“Vinh của Vinh” là thế.
Tôi đọc, và hiểu thêm rất nhiều về Vinh.
Tôi đặt chân đến Vinh lần đầu tiên là năm 1976, khi theo ba về quê ở Huế. Đi tàu chợ từ Thanh Hóa tới Vinh thì dừng, chờ mua vé vào Huế. Và phải nằm ở bến xe Vinh tới ngày thứ 4 mới mua được vé đi tiếp.
Vinh thời chiến tranh phá hoại là một trong mấy thành phố, thị xã bị bom hủy diệt, cùng với Đồng Hới, Hà Nội, Hải Phòng…
Và con mắt non nớt của tôi quan sát Vinh từ thời ấy vẫn ám ảnh tới giờ.
Là cái bến xe ùng ục người, hôi hám bẩn thỉu. Là cứ một chốc lại có một người bị lôi ra đấm đạp thụi la oai oái. Là nó ăn cắp bị bắt. Ăn cắp của bộ đội mà bị bắt là xong rồi, nhưng chúng vẫn không sợ. Và mấy cô gái điếm mắt thâm quầng, đốt thuốc như điên lượn lờ tìm khách ngay trong bến xe, và nắng như đổ lửa phụ họa với gió Lào, thứ gió càng mạnh càng nóng mà lần đầu tôi biết…
Rồi sau này, qua kết nối của Giáo sư Văn Như Cương, tôi biết, ông tổ họ Văn của tôi 600 năm trước ở huyện Quỳnh Lưu, huyện có rất nhiều nhân vật nổi tiếng của Nghệ An và cả nước. Giờ mộ tổ họ Văn của tôi ở thị xã Hoàng Mai sau khi chia địa giới hành chính, tách ra từ Quỳnh Lưu.
Và mỗi lần về, lại một lần thấy Vinh mới.
Nhưng phải tới khi đọc cuốn sách này, một Vinh cụ thể hiện hữu nhưng cũng ảo mờ nên thơ mới rõ nét trong tôi.
Vinh hiện nay có một người rất Vinh là ông Phạm Xuân Cần, người được mệnh danh là nhà Vinh học. Tôi có được chơi với ông và đọc nhiều tài liệu ông viết. Vinh dưới mắt ông, nó ngồn ngộn hiện thực, lịch sử và chính xác. Nó là tư liệu, là quá vãng, là thẳng băng thô ráp. Vinh khoa học và Vinh như nó có.
Vinh của Phạm Thùy Vinh thì ngược lại, nó run rẩy, nó trữ tình, nó đầy sự thắc thỏm ký ức và hiện tại. Nó vừa lạ lẫm vừa thân quen, vừa khám phá vừa thu phục. Nó là sự thăng hoa của tình yêu. Khác với ông Phạm Xuân Cần, tình yêu được nén lại, chắc khự và vuông vắn.
Thì vốn dĩ Phạm Thùy Vinh quê ở miền Bắc, quê cha Nam Định, lớn lên ở Thái Bình quê mẹ, lên Hà Nội học báo chí, phải lòng một ông trai Nghệ học Y khoa, thế là về làm dâu Vinh, tiếng Nghệ gọi là du, du Nghệ.
Và lạ là, cô này hòa nhập rất nhanh.
Người Nghệ rất tài về phát âm, nhất là gái Nghệ. Một số phát thanh viên, bình luận viên của Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam là người Nghệ đấy, và khi họ nói thì không ai nghĩ họ không phải dân Hà Nội. Chỉ khi đồng hương gặp nhau, hoặc về quê, họ lại tiếng Nghệ ríu rít. Phạm Thùy Vinh ngược lại, không ai nghĩ cô người Bắc khi nghe cô nói.
Và hơn thế, cô hiểu về Vinh một cách sâu sắc và cặn kẽ khiến nhiều người Nghệ gốc phải nể.
Mở đầu cuốn sách cô tâm sự thế này “Vâng, tôi không phải là người của Vinh phố, cũng không phải người Nghệ. Nhưng số phận đã cho tôi nương về xứ Nghệ, nương về làm một hạt cát, một bông hoa, một chiếc lá, một giọt nước của phố này trong dòng sông người trôi chảy mỗi sáng, chiều. Hơn hai mươi năm, tôi đã cho mình cái quyền được thuộc về phố, được gọi Vinh là: Phố của tôi”.
Vinh một thời có niềm tự hào là khu tập thể cao tầng, ai ở đấy được coi là VIP. Giờ nó đang được thay bằng những chung cư hiện đại. Nhưng người dân hiểu Vinh, yêu Vinh vẫn muốn giữ lại một góc những lô nhô ấy làm kỷ niệm, và nếu biết tổ chức nó sẽ là điểm du lịch thú vị, nhất là phục vụ nhu cầu check in Selfie của rất đông bạn trẻ hiện nay.
Phạm Thùy Vinh nhắc về khu chung cư ấy như thế này “Nhà em ngay sau B3 đấy” (cái cách dân Vinh nói về những khu chung cư Quang Trung chỉ đơn giản thế). Hèn gì mà Thắng chụp rất nhiều về chung cư Quang Trung. Những đứa trẻ chơi đùa giữa hành lang hẹp, một bà lão quay lưng lại ô cửa nâu buồn, một quán hàng tạp hóa dưới chân cầu thang, một tán bàng xòa trên bức tường vàng lốm đốm rêu phủ,… “Chị, rồi người ta sẽ phải đập bỏ hết khu chung cư Quang Trung à chị?”. Thắng hỏi, không phải để hỏi. Mà như để nói lên bao thương tiếc lòng mình. “Thì cũng như chỗ ta đang ngồi, ngày xưa là ga hỏa xa đấy. Chỗ này có những con tàu cập, đỗ mỗi ngày”. Tôi nói, thấy Thắng chỉ se sẽ gật đầu rồi ngó mưa với những tia chớp rạch lên trời thứ ánh sáng kỳ quái”… Tôi nhắc chung cư vì cũng ấn tượng với những lô nhô khu này, vừa rồi đi qua và có làm bài thơ nhắc đến nó: “ám ảnh vệt rêu chung cư mùa cũ/ lô nhô tầng lô nhô cầu thang…”.
Cũng thế, nhắc tới Vinh, tới Nghệ An, người ta, nhất là giới nhạc sĩ, hay nhắc tới núi Hồng sông Lam, tới gừng cay muối mặn, tới chè chát cà muối… như một ký ức không quên, một dấu ấn đời người. Tôi lại mới ra Vinh, một trong những món xin được ăn trong các cuộc chiêu đãi là cà muối với canh rau vặt.
Giờ đọc Phạm Thùy Vinh, vẫn là Vinh ấy, nhưng mở ra thêm nhiều chiều, nhiều hướng. Nó có tâm trạng, có thân phận, có những tiếng thở dài giữa những nụ cười ý nhị, có những hân hoan bên những lặng thầm, có con người và phố, có hoa trái và những con đường, với đèn, với mùa với những cơn mưa. Và té ra, cái gió Lào khủng khiếp ngày nào giờ nó không còn là ác mộng nữa, bởi cây xanh và những con hồ. Và dòng Lam mướt xanh, những cái nhìn cũng xanh…
Tôi cũng là người… đa quê, có Huế, có Ninh Bình, có Thanh Hóa và giờ định cư ở Pleiku, cũng có một số hiểu biết chút chút về Tây Nguyên. Nhưng để những trang viết run rẩy nhưng ấm áp được như trong “Vinh phố của tôi” thì chưa có. Có thể tại mình duy lý quá, rạch ròi quá, bình tĩnh quá… chăng.
Viết, nghĩ cho cùng là phải chạm, chạm được tâm hồn, cảm xúc của người khác thì mới thành công. Bài thơ mở đầu “Vinh phố của tôi” có những câu như này “Tôi đã yêu Vinh như trót đã yêu người/ Những lo lắng, điên rồ, những bình yên khắc khoải/ Luôn tự hỏi dù tin vào mãi mãi/ Những câu hỏi cổ xưa mà như mới ban đầu/ Nếu một ngày không yêu nhau nữa/ Ta phải làm gì để có thể quên nhau?”
Thật thế, nếu một ngày không yêu nhau nữa, ta phải làm gì để có thể quên nhau. Khó phết. Nên chả thể không yêu.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/vinh-cua-vinh-a648141.html