Ngày 25/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Nguyễn Bá Hoan tiếp ông Ishii Chikahisa, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cùng một số nghiệp đoàn quản lý của Nhật Bản.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, thời gian qua, Thứ trưởng và ông Ishii Chikahisa thường xuyên gặp gỡ, trao đổi về vấn đề đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản. Điều đó đã nói lên hai bên rất quan tâm về hợp tác trong lĩnh vực lao động giữa hai nước.
Chia sẻ về hiệu quả hợp tác lao động Việt Nam – Nhật Bản tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết: 6 tháng đầu năm 2023, có hơn 35.000 thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản.
Tính đến cuối tháng 8, bình quân tháng có trên 7.000 lao động sang làm việc tại Nhật Bản. Trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hằng năm và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản. Dự kiến hết năm 2023, số thực tập sinh, lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản là 75.000 – 80.000 lao động (vượt con số 68.000 lao động của năm 2022).
Đáng chú ý, trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hằng năm vào Nhật Bản và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản. Hiện có hơn 200.000 thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản. Con số này chiếm khoảng 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại quốc gia này.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đề xuất một số nội dung nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách, tăng tính hiệu quả của Chương trình thực tập sinh và chương trình kỹ năng đặc định mới như: Tạo điều kiện cho người lao động được thay đổi công việc trong cùng một lĩnh vực, do với quy định hiện nay những người trong chương trình thực tập sinh nước ngoài không thể chuyển sang nơi làm việc khác; cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, sinh hoạt, mức thu nhập của lao động, thực tập sinh Việt Nam như đang áp dụng đối với người lao động Nhật Bản cùng trình độ; miễn hoặc giảm thuế cư trú và thuế thu nhập đối với thực tập sinh Việt Nam. Ngoài ra, cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với chủ sử dụng lao động có hành vi bạo hành, không trả lương đối với lao động, thực tập sinh Việt Nam hoặc tiếp nhận lao động bất hợp pháp của Việt Nam…
Lắng nghe ý kiến từ phía Bộ LĐTB&XH về việc sửa đổi Chương trình thực tập sinh nước ngoài của Nhật Bản sao cho hoạt động này tốt hơn, hiệu quả hơn, ông Ishii Chikahisa và các nghiệp đoàn quản lý của Nhật Bản cho biết, thời gian tới, Hội đồng chuyên gia sẽ tiếp thu các đề xuất để hoàn thiện báo cáo cuối cùng trình Chính phủ Nhật Bản về những thay đổi của chương trình thực tập kỹ năng này.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, mặc dù số lượng không ngừng tăng, nhưng người lao động Việt Nam đang có tâm lý e ngại do đồng Yên Nhật thời gian qua bị mất giá đáng kể khiến cho thu nhập thực tế của lao động tại Nhật Bản giảm nhiều, dẫn đến người lao động băn khoăn khi lựa chọn làm việc tại thị trường Nhật Bản hay thị trường lao động khác.
Để góp phần thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vực lao động giữa hai nước, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan đề nghị phía Nhật Bản, tạo điều kiện cho người lao động được thay đổi công việc trong cùng một lĩnh vực, do với quy định hiện nay những người trong chương trình thực tập sinh nước ngoài không thể chuyển sang nơi làm việc khác.
Cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, sinh hoạt, mức thu nhập của lao động, thực tập sinh Việt Nam như đang áp dụng đối với người lao động Nhật Bản cùng trình độ; Miễn hoặc giảm thuế cư trú và thuế thu nhập đối với thực tập sinh Việt Nam…
Trước đó, tại Hội thảo “50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản: Chặng đường hợp tác trong lao động, việc làm và an sinh xã hội”, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết: Hợp tác lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản chính thức được bắt đầu kể từ năm 1992, thông qua tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang thực tập kỹ năng tại Nhật Bản. Kết quả hợp tác về lao động ngày càng tốt đẹp và không ngừng phát triển đã đem lại lợi ích kinh tế cho người dân, DN của hai nước.
Trúc Chi (theo Nhân Dân, Hà Nội Mới)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/vi-sao-nhat-ban-thu-hut-nhieu-lao-dong-viet-nam-a628245.html