Lượng xuất khẩu hồ tiêu ghi nhận mức cao kỷ lục
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong tháng 3/2023 đạt xấp xỉ 35,75 nghìn tấn, tăng 27,6% về lượng so với tháng 2/2023, đây là con số cao kỷ lục kể từ tháng 4/2020.
Theo báo Công Thương với con số này, đưa giá trị xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 106,47 triệu USD, và tăng 26,5% về trị giá so với tháng 2/2023; so với tháng 3/2022 tăng 50,6% về lượng, nhưng giảm 4,7% về trị giá.
Tính chung quý I/2023, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt xấp xỉ 76,2 nghìn tấn, trị giá 233,45 triệu USD, giảm 6% về lượng và giảm 34,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 3/2023, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đạt mức 2.978 USD/tấn, giảm 0,9% so với tháng 2/2023 và giảm 36,7% so với tháng 3/2022. Tính chung quý I/2023, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đạt mức 3.064 USD/tấn, giảm 34,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 3/2023, xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Ấn Độ, Đức, Hà Lan, Anh giảm so với cùng kỳ năm 2022. Ngược lại, xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập tăng trưởng từ 3 đến 4 con số.
Tính chung quý I/2023, xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Anh giảm so với cùng kỳ năm 2023. Ngược lại, xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập… tăng mạnh.
Tính đến thời điểm cuối tháng 3/2023, vụ thu hoạch hồ tiêu của Việt Nam đã đạt khoảng 70% nên lượng hàng khá dồi dào. Các đại lý, thương lái bắt đầu thu mua hồ tiêu để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Dự báo giá hồ tiêu thế giới sẽ không có sự biến động mạnh
Nguồn cung hồ tiêu dồi dào, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và một số thị trường khác tăng bù đắp cho sự sụt giảm của thị trường Hoa Kỳ và EU. Hiện các nhà nhập khẩu có dấu hiệu tăng cường mua hàng với những đơn hàng xa trong quý III và quý IV/2023, tuy nhiên, lượng giao dịch không nhiều.
Dự báo, hoạt động xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ diễn ra sôi động hơn trong quý II/2023 nhờ nhu cầu tăng cao từ các thị trường Trung Quốc, Papua New Guinea, ASEAN, Thổ Nhĩ Kỳ…, bù đắp cho nhu cầu nhập khẩu vẫn trầm lắng của thị trường Hoa Kỳ và EU.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hồ tiêu đen, tỉ trọng chiếm 81,2% tổng lượng và chiếm 74,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của cả nước. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu hồ tiêu đen đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng của toàn ngành. Tương tự, xuất khẩu hồ tiêu trắng xay tăng trưởng 2 con số cho thấy ngành hàng đã chú trọng hơn đến đa dạng sản phẩm. Tuy nhiên, lượng và trị giá xuất khẩu hồ tiêu chế biến vẫn còn ở mức thấp, cần chú trọng đến phân khúc này trong thời gian tới.
Đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng trên 2 tỷ USD
Ngành hồ tiêu và gia vị đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng trên 2 tỷ USD, với tổng sản lượng từ 400.000 – 500.000 tấn. Để đạt được mục tiêu này, ngành hồ tiêu cần nâng cao chất lượng và khai thác tốt nguồn lực từ các thị trường, phát huy lợi thế từ nước xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới.
Theo báo Hà Nội Mới, trước đó Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam thông tin, năm 2022, riêng mặt hàng hồ tiêu, Việt Nam xuất khẩu được hơn 232.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu gần 990 triệu USD. Nếu tính tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành hồ tiêu và gia vị thì hiện đạt khoảng hơn 370.000 tấn, tương đương trên 1,4 tỷ USD. “Hiện nay ngành hồ tiêu và gia vị của Việt Nam mới chỉ khai thác được 40 – 50% tiềm năng nên vẫn còn nhiều dư địa. Nếu được hỗ trợ kết nối với thị trường, cùng với định hướng sản xuất quy hoạch ngành hàng bền vững, đáp ứng nhu cầu nhà nhập khẩu thì kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu và các loại gia vị có thể đạt đến 2 – 3 tỷ USD/năm”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Đối với quy hoạch sản xuất, hiện Bộ NN&PTNT đang phối hợp cùng với các tỉnh, thành phố trồng tiêu đổi mới phương thức sản xuất, đưa các giống tiêu chất lượng vào trồng, quy hoạch vùng nguyên liệu cụ thể cho xuất khẩu. Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) Hoàng Thị Liên khẳng định, VPSA sẽ tập trung vào chiến lược đa dạng hóa ngành hàng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, giá trị gia tăng trong cơ cấu sản phẩm hồ tiêu và gia vị. Song song đó, VPSA sẽ đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu, canh tác bền vững tại các vùng nguyên liệu để xây dựng chuỗi giá trị hồ tiêu và gia vị Việt Nam bền vững. “Mục tiêu là đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành hồ tiêu và gia vị đạt khoảng trên dưới 2 tỷ USD, với tổng sản lượng từ 400.000 – 500.000 tấn”, bà Hoàng Thị Liên chia sẻ.
Về thị trường xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho hay, Bộ sẽ phối hợp Bộ Công Thương, Tham tán tại các nước để nắm bắt, kết nối thị trường cho ngành hàng hồ tiêu và gia vị, đặc biệt là khai thác lợi thế từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới để mở rộng thị trường, tạo sức bật cho ngành hàng hồ tiêu và gia vị.
Theo Bộ NN&PTNT, trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 40.814 tấn hồ tiêu với kim ngạch 128,6 triệu USD, tăng 33% (10.138 tấn) về lượng nhưng giảm 9% về giá trị tương đương 12,7 triệu USD về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Trúc Chi (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/xuat-khau-ho-tieu-ghi-nhan-muc-cao-ky-luc-nhung-muc-tieu-chien-luoc-a603030.html