noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiQuan điểmXem xét xử lý hình sự hành vi trốn khám sức khỏe...

    Xem xét xử lý hình sự hành vi trốn khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

    Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu về việc sửa Bộ luật Hình sự để xử lý người không chấp hành lệnh gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự.

    Theo đó, Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 4544/VPCP-QHĐP ngày 20/6/2023, với nội dung: “Theo khoản 8 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định “Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu”.

    Theo khoản 1 Điều 332 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định “Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

    Tuy nhiên Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 chỉ quy định, không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện mà không quy định lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

    Do đó, công dân không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính mà không thể xử lý hình sự theo quy định tại Điều 332 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

    Từ những vấn đề trên, cử tri đề nghị xem xét trình Quốc hội bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế để công tác tuyển quân có chế tài răn đe đối với những trường hợp không chấp hành lệnh gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự.

    Về nội dung này, Bộ Quốc phòng cho biết, để bảo đảm cho Luật nghĩa vụ quân sự (NVQS) năm 2015 được chấp hành nghiêm túc và đầy đủ, tạo thống nhất trong việc xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực NVQS, Luật NVQS năm 2015 quy định cụ thể về các hành vi trốn tránh NVQS.

    Tại khoản 3 Điều 8 “Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu”.

    Tại khoản 1 Điều 10 quy định hành vi bị nghiêm cấm “Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự”. Đồng thời Luật NVQS năm 2015 cũng quy định xử lý vi phạm tại khoản 1 Điều 59 “Tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

    Trên cơ sở quy định của Luật NVQS năm 2015 về các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm, việc xử lý hình sự được quy định cụ thể tại Điều 332 Bộ Luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017. Theo đó, Điều 332 quy định Tội trốn tránh NVQS đã góp phần răn đe, ngăn ngừa, hạn chế những hành vi vi phạm liên quan trong lĩnh vực NVQS.

    Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có những vướng mắc như cử tri phản ánh, thực tiễn trong những năm qua việc xử lý hành vi vi phạm trong sơ tuyển và khám sức khỏe NVQS còn khó khăn và chưa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật do hành vi vi phạm không chấp hành lệnh khám sức khỏe chưa được quy định trong Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

    Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, nghiên cứu, phối hợp các ban, bộ, ngành, địa phương báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật NVQS năm 2015, Điều 332 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 theo chương trình soạn thảo luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật NVQS, theo đó các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện sẽ được sửa đổi, bổ sung phù hợp bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện.

    Bộ Quốc phòng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân các cấp tại địa phương phát huy vai trò giám sát về nội dung thực hiện Luật NVQS, góp phần bảo đảm pháp luật về NVQS được thực thi nghiêm túc, phát huy hiệu quả tích cực, thiết thực tại địa phương.

    T.M

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU