Những cống hiến thầm lặng
Tìm đến căn nhà cũ kỹ của nghệ nhân H’Săn Êban, 83 tuổi, trú tại Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi không khỏi xót xa trước gia cảnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn của người “cầm trịch” đội chiêng nữ duy nhất ở Đắk Lắk.
Bà H’Săn cho hay, từ khi còn nhỏ, bà đã theo người thân đi lễ hội xem các bà, các cô trong đội chiêng của buôn hợp tấu chiêng Jhô, múa xoang và ấn tượng với chiếc trống da trâu dẫn nhịp.
Rồi âm thanh, nhịp điệu của trống cứ thế ăn sâu vào tâm thức của bà lúc nào không hay. Sau này lớn lên tham gia đội chiêng, bà đã được xếp ngay vào vị trí đánh trống.
Kể từ đó, bà H’Săn cùng đội chiêng nữ đi biểu diễn ở nhiều chương trình trong, ngoài tỉnh và tham gia nhiều lớp truyền dạy đánh chiêng, trống cho thế hệ trẻ, trẻ em gái ở buôn làng.
Cho đến năm 2019, bà H’Săn đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Dành cả cuộc đời để cống hiến cho truyền thống văn hóa của dân tộc là vậy nhưng nữ nghệ nhân ở cái tuổi xưa nay hiếm vẫn phải đối diện với không ít khó khăn về kinh tế và ngược xuôi với cuộc sống mưu sinh hàng ngày.
Thế nhưng, vì thấu hiểu tầm quan trọng của người đánh trống trong đội chiêng Jhô nên những năm qua, nghệ nhân H’Săn vẫn luôn âm thầm tìm kiếm người kế nhiệm nhằm gìn giữ truyền thống văn hóa của dân tộc.
Dù đã tuổi cao, sức yếu nhưng thời gian qua, bà vẫn hăng say tham gia các lớp truyền dạy cồng chiêng Jhô cho các thế hệ trẻ trong buôn.
Tương tự, ông Y Zam (trú tại buôn Cuôr Đăng A, xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) cũng là một trong số ít người thực hành thành thạo nhiều loại hình văn hóa truyền thống của người Ê Đê như: lời nói vần, hát sử thi, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng,…
Không những hết lòng gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, nghệ nhân Y Zam còn truyền nhiệt huyết bảo tồn văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.
Với nhiệt huyết và sự cống hiến dành cho văn hóa dân tộc, năm 2022, ông Y Zam Niê được công nhận Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi Hết lòng lưu giữ những nét đẹp văn hóa của người Ê Đê trong suốt thời gian qua nhưng nghệ nhân Y Zam chưa một lần đòi hỏi được hỗ trợ vật chất.
Nghệ nhân Y Zam chia sẻ: “Truyền thống cha ông để lại thì mình phải gìn giữ để còn trao lại cho thế hệ sau. Tuy nhiên, thế hệ trẻ bây giờ lo làm kinh tế, ít người mặn mà với văn hóa truyền thống. Mình vừa giữ gìn vừa tìm cách truyền dạy, rồi đưa đoàn đi biểu diễn trong các hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa văn nghệ quần chúng chỉ mong góp phần khơi dậy đam mê trong thế hệ trẻ. Từ đó, giúp cho các bạn trẻ dù đi đâu, làm gì cũng không quên nhớ về nguồn cội của dân tộc mình”.
Ông Trần Viết Dụ, cán bộ văn hóa thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) thông tin, trên địa bàn thị trấn Buôn Trấp có 7 nghệ nhân ưu tú là những nghệ nhân gạo cội nhất của địa phương.
Họ thường xuyên tham gia vào các hoạt động bảo tồn, trực tiếp đi biểu diễn, truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa quý báu của dân tộc.
Theo ông Dụ, các nghệ nhân có công rất lớn trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống nhưng không ai đòi hỏi quyền lợi vật chất, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn. Vì niềm đam mê và tình yêu với văn hóa dân tộc, các nghệ nhân đã bỏ lại sau lưng hoàn cảnh gia đình để tiếp tục làm tốt vai trò của mình.
Hỗ trợ nghệ nhân nhằm bảo tồn những giá trị tốt đẹp
Thấu hiểu những khó khăn và sự cống hiến của các nghệ nhân trên địa bàn trong thời gian qua, mới đây, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân trên tỉnh bàn.
Theo đó, nghị quyết quy định về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và nghệ nhân tỉnh Đắk Lắk được huy động tham gia sinh hoạt tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Trong đó, Nghệ nhân nhân dân được hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng; Nghệ nhân ưu tú 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Đối với nghệ nhân đang sinh hoạt hàng ngày tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài mức hỗ trợ quy định tại nghị quyết này, các đối tượng nói trên còn được hưởng các khoản hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.
Cũng theo nội dung nghị quyết, kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ các nghệ nhân do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.
Theo một cán bộ văn hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nghị quyết của HĐND tỉnh Đắk Lắk thông qua chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các nghệ nhân.
Qua đó, động viên tinh thần và hỗ trợ cho nghệ nhân khoản thu nhập cố định, để họ vơi bớt gánh nặng mưu sinh và có nhiều thời gian cho công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa. Đó là điều tuyệt vời mà nghệ nhân xứng đáng được hưởng.
Nghệ nhân Y Zam tâm sự: “Vừa qua, nghe cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện bảo HĐND tỉnh thông qua nghị quyết hỗ trợ nghệ nhân, tôi rất mừng. Mừng bởi từ nay, nhiều nghệ nhân có khoản tiền cố định hàng tháng để trang trải kinh tế và có thêm động lực để làm tốt hơn công việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho hay, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có tổng cộng gần 10.000 nghệ nhân.
Trong đó, có 3.855 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng; 186 nghệ nhân hát kể sử thi; 253 nghệ nhân kể truyện cổ; 393 nghệ nhân chỉnh chiêng; 863 nghệ nhân biết lời nói vần, dân ca, tục ngữ; 635 nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng; 1.270 nghệ nhân diễn tấu nhạc cụ tre, nứa; 568 nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc; 734 thầy cúng; 1.032 nghệ nhân xử luật tục; 370 nghệ nhân tạc tượng.
Trong tổng số gần 10.000 nghệ nhân nói trên, toàn tỉnh Đắk Lắk có 48 nghệ nhân được công nhận nghệ nhân ưu tú (trong đó có 10 người đã mất) và 8 nghệ nhân đang sinh hoạt tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, các nghệ nhân nói chung, nghệ nhân cồng chiêng nói riêng là “linh hồn”, “báu vật sống” trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Trước khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết nói trên, Sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đi tìm hiểu rất kỹ về đời sống của các nghệ nhân. Ông Đại cho hay, để trở thành nghệ nhân, họ đã có thời gian cống hiến rất lâu và hiện đã lớn tuổi, già yếu. Trong số đó, có nhiều người thường xuyên đau ốm, bệnh tật.
Đáng nói, đa số các nghệ nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp, do tuổi cao, sức yếu, không có khả năng lao động để có thu nhập, trang trải cuộc sống.
Mặt khác, những nghệ nhân được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định tại Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ chỉ hỗ trợ một phần rất nhỏ (hỗ trợ chăm sóc ý tế, chi phí mai táng).
Chính vì vậy, ông Đại cho rằng, việc hỗ trợ các nghệ nhân theo Nghị quyết 06/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh nói trên là hết sức cần thiết và có ý nghĩa rất lớn lao. Đây là nguồn động viên rất lớn, khích lệ tinh thần các nghệ nhân. Qua đó, giúp họ thấy được, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến bản sắc văn hóa của dân tộc, cá nhân mình ấp ủ bấy lâu nay.
Thông qua nghị quyết cũng đã hỗ trợ một phần vật chất cho các nghệ nhân có điều kiện ổn định, cải thiện cuộc sống.
Không những thế, nghị quyết của HĐND tỉnh đã thể hiện chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc quan tâm, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các nghề truyền thống trên địa bàn. Qua đó, góp phần giúp cho các giá trị văn hóa truyền thống không bị mai một, thất truyền theo thời gian.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, việc hỗ trợ các nghệ nhân còn giúp cho họ thấy được giá trị của những gì họ đang nắm giữ.
Từ đó, các nghệ nhân có động lực, dành trọn tâm huyết của mình và tiếp tục cống hiến vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.
Khánh Ngọc
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/y-nghia-lon-lao-tu-chinh-sach-ho-tro-nghe-nhan-cua-tinh-dak-lak-a615925.html