Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,1 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, cá tra vẫn giảm sâu 38% đạt 240 triệu USD.
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết nhu cầu cá tra bắt đầu giảm mạnh từ quý 4/2022 sau khi ghi nhận diễn biến tích cực đầu năm.
Từ tháng 11, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam bắt đầu giảm từ 20-30% so với cùng kỳ do hàng tồn kho ở các nước nhập khẩu đã đạt mức cao, cùng lạm phát kéo dài ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu nhập khẩu cá tra.
Mặc dù Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại, nhưng cũng chỉ nới lỏng một phần các biện pháp phong tỏa nên nhu cầu nhập khẩu của nước này vẫn không thể bù đắp cho thiếu hụt nặng nề về cầu ở các nước phương Tây.
Sang tháng 1/2023, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam tiếp tục sụt giảm mạnh lần lượt là 51% và 60% so với cùng kỳ năm 2022, do vướng vào dịp Tết Nguyên đán nên hoạt động xuất khẩu bị trì hoãn.
Sau khi sụt giảm mạnh trong tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đã tăng nhẹ trở lại trong tháng 2/2023, đạt 662 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là một kết quả đáng mừng cho cá tra xuất khẩu. Dù vậy, với dự báo của VCBS, nhu cầu về cá tra vẫn chưa thể tăng trở lại, ngược lại vẫn có xu hướng giảm ở nhiều thị trường cho đến quý 3/2023, khi nhu cầu thế giới tăng trở lại để phục vụ cho các dịp lễ cuối năm. Đồng thời, nền kinh tế Trung Quốc đang dần mở cửa và hồi phục trở lại, nên tiêu thụ của người dân được dự báo sẽ cải thiện dần trong thời gian tới.
Giá cá nguyên liệu đang có xu hướng giảm, tuy nhiên giá thức ăn chăn nuôi vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chỉ số giá các loại ngũ cốc đã dần hạ nhiệt từ quý 3/2022, nhưng vẫn duy trì ở mức cao.
Theo các chuyên gia, hiện tượng El Nino khả năng cao sẽ quay trở lại vào năm 2023, khiến cho thời tiết toàn cầu sẽ nóng và khô hạn hơn, ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng và thu hoạch. Trên cơ sở này, giá ngũ cốc trong năm 2023 sẽ vẫn duy trì ở mức cao.
Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, nên nếu tỉ giá tiếp tục tăng cao trong năm 2023 sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào cho việc nuôi cá.
Tuy nhiên VCBS cho biết việc giá thức ăn tăng cao sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, khiến người nông dân bỏ nuôi nhiều như năm 2022.
Trong khi đó, các doanh nghiệp cá tra có cơ hội mở rộng thêm thị phần nhờ tích cực nâng cao tỉ lệ tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, định hướng sản xuất kinh doanh theo một chu trình khép kín từ khâu tạo giống, chế biến thức ăn, đến thành phẩm về cá nên ảnh hưởng về chi phí thức ăn tăng cao được giảm bớt.
Thực tế dù giá thức ăn tăng cao trong năm 2022, nhưng xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt kỷ lục.
Theo đó, tăng trưởng kim ngạch ở các thị trường so với cùng kỳ năm trước hầu như đều ở mức từ 30% trở lên; trong đó, thị trường Trung Quốc tăng trưởng 60%, thị trường Mỹ tăng trưởng 45%, EU tăng 94%, các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tăng 57%. Đặc biệt, Vasep chỉ rõ, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường nhỏ ở Trung Đông có mức tăng đột phá từ 115 – 429%. Nhờ xuất khẩu tăng cao, nhiều doanh nghiệp cá tra có doanh thu và lợi nhuận bứt phá. Và đến thời điểm này, các đơn hàng đang có dấu hiệu quay trở lại đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.
Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Vasep nhận định, dù những tháng cuối năm có sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu, song sản phẩm cá tra đang có triển vọng khả quan trong năm 2023, nhờ những tín hiệu tích cực từ 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ.
Trong số các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, Trung Quốc thu hút số doanh nghiệp xuất khẩu đông đảo nhất. Năm 2022, có hơn 160 doanh nghiệp Việt Nam có mặt hàng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc, mang về doanh số hơn 700 triệu USD, chiếm 29% tổng xuất khẩu cá tra.
Việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn đã khai thông cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có cá tra. Với 712 triệu USD trong năm 2022, cá tra chiếm 40% xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc – là mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất. Người Trung Quốc đang có xu hướng ưa chuộng cá tra hơn cá rô phi. Chi phí vận chuyển hàng hóa cũng đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc.
Đối với thị trường Mỹ, diễn biến cung cầu cá thịt trắng đang có lợi cho cá tra. Các chuyên gia và các thương gia tại thị trường Mỹ đều nhận định lạc quan về nhu cầu cá tra và cá rô phi tại thị trường Mỹ trong năm 2023. Hai loài này đều có giá phù hợp và nguồn cung ổn định. Trong khi đó, lệnh cấm với Nga tiếp tục làm sụt giảm nguồn cung cá tuyết – loài cá thịt trắng vốn được ưa chuộng tại Mỹ. Đặc biệt, vào mùa chay (từ cuối tháng 2 tới giữa tháng 4), nhu cầu sẽ tăng và sẽ phải bù đắp thiếu hụt bằng các loài khác như cá tra, cá rô phi, cá minh thái.
Năm nay Mỹ tăng hạn ngạch cá minh thái thêm 16% lên gần 1,5 triệu tấn, nhưng chưa thể đáp ứng ngay cho nhu cầu trước mắt. Đối với cá rô phi, chiến tranh thương mại và dịch Covid-19 vẫn phần nào hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ. Do vậy, cá tra của Việt Nam vẫn nhìn thấy điểm sáng tại thị trường này.
Năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đạt 537 triệu USD, tăng 45% so với năm 2021, duy trì tăng trưởng dương từ 23% – 123% trong 3 quý đầu năm, nhưng lượng tồn kho tăng khiến nhu cầu giảm trong quý 3, nên quý cuối năm giảm 32%. Kinh tế Mỹ có tín hiệu hồi phục nhẹ, lượng tồn kho giảm và các yếu tố cung – cầu có thể sẽ kích thích các đơn hàng cho cá tra tăng trở lại từ sau Tết Nguyên đán.
Thị trường Anh cũng được dự báo là rất tiềm năng cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm, Anh nằm trong số ít ỏi các thị trường có tăng trưởng dương nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Trong khi xuất khẩu sang top 10 thị trường lớn nhất đều giảm từ 18 – 50% so với cùng kỳ, riêng Anh – thị trường lớn thứ 6 của Việt Nam, vẫn giữ được mức tăng trưởng 22%.
Giám đốc truyền thông của Vasep cho hay, tính tới giữa tháng 2/2023, xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh đạt gần 7 triệu USD, chiếm 4,5% giá trị xuất khẩu đi các thị trường. Riêng nửa đầu tháng 2, xuất khẩu cá tra sang Anh tăng đột biến, với mức 142% so với cùng kỳ. Năm 2022, Anh cũng nằm trong top 6 thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam.
Theo các chuyên gia, để sản xuất, ổn định vùng nuôi cá tra, các doanh nghiệp cần hướng đến mục tiêu phát triển ngành hàng cá tra bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu. Khi đó, việc chinh phục thị trường khó tính và vững chân tại các thị trường quốc tế của ngành cá tra nước nhà là trong tầm tay.
Tín hiệu vui từ thị trường trong nước
Ở thị trường trong nước, con cá tra cũng đang nhận những tín hiệu vui. Theo đó, giá cá tra nguyên liệu đang ở mức 30.000 – 31.000 đồng/kg, trong khi chi phí trung bình để sản xuất 1kg cá nguyên liệu khoảng 26.990 đồng/kg, với mức giá này người nuôi lãi từ 3.000 – 4.000 đồng/kg.
Thời điểm này, người nuôi cá tra ở Đồng Tháp đang khá vui mừng với việc giá cá tra nguyên liệu tăng. Ông Trần Văn Thời (xã Bình Thạnh, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, gia đình ông có 9 ao với tổng diện tích hơn 9ha, giá cá tra xuất bán đang ở mức 30.000 đồng/kg, với mức này người nuôi đang có lãi hơn 4.000 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh có 22 DN chế biến cá tra xuất khẩu, tổng công suất thiết kế hơn 467 tấn thành phẩm/năm. Hiện nay, sản phẩm cá tra được xuất khẩu sang 134 quốc gia; trong đó có các thị trường chủ lực như: Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, EU, Anh, Mexico, Brazil, Colombia. Nuôi cá tra không chỉ mang lại những giá trị kinh tế cho địa phương mà còn góp phần tạo ra chuỗi ngành nghề liên quan, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trong tỉnh.
Hiện địa phương đã và đang hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn tại các huyện: Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Châu Thành Hồng Ngự và Cao Lãnh. Các vùng sản xuất cá tra đã được cấp 368 mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm với diện tích hơn 1.509 ha; trong đó, 60% diện tích thả nuôi cá tra đạt chuẩn quốc tế. Nhiều vùng nuôi cá tra sản xuất theo quy trình, quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC… Đây là cơ sở để ngành cá tra tỉnh Đồng Tháp xuất khẩu bền vững, đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành cá tra xuất khẩu.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Đại Đoàn Kết, Hải quan Online)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/xuat-khau-ca-tra-ky-vong-khoi-sac-tu-cac-thi-truong-lon-a599954.html