Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) vừa có Công văn số 02/VIPA gửi các doanh nghiệp, đơn vị thuộc Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam về việc phòng chống dịch cúm gia cầm.
Công văn nêu rõ, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian gần đây, tại Campuchia đã phát hiện ca tử vong trên người do vi rút cúm gia cầm A/H5N1. Nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh trên người và gia cầm do vận chuyển, buôn bán tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe của cộng đồng, ngày 26/3/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện số 1030/CĐ-BNN-TY gửi các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Trước tình hình đó, VIPA đề nghị các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân hội viên thuộc VIPA chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công điện nêu trên và văn bản hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm của chính quyền các địa phương.
Không vận chuyển, buôn bán tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam. Không tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kể cả trứng gia cầm được bày bán tràn lan trên các hè phố dưới danh nghĩa “giải cứu” của các tư thương.
Chủ động triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh bao gồm tăng cường công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng trong và xung quanh trại, phương tiện vận chuyển ra vào trại chăn nuôi, đặc biệt nhưng nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học khác. Giám sát chặt chẽ các phương tiện, khách ra vào trại, thực hiện tốt việc cách ly, bảo hộ lao động trước khi ra vào trại.
Thực hiện tiêm phòng đầy đủ, kịp thời vắc xin cúm gia cầm và các loại vắc xin khác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Thông báo kịp thời với cơ quan chức năng và thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định của Luật Thú y khi có hiện tượng gia cầm ốm chết bất thường tại cơ sở chăn nuôi của doanh nghiệp, trang trại.
Trước đó, ngày 26/2/2022, Bộ NNPTNT có công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các giải pháp ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Công điện khẩn do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến ký nêu rõ, nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, Bộ NNPTNT đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp của địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam, đặc biệt các tỉnh biên giới phía Nam…
Chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam, gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí của địa phương tăng cường công tác truyền thông nguy cơ về các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép; tổ chức vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép vào Việt Nam….
Bộ NNPTNT cũng giao Cục Thú y và đơn vị liên quan thuộc Cục tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tp.HCM giám sát chặt người mắc hoặc nghi ngờ mắc cúm A (H5N1)
UBND Tp.HCM vừa có văn bản khẩn gửi các sở – ngành; UBND quận huyện, Tp.Thủ Đức về việc tăng cường phòng chống bệnh cúm A (H5N1).
Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu Sở Y tế tập trung giám sát, phát hiện các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt chú ý các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi – đến – ở từ vùng dịch, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh.
Tăng cường giám sát chặt người nhập cảnh đi – đến – ở từ vùng có dịch cúm A và phối hợp cùng các bộ phận kiểm dịch động vật trong giám sát gia cầm, thủy cầm vào Việt Nam qua cửa khẩu. Phối hợp Sở NN-PTNT giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm và chia sẻ thông tin liên ngành, xử lý ổ dịch cúm trên gia cầm theo quy định.
Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh, ổ dịch cúm và viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế để triển khai xử lý kịp thời, hạn chế lây lan diện rộng.
Bên cạnh đó, lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh. Triển khai công tác truyền thông cho người dân về các biện pháp phát hiện, phòng chống bệnh cúm gia cầm như vệ sinh cá nhân, không tiêu thụ, buôn bán, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm chết chưa rõ nguyên nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và mang khẩu trang theo quy định.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh khi phát hiện các trường hợp có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải điều tra dịch tễ, khai thác tiền sử tiếp xúc trực tiếp với gia cầm để phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc cúm gia cầm và lấy mẫu kịp thời.
UBND Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương cần đảm bảo nhân sự, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc để tiếp nhận, cách ly, điều trị kịp thời khi có các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc cúm A (H5N1), hạn chế thấp nhất trường hợp trở nặng và tử vong. Tổ chức tập huấn cho các cơ sở y tế về công tác giám sát, phòng chống dịch và hướng dẫn chẩn đoán, xử trí và phòng lây nhiễm cúm A (H5N1) ở người cho nhân viên y tế.
Phối hợp với cơ quan chuyên ngành thú y trong việc giám sát, phát hiện và cách ly các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ cúm trên người và các chủng virus cúm gia cầm mới xuất hiện.
UBND Thành phố yêu cầu Sở NN-PTNT giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ trên địa bàn, chủ động tham mưu các giải pháp cụ thể về phòng chống dịch bệnh. Các địa phương hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp đảm bảo vệ sinh phòng bệnh, điều tra dịch tễ, kịp thời xử lý khi phát hiện trường hợp mắc theo quy định; phối hợp với cơ quan chuyên ngành thú y các tỉnh trong công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm nhằm kiểm soát chặt chẽ, không để gia cầm nhiễm bệnh vào địa bàn thành phố.
UBND Thành phố cũng yêu cầu Sở GTVT chỉ đạo các công ty, hợp tác xã vận tải không vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không vận chuyển hành khách cùng với gia cầm, sản phẩm gia cầm.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm Tp.HCM chỉ đạo các Đội thanh tra an toàn thực phẩm tăng cường kiểm tra nguồn gốc sản phẩm gia cầm tại các chợ đầu mối; phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành của quận, huyện, Tp.Thủ Đức kiểm tra nguồn gốc sản phẩm đông lạnh tại các kho bảo quản, cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến sử dụng sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Thành phố sẽ xử lý các điểm kinh doanh, giết mổ không đúng quy định trên địa bàn…
T.M (tổng hợp)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/vipa-canh-giac-voi-chao-moi-giai-cuu-trung-gia-cam-a595575.html