Công ty Cổ phần Xi Măng Vicem Hà Tiên (HT1) công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu thuần đạt 1.999 tỷ đồng, giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu trong kỳ chủ yếu đến từ xi măng, clinker đạt 2.129 tỷ đồng, giảm 15,5% và doanh thu từ chiết khấu thương mại đạt 136 tỷ đồng. Biên lãi gộp trong quý đạt 10,3%, thu hẹp so với 13,3% cùng kỳ năm ngoái.
Xét về các chi phí, chi phí tài chính trong kỳ của công ty tăng 9%, đạt 39,9 tỷ đồng do tăng chi phí lãi vay và chiết khấu thanh toán.
Trong khi đó nhờ giảm được chi phí dịch vụ mua ngoài mà chi phí bán hàng và chi phí quản lý của công ty lần lượt giảm 11% và 12%, đạt 42,5 và 60,7 tỷ đồng.
Kết quả trừ đi các chi phí, Xi măng Hà Tiên báo lãi sau thuế quý II/2023 giảm 57% còn gần 59 tỷ đồng, nhưng đã cải thiện so với mức lỗ kỷ lục trong quý đầu năm 2023 (lỗ 85 tỷ đồng).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty có thị phần xi măng lớn nhất miền Nam đạt 3.690 tỷ đồng, giảm 15%. Công ty báo lỗ sau thuế 27 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 167 tỷ. Kết quả này cũng khiến lợi nhuận sau thuế lũy kế của công ty tính đến 30/6/2023 còn 126 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh với lợi nhuận sau thuế 276 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả kinh doanh lỗ, công ty còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận năm.
Tại ngày 30/6/2023, quy mô tài sản của Xi măng Hà Tiên đạt gần 9.120 tỷ đồng, giảm 266 tỷ so với đầu năm. Hàng tồn kho chủ yếu là nguyên vật liệu và thành phẩm đã giảm 14% về 897 tỷ đồng, trong đó đã trích lập 44 tỷ đồng giảm giá hàng tồn kho.
Các khoản phải thu ngắn hạn gần 968 tỷ đồng, tăng tới 94%, chủ yếu là phải thu khách hàng 332 tỷ đồng và trả trước cho người bán là Tập đoàn Long Thuận 400 tỷ đồng.
Lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng đạt 353 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với đầu năm. Trong hai quý đầu năm, doanh nghiệp xi măng này chỉ thu về hơn 1 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư tài chính.
Ngoài ra, công ty còn ghi nhận 1.134 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn, tập trung ở Tổng Công ty Xi măng Việt Nam 212 tỷ đồng và Logistics Vicem 103 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả hơn 4.180 tỷ đồng chủ yếu là nợ ngắn hạn. Trong đó, hơn 2.140 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, tăng 16%. Công ty không thuyết minh cụ thể các khoản vay này.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), sản lượng sản xuất xi măng 6 tháng đầu năm 2023 đạt 39 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do chi phí sản xuất tăng mạnh, thiếu điện buộc doanh nghiệp xi măng phải tính toán lại phương án sản xuất kinh doanh năm nay.
Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ trong giai đoạn này đạt 43 triệu tấn, giảm 10%, trong đó tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa đạt 29 triệu tấn, giảm 8%. Xuất khẩu cũng ế ẩm khi nửa đầu năm, cả nước chỉ xuất khẩu 14 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.
“Tình hình tiêu thụ khó khăn tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Philippines… khiến sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam sụt giảm kỷ lục”, VNCA cho biết.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/xi-mang-ha-tien-chua-thoat-lo-a618557.html