Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,8 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước (YoY).
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 2,2 tỷ USD, giảm 28% YoY và là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Cá tra xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, giảm 34% YoY; cá ngừ đạt 545 triệu USD, giảm 25%; mực và bạch tuộc đạt 417 triệu USD, giảm 15%…
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với 1,01 tỷ USD, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước lại giảm 37%. Đứng sau là Trung Quốc & Hong Kong với 984 triệu USD, giảm 17%; kế đến là Nhật Bản với 973 triệu USD, giảm 13%…
Nhìn lại bức tranh xuất khẩu thủy sản sang Mỹ 10 năm qua, Mỹ luôn là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với 2 mặt hàng chủ đạo của ngành thủy sản Việt, bao gồm tôm và cá ngừ.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) khẳng định, Mỹ luôn là đối tác nhập khẩu hàng đầu của thuỷ sản Việt Nam.
Đối với mặt hàng tôm, ông Phạm Quang Huy – Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, Mỹ là thị trường tiêu thụ tôm lớn trên thế giới nhưng sản xuất tôm ở Mỹ chỉ đáp ứng 10% nhu cầu nội địa và phải nhập khẩu tới 90%; trong đó, 50-60% là tôm nuôi, nước ấm/nước lợ và đông lạnh, theo Lao Động.
Tiếp đà phát triển, để đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ, ông Phạm Quang Huy khuyến nghị doanh nghiệp cần tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển mô hình nuôi tôm giúp hạ giá thành sản phẩm, tiệm cận với giá của đối thủ cạnh tranh. Cùng với đó, tuân thủ quy định về tiêu chuẩn sản xuất, an toàn thực phẩm, ghi nhãn, đăng ký tiêu chuẩn về môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ; tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng, nắm rõ quy định và yêu cầu của liên bang cũng như tiểu bang; sử dụng kênh thương mại điện tử…
Không chỉ là thị trường nhập khẩu thuỷ sản số 1 của Việt Nam, Mỹ đồng thời là đối tác cung cấp một số mặt hàng hải sản quan trọng cho thị trường Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Mỹ sang Việt Nam khoảng trên 60 triệu USD mỗi năm, với những mặt hàng chính gồm cá hồi, cá trích, cá bơn, cá minh thái, cá tuyết…
Theo số liệu trên Mekongasean, nhu cầu tiêu dùng thủy sản tại thị trường Mỹ được dự báo sẽ hồi phục nhờ dấu hiệu hạ nhiệt lạm phát. Các khảo sát của Mỹ cho thấy, tồn kho cá da trơn size nhỏ (size cá tra) tại Mỹ trong tháng 7/2023 đã giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, giảm 22% so với giai đoạn đầu năm nay. Lạm phát hạ nhiệt tại Mỹ sẽ hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng ăn uống, đặc biệt là hệ thống nhà hàng của Mỹ mức tiêu thụ cá tra chiếm tới 70%.
Xuất khẩu thuỷ sản có thể mang về 9 tỷ USD trong năm nay
Trao đổi với báo Lao Động, bà Lê Hằng – Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tín hiệu phục hồi rõ rệt nhất ở thị trường Trung Quốc, trong đó, riêng tháng 7.2023, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này đã tăng tới 45% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 180 triệu USD.
“Có 3 yếu tố sẽ quyết định kịch bản xuất khẩu lạc quan trong nửa cuối năm nay, đó là diễn biến kinh tế các thị trường lớn được dự báo khả quan hơn trong nửa cuối năm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường như Mỹ và Trung Quốc đang có xu hướng tăng trở lại, khi lượng tồn kho đang vơi dần và chuẩn bị đơn hàng cho dịp lễ hội cuối năm và năm mới.
Hiện nay các DN chế biến, xuất khẩu thuỷ sản đã được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, các điều kiện sản xuất kinh doanh để giữ được nguồn cung nguyên liệu ổn định, đảm bảo có sẵn nguồn hàng khi thị trường có nhu cầu.
Các sản phẩm xuất khẩu có nguồn cung ổn định và có giá thành giảm, giá bán cạnh tranh trước các nước khác.
Với kịch bản thuận lợi đó, xuất khẩu thủy sản tháng 8 và 4 tháng còn lại năm 2023 có thể sẽ đạt trên 4 tỷ USD”, bà Lê Hằng nhận định.
Theo VASEP, từ nay đến cuối năm, một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… được coi là điểm đến lạc quan cho sản phẩm thủy sản chế biến sâu của Việt Nam. Bên cạnh đó, một số thị trường Đông Nam Á được đánh giá là tiềm năng vì có nền kinh tế ổn định hơn, lạm phát thấp hơn cộng với lợi thế vị trí địa lý thuận lợi.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT): Thị trường tôm đang có xu hướng ấm dần lên trong những tháng qua. Dự báo trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho ở các thị trường có xu hướng giảm và nhu cầu tăng cho các lễ hội cuối năm tăng, sẽ giúp cho xuất khẩu mặt hàng tôm tăng trở lại.
Để ngành tôm phát triển bền vững, đạt được các mục tiêu đã đề ra, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC) để nâng cao chất lượng, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh sản phẩm tôm trên thị trường thế giới.
Ngoài Mỹ, Trung Quốc vẫn được đánh giá là một trong những thị trường chủ lực xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm đạt 30,84 ty USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; có 8 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường này đạt từ 1 ty USD trở lên và thủy sản tiếp tục là một trong những mặt hàng được Trung Quốc nhập khẩu nhiều.
Theo VASEP, với những yếu tố hỗ trợ trên, xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD. Trong đó, dự báo tôm sẽ thu về lượng ngoại tệ khoảng 3,5-3,6 tỷ USD; cá tra: 1,7-1,8 tỷ USD; cá ngừ và mực, bạch tuộc sẽ đạt lần lượt 870 triệu USD và 650 triệu USD; xuất khẩu cá biển ước đạt 1,9-2 tỷ USD…
Trúc Chi (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/xuat-khau-thuy-san-van-ngong-tin-hieu-co-the-dat-9-ty-usd-nam-nay-a626991.html