noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngDoanh nghiệpXây dựng Hoà Bình liên tiếp huy động vốn, thay loạt sếp...

    Xây dựng Hoà Bình liên tiếp huy động vốn, thay loạt sếp lớn: Tham vọng lấy lại vị thế?

    Kiện toàn bộ máy lãnh đạo, ra đồng loạt 5 Nghị quyết về tài chính,… đây có lẽ là một trong những đợt tái cơ cấu lớn nhất của Xây dựng Hoà Bình từ trước đến nay.

    Cuộc chiến nội bộ giành quyền lực tại CTCP Xây dựng Hoà Bình (HoSE: HBC) đã chính thức chấm dứt với sự ra đi của ông Nguyễn Công Phú cùng những người liên quan và ông Lê Viết Hải vẫn tiếp tục là vị “thuyền trưởng” chèo lái con thuyền Hoà Bình trong thời gian sau này.

    Ngay trước thềm Đại hội đồng cổ đông năm 2023 được tổ chức, Xây dựng Hoà Bình đã công bố “thay máu” dàn lãnh đạo cấp cao với việc bổ nhiệm hàng loạt vị trí trọng yếu của doanh nghiệp.

    Theo đó, Hoà Bình cho biết sẽ bổ nhiệm ông Lê Văn Nam, sinh năm 1976 giữ vị trí Tổng Giám đốc kể từ ngày 1/6/2023. Ông Nam đã tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư xây dựng tại Đại học Bách khoa Tp.HCM.

    Vị tân Tổng Giám đốc của Hoà Bình đã bắt đầu làm việc tại công ty kể từ năm 2001 ở vị trí kỹ sư giám sát, sau đó ông cũng đã nhiều lần lên giữ chức Giám đốc Dự án của Tập đoàn.

    Từ năm 2014-2019, ông trở thành Phó Tổng Giám đốc phụ trách khu vực miền Bắc. Đến giữa năm 2019, ông Nam từ nhiệm vị trí này và tiếp tục công tác tại nhiều cơ quan khác nhưng đến nay lại quay trở lại rồi đã trở thành Tổng Giám đốc của Hoà Bình – vị trí khuyết thiếu kể từ tháng 7/2022 đến nay.

    Hồ sơ doanh nghiệp - Xây dựng Hoà Bình liên tiếp huy động vốn, thay loạt sếp lớn: Tham vọng lấy lại vị thế?

    Tân Tổng Giám đốc của Hoà Bình Lê Văn Nam.

    Liên quan đến vấn đề nhân sự cấp cao, HĐQT Hoà Bình cũng thông qua việc miễn nhiệm một loạt các chức danh quan trọng trong công ty.

    Cụ thể, HĐQT thông qua miễn nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc của ông Trương Quang Nhật, đồng thời bầu thay thế ông Nguyễn Khánh Hoàng vào vị trí này; bổ nhiệm bà Lê Thị Phương Uyên giữ chức kế toán trưởng thay thế ông Phạm Quốc Thắng kể từ ngày 1/6/2023; miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông David Martin Ruiz.

    Ra đồng loạt 5 Nghị quyết tạo nguồn vốn khủng

    Bên cạnh việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo, Xây dựng Hoà Bình cũng vừa thông qua hàng loạt nghị quyết quan trọng liên quan đến tài chính của doanh nghiệp.

    Thứ nhất, HĐQT Hoà Bình đã thông qua việc phát hành 47 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, tương đương số tiền huy động 564 tỷ đồng. Hiện cổ phiếu Hoà Bình đang giao dịch trong vùng giá trên dưới 8.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá phát hành cao hơn nhiều so với giá trị thị trường của mã HBC.

    Số cổ phiếu này sẽ được phân phối cho hai cổ đông là ông Phạm Quang Hàng và Mai Hữu Thung hiện đang nắm giữ 75% vốn góp của Công ty TNHH Bất động sản Thành Ngân (trụ sở tại 56 Hồ Tùng Mậu, quận 1, Tp.HCM).

    Theo đó, Hoà Bình sẽ dùng số tiền huy động được để mua lại 75% phần vốn góp của hai cổ đông nói trên tại Công ty TNHH Bất động sản Thành Ngân cũng với giá 564 tỷ đồng. Nếu thành công, HBC sẽ sở hữu 100% cổ phần của công ty đang có dự án tại 127 An Dương Vương, quận 6, Tp.HCM.

    Hồ sơ doanh nghiệp - Xây dựng Hoà Bình liên tiếp huy động vốn, thay loạt sếp lớn: Tham vọng lấy lại vị thế? (Hình 2).

    Diễn biến thị giá cổ phiếu HBC.

    Thứ hai, HĐQT Xây dựng Hòa Bình cũng thông qua thực hiện đề nghị và giao dịch cấp tín dụng với Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam với hạn mức cấp tín dụng ngắn hạn tối đa 2.000 tỷ đồng. Trong đó, hạn mức cho vay tối đa 1.000 tỷ đồng; hạn mức bảo lãnh tối đa 1.000 tỷ đồng.

    Thứ ba, Hoà Bình đã thông qua việc bán toàn bộ vốn góp của Công ty TNHH Một Thành Viên Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Hòa Bình (HBIC) là 167 tỷ đồng. Trong đó phần đã chi cho dự án là 127 tỷ đồng, còn lãi 40 tỷ đồng.

    Bên cạnh đó, Xây dựng Hoà Bình cũng đã thông qua thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Lê Viết Hải, chủ tịch HĐQT Tập đoàn và bà Bùi Ngọc Mai đối với 3 khu đất có tổng diện tích 7.218,6 m2 tại đường Phan Văn Hớn, quận 12, Tp.HCM với giá 120 tỷ đồng.

    Cuối cùng, thông qua việc mua lại toàn bộ cổ phần của ông Lê Viết Hải tại Công ty Pax International theo vốn thực góp 138 tỷ đồng.

    Tất cả những giao dịch này trên, Hòa Bình sẽ không sử dụng tiền mặt mà chỉ phát hành cổ phiếu và thu hồi những khoản tiền tạm ứng phục vụ cho mục đích kinh doanh của Tập đoàn trước đây. Việc thu hồi các khoản tạm ứng này giúp cho Tập đoàn có thêm nhiều tài sản nhằm nâng cao năng lực tài chính.

    Liên quan đến việc thu hồi nợ của Xây Dựng Hòa Bình, ông Lê Viết Hải cho biết trong tổng số 21 vụ kiện về việc chậm thanh toán đã có 10 vụ kiện có phán quyết của tòa. Tất cả các vụ đã được xử Hòa Bình đều thắng kiện.

    Trong đó, số tiền nợ gốc ghi trong sổ sách kế toán là 829 tỷ đồng thì tổng số tiền theo phán quyết bên bị đơn phải trả cho Hòa Bình lên đến 1.223 tỷ đồng bao gồm lãi chậm thanh toán và các chi phí phát sinh, tức cao hơn 47,5%.

    Hiện nay, tổng số tiền đã thu hồi công nợ là 593 tỷ đồng, số tiền còn lại phải thu từ 11 vụ kiện đã thắng này là 630 tỷ đồng.

    Ông Hải cũng cho biết thêm: “Trong thời gian tới thị trường bất động sản sẽ hồi phục nên các công nợ sẽ dần được xử lý và ông tin chắc rằng tỉ lệ thu hồi không dưới 100% và cuối cùng số tiền thu về sẽ tăng thêm không dưới 15% số nợ gốc đã quá hạn. Trong lịch sử kinh doanh của Hoà Bình, chưa có một khoản nợ nào trong báo cáo tài chính cần phải trình thông qua HĐQT để xóa đi do mất khả năng thu hồi nợ”.

    Với việc huy động vốn như đã nêu trên, Hoà Bình cho biết công ty cũng sẽ cho đánh giá lại tài sản vì số liệu ghi nhận trong sổ sách kế toán đã quá lạc hậu. Ví dụ như giá trị còn lại của máy móc thiết bị theo công ty là cao hơn rất nhiều so với giá trị ghi trong sổ sách kế toán.

    Tình hình bết bát tại Hoà Bình

    Sau nội chiến, Hòa Bình vẫn đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Đến thời điểm này, công ty vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán và báo cáo tài chính thường niên năm 2022.

    Chính vì vậy, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) đã ban hành quyết định đưa cổ phiếu của Xây dựng Hòa Bình vào diện hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với quy định.

    Theo đó, cổ phiếu HBC chỉ được giao dịch trong phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận kể từ 23/5.

    Lý do công ty chậm nộp báo cáo, theo giải trình của doanh nghiệp, là công tác quản trị nội bộ của tập đoàn phát sinh một số vấn đề.

    Bên cạnh đó, tình hình thị trường bất động sản và tài chính biến động. Hàng loạt công trình phải ngưng thi công dẫn đến việc xác nhận khối lượng, giá trị hoàn thành từ chủ đầu tư gặp khó khăn, ảnh hưởng đến vấn đề thanh toán, quyết toán.

    Ban điều hành cùng toàn thể công nhân viên phải tập trung toàn lực để giải quyết các vấn đề trên. Điều này đã ảnh hưởng đến các hoạt động xuyên suốt của công ty, trong đó có việc hoàn thành báo cáo tài chính năm theo đúng thời hạn.

    Công ty hẹn sẽ công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán 2022 chậm nhất vào ngày 30/5, đồng thời sẽ công bố báo cáo thường niên 2022 theo quy định. Doanh nghiệp cũng cam kết trong năm 2024 sẽ nghiêm chỉnh chấp hành quy định về việc công bố báo cáo tài chính năm 2023 đúng thời hạn.

    Quý I/2023, theo báo cáo tài chính tự lập, Hoà Bình đang ngậm ngùi báo lỗ gần 445 tỷ đồng, khoản lỗ luỹ kế của công ty cũng bị nâng lên thành hơn 1.137 tỷ đồng.

    Nợ phải trả của Xây dựng Hoà Bình tại cuối quý I/2023 ghi nhận 13.503 tỷ đồng, chiếm 86% tổng nguồn vốn và cao gấp 6 lần vốn chủ sở hữu.

    Nợ vay ngắn và dài hạn ghi nhận 5.528 tỷ đồng, chiếm nhiều nhất là 4.755 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn, đa phần là các khoản vay từ ngân hàng. Chủ nợ lớn nhất hiện nay của Hoà Bình là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam với cả khoản vay và phát hành trái phiếu (269 tỷ đồng vay nợ và 712 tỷ đồng trái phiếu).

    Trong thời gian tới Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sẽ điều chỉnh vốn chủ sở hữu sau khi phát hành tăng vốn và định giá lại tài sản.

    Việc điều chỉnh tăng vốn chủ sở hữu này được Tập đoàn nhận định sẽ giúp Hòa Bình đảm bảo hạn mức tín dụng, cải thiện đáng kể năng lực tài chính để vượt qua khó khăn trước mắt về dòng tiền và sẽ giúp thanh toán hết được các công nợ cho các nhà cung cấp và nhà thầu phụ.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU