noel giáng sinh vui vẻ
Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiPháp luậtVụ "xin ở nhờ rồi ở lỳ”: Vi phạm bao giờ được...

    Vụ “xin ở nhờ rồi ở lỳ”: Vi phạm bao giờ được xử lý?

    Xin ở tạm trong căn biệt thự với lý do khó khăn về chỗ ở, nhưng hiện ông Đinh Thái Quang lại tự nhận mình là chủ và nhất quyết không chuyển đi.

    Tấn công lực lượng tháo dỡ

    Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, tại dự án khu nhà ở Linh Trung, có địa chỉ số 481 – Xa Lộ Hà Nội, phường Linh Trung (thành phố Thủ Đức, Tp.HCM) vẫn tồn tại một căn biệt thự “khủng” được xây dựng với quy mô lớn nhưng hoàn toàn không phép.

    Từ tài liệu thu thập được, căn biệt thự trên là căn nhà mẫu do Công ty TNHH sản xuất vật liệu, xây dựng Phú Đức (Công ty Phú Đức) xây dựng vào trước năm 2007 để phục vụ dự án Khu nhà ở tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức, Tp.HCM do công ty này là chủ đầu tư. Tuy nhiên, việc xây dựng căn nhà mẫu này, lãnh đạo Công ty Phú Đức cho biết đã không làm thủ tục xin giấy phép xây dựng.

    Do vậy, đến ngày 31/12/2020, UBND quận Thủ Đức đã có quyết định số 8735/QĐ-UBND quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình biệt thự vi phạm này.

    Trước quyết định trên của UBND quận Thủ Đức, Công ty Phú Đức đã chấp hành và tiến hành tự nguyện phá dỡ công trình và mời chính quyền địa phương đến chứng kiến, ghi nhận việc tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư. Đồng thời, Công ty Phú Đức dán thông báo yêu cầu những người ở trái phép trong biệt thự ra ngoài.

    Hồ sơ điều tra - Vụ 'xin ở nhờ rồi ở lỳ”: Vi phạm bao giờ được xử lý?

    Một số đối tượng cư trú bên trong biệt thự dùng hung khí tấn công, đe dọa các công nhân, nhân viên Công ty Phú Đức.

    Tuy nhiên, tại thời điểm ngày 5/6/2020, việc tháo dỡ phải dừng lại do một số đối tượng cư trú bên trong biệt thự dùng hung khí tấn công, đe dọa, truy đuổi các công nhân, nhân viên Công ty Phú Đức đang tham gia tháo dỡ.

    Dữ liệu ghi nhận hiện trường hôm 22/5/2020 cho thấy, người đứng ra ngăn cản việc tháo dỡ là ông Đinh Thái Quang (SN 1966, ngụ Hà Nội) cùng nhiều người khác. Trong đó, có đối tượng dùng dao tấn công lực lượng tháo dỡ ngày 5/6/2020. Tại đây, mặc dù không có bất kỳ văn bản ký kết thuê nhà hay cho/tặng gì với Công ty Phú Đức, ông Quang vẫn tự nhận mình là chủ nhân của căn nhà mẫu này, ngang nhiên đứng ra và huy động nhiều đối tượng khác ngăn cản các công nhân của Công ty Phú Đức.

    Hồ sơ điều tra - Vụ 'xin ở nhờ rồi ở lỳ”: Vi phạm bao giờ được xử lý? (Hình 2).

    Lực lượng công an đưa các đối tượng tấn công và tang vật lên trụ sở công an phường.

    Tình hình mất an ninh chỉ được cứu vãn khi lực lượng công an phường Linh Trung xuất hiện, đưa các đối tượng tấn công và tang vật lên trụ sở công an phường.

    Theo Công ty Phú Đức, kể từ khi căn biệt thự nhà mẫu này được xây dựng, ông Đinh Thái Quang có xin ở tạm trong nhà với lý do khó khăn về chỗ ở. Tuy nhiên, kể từ năm 2012 đến nay, qua nhiều lần Công ty Phú Đức yêu cầu ông Quang rời đi nhưng ông không đi mà còn kéo thêm nhiều người khác vào ở cùng.

    Công ty Phú Đức đã nhiều lần làm đơn đề nghị tới chính quyền yêu cầu hỗ trợ, giám sát việc tiến hành tháo dỡ căn nhà mẫu vi phạm xây dựng.

    Đến ngày 28/10/2021, sau nhiều lần đơn thư khiếu nại, UBND Tp.Thủ Đức đã ban hành quyết định số 6183/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án phá dỡ công trình vi phạm của Công ty Phú Đức.

    Một điều đáng ngạc nhiên là, mặc dù UBND Tp.Thủ Đức đã có 2 văn bản kể trên yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm, thế nhưng không những công trình trên không bị tháo dỡ mà những người ở bên trong vẫn tiến hành tiếp tục xây dựng, nâng cấp căn nhà.

    Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, thời điểm tháng 12/2022, tại căn biệt thự nêu trên vẫn có nhiều công nhân đang tiến hành xây dựng thêm các hạng mục mới.

    Trước tình hình trên, Công ty Phú Đức đã nhiều lần làm đơn yêu cầu UBND phường Linh Trung, UBND Tp. Thủ Đức nhanh chóng vào cuộc, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý trật tự xây dựng nhằm bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như đảm bảo hoạt động xây dựng được diễn ra đúng trình tự quy định của pháp luật, hạn chế tiêu cực nảy sinh. 

    Có thể xem xét trách nhiệm hình sự

    Liên quan đến vụ việc này, Luật sư Phạm Duy Bình – Trưởng văn phòng luật sư Phạm Hải phân tích, khi hai bên ký hợp đồng thuê nhà có thể có thời hạn thuê hoặc không xác định thời hạn thuê.

    Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 132 Luật Nhà ở năm 2014, các bên chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở nếu hợp đồng không xác định thời hạn sau 90 ngày kể từ ngày bên cho thuê thông báo chấm dứt hợp đồng thuê nhà với bên thuê nhà.

    Khi chấm dứt việc thuê nhà, bên thuê phải trả lại nhà thuê theo đúng như tình trạng ban đầu khi thuê.

    Đồng thời, người thuê nếu cố tình không trả lại nhà khi hết hạn có thể bị phạt tiền từ 2- 3 triệu đồng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

    Hoặc sẽ bị xử lý hình sự nếu người đó sử dụng tài sản người khác trái phép mà đã bị phạt hành chính hoặc bị kết án, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội sử dụng trái phép tài sản tại khoản 1 Điều 177 Bộ luật Hình sự.

    Theo đó, người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nặng hơn, khi thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tiền từ 50 – 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 – 5 năm: Nhà có trị giá từ 500 triệu đồng – dưới 1,5 tỷ đồng, phạt tù từ 3 – 7 năm nếu sử dụng trái phép tài sản có trị giá 1,5 tỷ đồng trở lên.

    Hồ sơ điều tra - Vụ 'xin ở nhờ rồi ở lỳ”: Vi phạm bao giờ được xử lý? (Hình 3).

    Sau nhiều năm, căn biệt thự “khủng” vẫn chưa được tháo dỡ.

    Cũng theo Luật sư Bình, trường hợp người thuê nhà, người ở nhờ không chịu trả nhà cho chủ nhà khi hết hợp đồng thuê nhà hay khi chủ nhà yêu cầu trả nhà vẫn thường xuyên xảy ra.

    Trong trường hợp người thuê nhà cố tình không trả nhà, thậm chí có hành vi xây dựng trái phép, thay đổi hiện trạng căn nhà dẫn đến việc không thể bàn giao, trả lại tài sản thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Nghiên cứu sự việc giữa Công ty Đức Phú và ông Đinh Thái Quang tranh chấp việc cho mượn nhà ở tại phường Linh Trung, có thể thấy, ngoài việc bất chấp các quy định liên quan tới quản lý trật tự xây dựng, hành vi chiếm giữ nhà ở, thay đổi hiện trạng căn nhà được cho mượn còn có dấu hiệu vi phạm nhiều quy định khác của pháp luật.

    Có thể thấy từ những tình tiết của sự việc, công trình vi phạm trật tự xây dựng đã bị phát hiện và có 2 văn bản cưỡng chế tháo dỡ. Thế nhưng, sau nhiều năm, cơ quan chức năng vẫn chưa tiến hành tháo dỡ, thậm chí còn để vi phạm xây dựng tiếp tục xảy ra tại chính công trình vi phạm đó.

    Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần quyết liệt thanh, kiểm tra để nhanh chóng gỡ vướng, xử lý vi phạm trật tự xây dựng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo hoạt động xây dựng được diễn ra đúng trình tự và tránh những tiêu cực phát sinh.

    PV

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU