Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM – UPCoM: VEA) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 ghi nhận tổng tài sản tại ngày 30/9/2023 đạt 31.646 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm.
Trong đó, chiếm phần lớn là tiền gửi ngắn hạn ngân hàng lên tới 18.482 tỷ đồng, tăng gần 5.900 tỷ đồng so với đầu năm.
Khoản tiền gửi này mang lại cho công ty tới 875 tỷ đồng tiền lãi trong 9 tháng, tương đương mỗi tháng gần 100 tỷ đồng. Ngoài ra, tiền mặt và tiền gửi không thời hạn của VEAM đạt 585 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với số dư đầu năm.
Trong kỳ, doanh thu thuần đạt 884 tỷ đồng, giảm 28% so với mức doanh thu gần 1.232 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng của công ty giảm từ 1.072 tỷ đồng xuống còn 748 tỷ đồng. Kết quả, lãi gộp đạt 136 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, chi phí tài chính của công ty tăng vọt 6,5 lần từ 2,4 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước lên 13,4 tỷ đồng, phần lớn đến từ chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của công ty biến động không đáng kể.
Theo đó, VEAM báo lãi trước thuế 1.607 tỷ đồng, giảm 18,5%. Tương ứng lợi nhuận sau thuế đạt 1.540 tỷ đồng, giảm gần 20% so với quý III/2022.
Lũy kế 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.871 tỷ đồng, giảm 17,6%. Công ty báo lãi 4.722 tỷ đồng sau thuế, giảm 8% so với cùng kỳ 2022.
Năm 2023, VEAM đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 5.694 tỷ đồng, nhích nhẹ so với mức thực hiện năm 2022 là 5,623,9 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, công ty đã hoàn thành 82,9% kế hoạch lợi nhuận năm.
Phía VEAM cho biết, lãi sau thuế giảm chủ yếu do lợi nhuận gộp giảm; phần lãi hoặc lỗ trong công ty liên doanh, liên kết giảm 26% tương đương 440 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong khi chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tăng 28% so với cùng kỳ.
Thời điểm cuối quý III/2023, VEAM đang nắm giữ 30% vốn góp tại Công ty Honda Việt Nam, 20% tại Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và 25% tại Công ty TNHH Ford Việt Nam – đều là những hãng xe có lượng tiêu thụ hàng đầu tại Việt Nam.
VEAM rót 4.242 tỷ đồng vào 8 công ty liên doanh liên kết. Trong đó, 2.815 tỷ đồng vào Công ty Honda Việt Nam và 495 tỷ đồng vào Công ty ô tô Toyota Việt Nam, Công ty TNHH Ford Việt Nam (848 tỷ đồng) là 3 đơn vị được VEAM rót vốn nhiều nhất.
Về cơ cấu nợ, tổng nợ phải trả của VEAM đạt gần 1.856 tỷ đồng, giảm 366 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm tới 40% tổng nợ, cũng ghi nhận mức giảm 25,9% so với hồi đầu năm xuống còn gần 751 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên ngày 2/11, cổ phiếu VEA tăng 2,54% lên 36.400 đồng/ cổ phiếu với khối lượng giao dịch hơn nửa triệu đơn vị.
Cổ phiếu của VEAM bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 11/4/2023 do báo cáo tài chính năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên.
Thu Hương
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/veam-thu-lai-gan-100-ty-dong-moi-thang-tu-tien-gui-ngan-hang-a634026.html