“Thượng đế đã chết. Thượng đế vẫn chết. Và chúng ta đã giết Người…”. Cái chết mà Nietzsche nói tới không phải là cái chết về thể xác của một đấng Thượng đế đã từng tồn tại, mà ngụ ý rằng Thượng đế không còn là tiêu chuẩn về đạo đức hay lối sống của con người nữa.
F.Nietzsche thì liên quan gì tới bóng đá? Thực tế đang diễn ra cho thấy tuyên bố về Chúa của triết gia này có vẻ như đã ứng nghiệm một cách rất rõ ràng trong bóng đá, tại World Cup 2022.
Ở phút 54 trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Uruguay hôm 29/11, cầu thủ Bruno Fernandes đưa bóng vào vòng cấm, đi sượt qua đầu Ronaldo rồi đi vào lưới. Pha quay chậm cho thấy bóng đã chạm vào tóc của tiền đạo 37 tuổi. Trọng tài sau đó xác định cầu thủ ghi bàn là Bruno Fernandes.
Vô số người hâm mộ túc cầu giáo đổ xô vào tranh cãi bàn thắng thuộc về ai. Cuộc tranh cãi có thể sẽ là bất tận nếu như cuối cùng nhà sản xuất quả bóng không đưa ra công bố cuối cùng.
Tại World Cup 2022, mỗi quả bóng được tích hợp bên trong một cảm biến để đo các dữ liệu như tốc độ, hướng di chuyển. Cảm biến này kết nối với hệ thống camera trên sân vận động, cho phép công nghệ VAR (Video Assistant Referee – Video hỗ trợ trọng tài) theo dõi bóng giúp bắt lỗi việt vị chính xác hơn.
Và trong tình huống nói trên, cảm biến hoàn toàn không ghi nhận tác động lực từ Ronaldo. Công nghệ đã chấm dứt mọi tranh cãi.
Và lời bình luận “mái tóc của Chúa” của bình luận viên cũng bị lãng quên.
Trong lịch sử bóng đá, không một ai không biết tới “bàn tay của Chúa” – Tên gọi của bàn thắng do cầu thủ người Argentina Diego Maradona thực hiện trong trận tứ kết World Cup 1986 giữa Argentina và Anh.
Trong một pha tranh chấp bóng với thủ môn đối phương, Maradona đã dùng tay đập bóng vào lưới đội tuyển Anh. Thay vì rút thẻ phạt, trọng tài đã quyết định công nhận bàn thắng.
Sau trận đấu, khi trả lời truyền thông, Diego Maradona đã nói bàn thắng đã được ghi “một chút bằng đầu và một chút với bàn tay của Chúa”.
Nếu năm xưa bóng đá có VAR, có cảm biển trong lòng trái bóng, chắc chắn sẽ không có bàn thắng nhờ “bàn tay của Chúa”, không có sự sững sờ của hàng vạn người trên sân bóng, không có sự cay đắng của người Anh và nhất là không có Maradona như một tượng đài bất diệt.
Vào cái thời công nghệ chưa tiến hóa, tính ngẫu nhiên, ngẫu hứng, yếu tố may rủi và những lựa chọn đầy cảm tính đã khiến bóng đá phải vác một gánh nặng vinh quang là biểu tượng của sự đi đến tận cùng các cung bậc cảm xúc của con người. Thế giới sẽ thế nào nếu con người chỉ có Đúng và Sai mà thiếu sự nhầm lẫn, thiếu đi trực giác hồ đồ? Thế giới sẽ thế nào nếu chỉ có hai màu Đen – Trắng mà thiếu đi hàng vạn sắc màu chỉ có thể chạm vào bằng những rung cảm từ sâu trong tâm hồn?
VAR đã xuất hiện trong bóng đá như cây đinh đóng thẳng cảm xúc thăng hoa của con người vào cây thập giá Sai – Đúng. Thế giới sẽ còn chơi bóng rất lâu, nhưng sẽ không bao giờ có lại bàn thắng bằng tay như cách Maradona đã làm.
Và với những tín đồ của túc cầu giáo, nói như Friedrich Nietzsche, những người hâm mộ vĩnh viễn không bao giờ gặp lại “bàn tay của Chúa”.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/vinh-vien-khong-bao-gio-gap-lai-ban-tay-cua-chua-a583541.html