Trong suốt những năm hành nghề Luật, tôi chưa dừng ám ảnh trước những vụ án mình hỗ trợ pháp lý liên quan đến trẻ nhỏ và “yêu râu xanh”. Đáng buồn, một trong những rào cản để xử lý những kẻ đồi bại kia lại là… thủ tục.
Có những người mẹ đau đớn bế con bị xâm hại đi xuyên đêm để giám định pháp y vì sợ “mất dấu”. Có cán bộ công an dùng bông thấm tinh trùng của “yêu râu xanh” chảy ra từ người nạn nhân nhưng tất nhiên, vật chứng sơ khai đó không được chấp nhận… Hàng loạt lỗ hổng quy trình và thủ tục giám định rườm rà đang trở thành một trong những nguyên nhân khiến nhiều kẻ xâm hại tình dục trẻ em thoát tội, nhơn nhơn coi thường pháp luật.
Phiên toà xử ông Nguyễn Hữu Linh (nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng) vào tháng 8/2019 là một phiên toà tốn nhiều giấy mực của báo chí, vì những tình huống pháp lý phức tạp của nó.
Ông Linh đã có hành vi hôn hít một bé gái 7 tuổi trong thang máy hồi tháng 4/2019 và bị camera ghi lại. Hành vi này theo ông Linh là “nựng yêu”trẻ em, song không được ai đồng tình.
Tình tiết vụ dâm ô người dưới thành niên, “ấu dâm” như vậy tưởng đã rõ, vậy mà phía cơ quan tiến hành tố tụng lại trả hồ sơ để giám định xem “tay trái ông Linh đặt ở đâu?”. Tại sao phải giám định như vậy? Kết quả giám định như vậy có khách quan hay không?
Hay vụ việc cháu bé 9 tuổi ở Chương Mỹ (Hà Nội) bị đối tượng Nguyễn Trọng Trình (31 tuổi, cùng địa bàn) hiếp dâm trong vườn chuối hồi tháng 2/2019, bị đối tượng bẽ gãy tay, làm gãy răng do chống cự, nhưng ban đầu, cơ quan điều tra – Công an Huyện Chương Mỹ lại khởi tố bị can Trình về tội “Dâm ô người dưới 16 tuổi” xong cho đối tượng tại ngoại.
Phải đến khi vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận, Công an TP Hà Nội mới rút hồ sơ vụ án để điều tra, ra quyết định thay đổi tội danh từ tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” sang tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” đối với Trình, đồng thời thay đổi biện pháp ngăn chặn thành tạm giam.
Kết quả, Trình bị kết án tù chung thân. Một Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Chương Mỹ và kiểm sát viên thụ lý vụ án nói trên bị kỷ luật về “thái độ trách nhiệm trong xử lý công việc”.
Cách đây khoảng 10 năm, tôi được tham gia bào chữa một vụ án hiếp dâm xảy ra ở Điện Biên. Khi xảy ra vụ việc, cán bộ công an ở địa phương (không phải là điều tra viên) tự ý lấy bông thấm tinh trùng chảy ra từ người nạn nhân, nhưng vì không được thu thập theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nên không được coi là chứng cứ trong vụ án.
Khi kiểm tra, giám định lại thì không còn mẫu vật để giám định (do miếng bông thấm bị tiêu hủy vì không phải là chứng cứ của vụ án), vụ án bị hủy đi, hủy lại nhiều lần và kết quả cuối cùng hung thủ thật sự thì thoát tội, người khác phải chịu thay.
Trước đó, tại TP Hồ Chí Minh, một người mẹ đã phải bế con xuyên đêm để tìm nơi giám định pháp y, kiểm tra dấu vết, tinh trùng còn lại trên người nạn nhân, với suy nghĩ sợ dấu vết bị mất, không còn căn cứ để buộc tội đối với đối tượng có hành vi xâm hại tình dục. Nhưng chị gõ cửa cơ quan nào cũng bị từ chối, yêu cầu phải làm đúng quy trình.
Tất cả cho thấy một thực trạng là quy trình thụ lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em của chúng ta đang bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể là, các quy định về giám định, điều tra, truy tố đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đang có rất nhiều lỗ hổng, gây cản trở cho việc điều tra, xác minh sự thật khách quan của vụ án. Hậu quả là nhiều đối tượng thoát tội “hiếp dâm” để chỉ bị truy cứu với tội nhẹ hơn là “dâm ô” hoặc thậm chí thoát tội hoàn toàn vì không có đủ chứng cứ buộc tội.
Bất cập cụ thể ở chỗ: Thủ tục giám định chậm trễ, bỏ qua giai đoạn quan trọng để thu thập chứng cứ khách quan.
Thông thường thủ tục giám định sẽ được tiến hành sau khi có quyết định phân công điều tra viên, có quyết định về việc trưng cầu giám định. Đối với vụ án xâm hại tình dục trẻ em, nếu tuân thủ đầy đủ thủ tục giám định thì các dấu vết, hậu quả vụ việc sẽ không còn, hoặc không phản ánh đúng thực tế hậu quả của vụ án.
Thực tế, đối với vụ ân hiếp dâm ở vườn chuối, sau hơn 01 tuần cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể là Cơ quan điều tra – Công an Huyện Chương Mỹ mới đưa nạn nhân đi giám định.
Sau đó, khi chuyển hồ sơ lên thì cơ quan điều tra – Công an thành phố Hà Nội lại tiếp tục thực hiện trưng cầu giám định lại một lần nữa.
Tuy nhiên, với sự chậm trễ như vậy thì tính khách quan của kết luận giám định đã bị giảm đi rất nhiều, đương nhiên các bên tham gia vụ án này có nhiều lý lẽ để lập luận, phản bác lại kết luận giám định.
Để khắc phục vấn đề này, nên chăng có quy định bắt buộc về thủ tục giám định rút gọn, đưa nạn nhân đi giám định ngay khi có tin báo về hành vi xâm hại tình dục, không cần phải có thủ tục lấy lời khai, xác minh về nội dung vụ việc. Cán bộ điều tra/thụ lý có trách nhiệm hướng dẫn cho nạn nhân, gia đình nạn nhân về việc lựa chọn/từ chối việc giám định.
Điều đáng tiếc nữa là thủ tục lấy lời khai trở thành rào cản của vụ án. Việc lạm dụng lấy lời khai trong các vụ án xâm hại trẻ em khiến bị hại hoảng loạn, mỗi lần bị nhắc đến là một lần sợ hãi ám ảnh. Từ đó lời khai không khách quan, không thống nhất, gây khó khăn cho điều tra.
Hay trong vụ Linh “nựng”, trong quá trình lấy lời khai, bản thân các bên bị can, bị hại cũng thay đổi lời khai liên tục làm vụ án bị kéo dài.
Nên chăng cơ quan tiến hành tố tụng tập trung khai thác, lấy lời khai các bên liên quan ngay khi có tin báo tố giác tội phạm thì mọi thứ sẽ được rõ ràng.
Ngoài ra, cần có quy định lấy lời khai cụ thể, chi tiết, chặt chẽ và phù hợp với hoàn cảnh, đặc thù của tội phạm xâm hại tình dục. Nên áp dụng các thủ tục rút gọn trong việc lấy lời khai các bị can/bị cáo, bị hại, người làm chứng và những người có liên quan. Quy định rõ thời gian tối đa để lấy lời khai các bên và thực hiện tất cả các nghiệp vụ cần thiết để hoàn thiện việc lấy lời khai, đối chất giữa các bên. Hoặc quy định thời gian chậm nhất bao nhiêu lâu phải có lời khai ban đầu của bị hại, bị can.
Có thể yêu cầu chuyên gia tâm lý trấn an bị hại rồi mới lấy lời khai. Việc lấy lời khai có thể diễn ra tại phòng hỏi cung thân thiện (tức là gia đình bị hại lựa chọn địa điểm lấy lời khai như tại phòng giáo viên, phòng làm việc của Luật sư hoặc tại phòng làm việc của Trung tâm tư vấn tâm lý) để tránh tâm lý hoảng sợ cho nạn nhân.
Ngoài ra, trong những vụ án xâm hại tình dục trẻ em, nếu như hồ sơ đầy đủ, bắt được đối tượng thì cần thiết áp dụng thủ tục rút gọn để sớm đưa ra xét xử đối tượng theo đúng quy định pháp luật. Vụ việc để càng lâu sẽ kéo theo rất nhiều hệ luỵ, phức tạp, ảnh hưởng tâm lý của bị hại cũng như gia đình bị hại.
Như trong vụ án xâm hại tình dục cháu bé 9 tuổi ở Chương Mỹ, chúng tôi rất lo lắng khi vụ việc kéo dài thì nạn nhân, gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng rất lớn về tâm lý, suy nghĩ, cuộc sống, không khác gì những màn tra tấn về tâm lý của cả gia đình.
Bởi lẽ, mỗi lần cơ quan tiến hành tố tụng, hoặc ai đó hỏi thăm đến là thêm một lần nạn nhân sẽ trải qua những khoảnh khắc đau đớn, xấu hổ, khủng hoảng tinh thần.
Tuy nhiên, thực tế những vụ án như vậy vẫn kéo dài lê thê do các thủ tục tố tụng, do việc thời gian giải quyết còn kéo dài …
Tội phạm xâm hại tình dục lại là loại tội phạm gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lýcủa nhiều người trong xã hội. Có nhiều nguy cơ tội phạm tiếp tục tái diễn do bản năng sinh lý của tội phạm. Thế nên đối với nhiều quốc gia trên thế giới, tội phạm xâm hại tình dục, quấy rối tình dục, ấu dâm thường bị xử lý rất nặng và có các biện pháp cưỡng chế kèm theo như quản thúc, bị gắn thiết bị theo dõi hoặc phải báo cáo định kì.
Tôi đề nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam để ngăn ngừa, đấu tranh, phòng chống loại tội phạm xâm hại tình dục, quấy rối tình dục …
Xâm hại tình dục trẻ em ngày càng trở nên phổ biến, không còn là những vụ việc đơn lẻ mà đã trở thành một vấn nạn gây nhức nhối dư luận xã hội.
Nhìn nhận từ những vụ án thực tế xảy ra trong thời gian vừa qua và sau khi đối chiếu các quy định pháp luật của Bộ luật hình sự (phần quy định các tội danh xâm hại tình dục), Bộ luật tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH, tôi thấy rằng thời gian qua nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, bỏ lọt tình tiết phạm tội mà nguyên nhân là do sự bất cập trong quá trình giải quyết các vụ án.
Vì vậy, việc nhanh chóng rút gọn thời gian, thủ tục giám định cũng như thụ lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em là giải pháp cấp bách để tránh bỏ lọt tội phạm đối với loại tội phạm nguy hiểm cho xã hội này.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/yeu-rau-xanh-thoat-toi-vi-thu-tuc-a480749.html