có các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso, Postmart, Shopee, Tiki, Lazada…cùng với hệ thống chuyển phát, doanh nghiệp vận tải đường bộ, hàng không.
Hiện nay, cùng với các hệ thống phân phối truyền thống, thương mại điện tử đã trở thành một kênh mới hiện đại và là giải pháp bền vững giúp hàng Việt cũng các nông sản địa phương mở rộng thị trường tiêu thụ.
Phấn đấu năm 2030, hàng hóa Việt Nam có mặt tại chuỗi phân phối truyền thống và trực tuyến tại tất cả quốc gia có hiệp định FTA với Việt Nam
Mục tiêu tổng quát của Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” nhằm phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn; khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Đồng thời, xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam với các mạng phân phối nước ngoài trên các kênh xuất khẩu truyền thống và kênh thương mại điện tử, hướng tới mô hình sản xuất – xuất khẩu – phân phối ổn định, bền vững;
Góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất, tổ chức sản xuất theo hướng bài bản, bền vững, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh lâu dài của doanh nghiệp; thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước vào sản xuất xanh sạch, bền vững, chế biến hàng xuất khẩu có chất lượng cao, mang lại giá trị gia tăng cao cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam; xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có năng lực cung ứng hàng hóa khối lượng lớn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, uy tín.
Cụ thể, Đề án phấn đấu hỗ trợ về thông tin thị trường cho 20.000 lượt doanh nghiệp; hỗ trợ về đào tạo, tư vấn cho 15.000 lượt doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng để từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và hỗ trợ 5.000 lượt doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đồng thời, tổ chức 10.000 lượt kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài; hỗ trợ trên 10.000 sản phẩm xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài; phấn đấu đến năm 2030, hàng hóa Việt Nam có mặt tại các chuỗi phân phối truyền thống và trực tuyến tại tất cả quốc gia có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.
Hương Anh (tổng hợp)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/ket-noi-quang-ba-tieu-thu-hang-viet-qua-cac-kenh-phan-phoi-truc-tuyen-a580931.html