CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (UPCoM: VRG) vừa công bố thông tin về báo cáo tài chính quý III/2023.
Theo đó, trong quý III/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 5,1 tỷ đồng, giảm tới 76% so với mức doanh thu hơn 21 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước. Sau khấu trừ, lợi nhuận gộp của VRG còn 2,5 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quý này, doanh thu hoạt động tài chính của VRG chỉ đạt hơn 109 triệu đồng, giảm mạnh 93% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng hơn 5 lần lên hơn 187 triệu đồng.
Kết thúc quý III, VRG ghi nhận mức lỗ ròng gần 4,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 9 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 24 tỷ đồng, giảm 6 tỷ đồng so với 9 tháng đầu năm 2022. Đồng thời, công ty gánh khoản lỗ luỹ kế 3 tỷ đồng, cho thấy tình hình kinh doanh không mấy khả quan so với khoản lãi 7 tỷ đồng trong năm trước.
Năm 2023, công ty đặt kế hoạch doanh thu 246 tỷ đồng và lợi nhuận gần 89 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng, công ty thực hiện 10% kế hoạch doanh thu và đang cách xa chỉ tiêu lợi nhuận.
Lý giải về nguyên nhân lỗ sau thuế, phía công ty cho biết, trong quý III đã không phát sinh hợp đồng cho thuê đất và hạ tầng. Các khoản tiền gửi có kỳ hạn giảm so cùng kỳ do công ty sử dụng nguồn tiền này để triển khai các hạng mục đầu tư.
Cùng với đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng do phát sinh các khoản phí phục vụ công tác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Cộng Hòa (Hải Dương).
Trong khi đó, quý III/2022, công ty đã ghi nhận 90% giá trị của hợp đồng cho thuê đất gắn liền với cơ sở hạ tầng tại Khu công nghiệp Cộng Hòa, Chí Linh (Hải Dương) theo phương pháp hạch toán doanh thu 1 lần.
Tại thời điểm ngày 30/9/2023, tổng tài sản của VRG đạt hơn 725 tỷ đồng, tăng 4% so đầu năm. Trong đó, VRG có hơn 66 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Đáng chú ý, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm mạnh còn hơn 18 triệu đồng trong khi đầu kỳ là 55 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm 63% từ 167 tỷ đồng xuống còn gần 62 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang hơn 281 tỷ đồng, tăng 109% so với đầu năm.
Bên kia bảng cân đối, VRG ghi nhận số nợ phải trả gần 457 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm, chiếm 63% nguồn vốn của công ty. Trong đó, phần lớn là các khoản nợ dài hạn với 347 tỷ đồng. Đặc biệt, trong số những khoản nợ của doanh nghiệp này hoàn toàn không xuất hiện nợ vay.
CTCP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam là đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam-CTCP, được thành lập năm 2005. Vốn điều lệ hiện tại của công ty là 258,9 tỷ đồng. Các sản phẩm kinh doanh chính của công ty bao gồm hạ tầng khu công nghiệp và đô thị và các dịch vụ liên quan sau khi KCN và đô thị đi vào hoạt động.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên ngày 13/10, cổ phiếu VRG giảm 9,06% xuống còn 25.100 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch 11.100 đơn vị. Cổ phiếu VRG bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 5/4/2023 do báo cáo tài chính của công ty bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên.
Thu Hương
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/vrg-bao-lo-quy-iii-do-khong-co-hop-dong-cho-thue-dat-a630965.html