Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 cho thấy doanh thu thuần 11.807 tỷ đồng, cao gấp 4,2 lần cùng kỳ 2021 (2.788 tỷ đồng). Mức doanh thu này gần như trở lại mức trước đại dịch.
Trong khi đó, giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng gấp 6,5 lần so với qúy IV/2021 đạt mức 15.650 tỷ đồng đã khiến lỗ gộp lên tới mức gần 3.843 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính của Vietjet đạt gần 2.063 tỷ đồng, tăng gần 17 lần so với cùng kỳ, trong đó lớn nhất là khoản lãi chênh lệch tỉ giá hối đoái gần 733 tỷ đồng và doanh thu hoạt động tài chính khác 1.268 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính cũng tăng đến 455% lên hơn 1.352 tỷ đồng nguyên nhân chủ yếu là do khoản lỗ 570 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá hối đoái đã thực hiện, 490 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, chi phí lãi vay gần 408 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng 300% và 140% lên gần 430 tỷ đồng và 183 tỷ đồng.
Lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là 3.746 tỷ đồng, trong khi quý IV năm trước đó chỉ lỗ 82 tỷ đồng. Vietjet cũng bất ngờ ghi nhận 1.625 tỷ đồng “thu nhập khác” trong quý IV/2022, vượt xa con số 7,8 tỷ đồng của một năm trước đó.
Nhờ vậy, hãng bay này chỉ còn lỗ sau thuế 2.358 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh kể trên. Tuy nhiên, kết quả quý IV/2022 vẫn là khoản lỗ sau thuế lớn nhất trong lịch sử của Vietjet.
Lũy kế cả năm 2022, Vietjet ghi nhận doanh thu thuần 39.342 tỷ đồng, gấp ba lần năm 2021. Lỗ gộp tăng 6% lên 2.167 tỷ đồng. Lỗ sau thuế 2.171 tỷ đồng, trái ngược với kết quả lãi gần 122 tỷ đồng của 2021.
Năm 2022, Vietjet đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 32.720 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng. Như vậy, dù vượt 20% mục tiêu doanh thu nhưng hãng bay này lại đi lùi sâu nếu so về mục tiêu lợi nhuận. Thực tế đây cũng là năm đầu tiên kể từ khi hoạt động, doanh nghiệp này báo lỗ.
Tổng tài sản tính đến 31/12/2022 của Vietjet tăng thêm 30% so với đầu năm lên gần 67.147 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn đạt 31.047 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn đạt 26.929 tỷ đồng, tiền và khoản tương đương tiền đạt 1.858 tỷ đồng. Tài sản dài hạn đạt 36.099 tỷ đồng, trong đó là các khoản phải thu dài hạn đạt 22.121 tỷ đồng, tài sản cố định đạt 5.827 tỷ đồng.
Nợ phải trả tăng thêm 52% lên 52.905 tỷ đồng, chủ yếu là do nợ ngắn hạn tăng mạnh đến từ khoản phải trả người bán ngắn hạn với 9.802 tỷ đồng, trong khi 31/12/2021 chỉ ghi nhận 3.241 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khoản vay ngắn hạn ngân hàng tăng 1.373 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay gần 350 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex đã được thanh toán toàn bộ, và phát sinh khoản vay 741 tỷ đồng với Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, 1.073 tỷ đồng với Ngân hàng TMCP Quân Đội.
Khoản vay dài hạn tại ngân hàng và trái phiếu phát hành cũng tăng tới 2.169 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2022, vốn chủ sở hữu của Vietjet đạt 14.241 tỷ đồng, giảm 15% so với thời điểm đầu năm.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/vietjet-lan-dau-tien-bao-lo-a591960.html