Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 cho thấy doanh thu thuần 12.898 tỷ đồng, cao gấp 2,8 lần cùng kỳ 2022 (4.522 tỷ đồng). Mức doanh thu này gần như trở lại mức trước đại dịch và là mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây của hãng hàng không này.
Trong đó, doanh thu vận chuyển hành khách đóng vai trò chủ đạo với 10.655 tỷ đồng, bao gồm 3.118 tỷ đồng nội địa, 2.781 tỷ đồng quốc tế và 4.323 tỷ đồng hoạt động phụ trợ. Bên cạnh đó, hoạt động thu xếp, chuyển quyền sở hữu và thương mại tàu bay, động cơ của của Vietjet tăng 77,6% lên 1.586 tỷ đồng.
Trong kỳ, giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng tăng gấp 2,5 lần so với qúy I/2022 đạt mức 11.835 tỷ đồng đã khiến lãi gộp chỉ còn hơn 1.062 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính của Vietjet giảm mạnh tới 80% so với cùng kỳ, chỉ đạt 237 tỷ đồng, chủ yếu là do doanh thu hoạt động tài chính khác bị sụt giảm nghiêm trọng hơn 1.083 tỷ đồng dù trong kỳ lãi chênh lệch tỉ giá hối đoái đem về cho doanh nghiệp này mức chênh lệch hơn 100 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính cũng tăng thêm 20% lên hơn 479 tỷ đồng nguyên nhân chủ yếu là do chi phí lãi vay đạt gần 375 tỷ đồng, khoản lỗ gần 83 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá hối đoái đã thực hiện.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng 230% và 32% lên gần 420 tỷ đồng và 156 tỷ đồng.
Khấu trừ các chi phí, hãng bay này báo lãi 173 tỷ đồng, tuy giảm 29% so với cùng kỳ 2022 nhưng đã doanh nghiệp đảo chiều tăng trưởng do khoản lỗ 2.359 tỷ đồng được ghi nhận vào quý IV/2022.
Với mức lãi này, Vietjet cũng đã hoàn thành 17% kế hoạch lợi nhuận của năm 2023 vừa mới được ĐHĐCĐ thường niên thông qua vào ngày 26/4 mới đây.
Trước đó, trong năm 2022, dù ghi nhận doanh thu thuần tăng gấp ba lần năm 2021 (đạt 39.342 tỷ đồng), hãng hàng không giá rẻ này lại có mức lỗ gộp đến 2.167 tỷ đồng, lỗ sau thuế 2.171 tỷ đồng, trái ngược với kết quả lãi gần 122 tỷ đồng của 2021.
So về kế hoạch kinh doanh, dù vượt 20% mục tiêu doanh thu (kế hoạch doanh thu 32.720 tỷ đồng) nhưng Vietjet lại đi lùi sâu nếu so về mục tiêu lợi nhuận (kế hoạch lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng).
Đáng chú ý, năm 2022 cũng là năm đầu tiên kể từ khi hoạt động, doanh nghiệp này báo lỗ, nhất là khi hãng bay này vẫn báo lãi đều kể cả trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Vietjet đạt mức gần 69.277 tỷ đồng, tăng 1.240 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chiếm tỉ trọng lớn nhất cơ cấu tài sản là 30.054 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn và 21.259 tỷ đồng các khoản phải thu dài hạn.
Cuối quý I, tổng nợ phải trả của VJC là 54.128 tỷ đồng, tăng 990 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2022, bao gồm 10.643 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn, 8.127 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn, 10.677 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn, 13.622 tỷ đồng dự phòng phải trả dài hạn.
Vốn chủ sở hữu của hàng bay này đạt mức 15.149 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm, trong đó có hơn 9.191 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Thông tin từ Vietjet, trong 3 tháng đầu năm, hãng hàng không này đã khai thác an toàn 31.300 chuyến bay, vận chuyển gần 5.4 triệu lượt hành khách, tăng 57% và 75% so với quý 1/2022. Các chuyến bay của hãng đạt hệ số sử dụng ghế bình quân cao 85%, độ tin cậy kỹ thuật đạt 99.59%.
Trong quý, tổng sản lượng hàng hóa Vietjet vận chuyển đạt hơn 14.8 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ 2022. Vận tải hành khách quốc tế tiếp tục là điểm sáng với việc đóng góp gần 45% tổng doanh thu vận tải hành khách và chiếm 30% về số lượng chuyến bay và lượt khách.
Trong quý 1/2023, Vietjet đã mở thêm 10 đường bay mới (4 đường bay nội địa, 6 đường bay quốc tế), nâng tổng số đường bay lên 105 đường bay (55 đường bay nội địa, 50 đường bay quốc tế).
Năm 2023, hãng dự kiến sẽ tăng đội tàu bay lên 87 chiếc, khai thác 139,513 chuyến bay, vận chuyển 25.7 triệu lượt hành khách trong năm 2023.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/vietjet-bao-lai-tro-lai-sau-nam-2022-bet-bat-a606075.html