Theo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2022, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và tình hình bất ổn thế giới làm cho một số doanh nghiệp thuộc Ủy ban lợi nhuận giảm mạnh, có doanh nghiệp lỗ lớn, giảm vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, tổng doanh thu công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 1.123.334 tỷ đồng, bằng 114% kế hoạch và 133% so với năm 2021.
Ngoại trừ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có lỗ đột biến do nguyên nhân khách quan, tổng lợi nhuận trước thuế của 18 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 39.219 tỷ đồng, bằng 173% kế hoạch và bằng 117% so với năm 2021.
Trong đó, 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 17/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 16/19 công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách Nhà nước.
Cơ quan này cũng cho biết, một số tập đoàn, tổng công ty đã có nhiều nỗ lực, đạt nhiều kết quả tích cực, vượt mức kế hoạch tại nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh so với những năm trước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)…
Song về cơ bản, 19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tổng giá trị vốn Nhà nước được bảo toàn, phát triển; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn Nhà nước…
Về thực hiện và giải ngân vốn đầu tư năm 2022, sau 4 năm chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có 41 dự án nhóm A, 125 dự án nhóm B đã được các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban phê duyệt/triển khai thực hiện/hoàn thành đầu tư.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư. Trong đó, có 10 dự án lớn, quan trọng, cấp thiết đã chậm tiến độ từ nhiều năm, với tổng mức đầu tư khoảng 259.000 tỷ đồng.
Trước đó, EVN cho biết, biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới từ đầu năm đến nay khiến chi phí sản xuất, mua điện của doanh nghiẹp này tăng vọt. So với kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm, giá nhiên liệu leo thang khiến EVN có thể lỗ lên tới hơn 64.800 tỷ đồng.
Tập đoàn này cho biết, nhờ cắt giảm các chi phí (sửa chữa, chi thường xuyên…), tạm chi lương bằng 80% bình quân năm 2020; vận hành tối ưu hệ thống điện để phát tối đa nguồn chi phí thấp (thuỷ điện) và tối ưu hoá dòng tiền… giúp giảm lỗ khoảng 33.445 tỷ đồng.
Tuy vậy, các biện pháp trên vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện đang tăng rất cao, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh 10 tháng đầu năm, với số lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng. Tập đoàn này dự kiến cả năm lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng cả năm 2022.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/18-tap-doan-tong-cong-ty-nha-nuoc-lai-gan-40-000-ty-duy-nhat-evn-lo-a585918.html