Hồ sơ hải quan của Nga cho thấy, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã trở thành một trung tâm thương mại quan trọng đối với vàng của Nga kể từ khi các lệnh trừng phạt của phương Tây cắt đứt các tuyến đường xuất khẩu truyền thống của Nga.
Trước khi cuộc xung đột Nga – Ukraine diễn ra vào ngày 24/2/2022, vàng của Nga thường được chuyển đến London, một trung tâm dự trữ và giao dịch vàng. Tuy nhiên, ngay sau thời điểm này, nhiều ngân hàng đa quốc gia, nhà cung cấp dịch vụ logistics và nhà tinh chế kim loại quý đã ngừng xử lý vàng của Nga.
Ngày 7/3/2022, Hiệp hội Thị trường vàng thỏi London (LBMA) đã cấm sản xuất vàng thỏi tại Nga năm 2022. Hơn một tháng sau đó, Liên minh Châu Âu, Anh, Thụy Sĩ, Mỹ, Canada và Nhật Bản cũng cấm nhập khẩu vàng thỏi của Nga.
Sự dịch chuyển vàng xuất khẩu của Nga khỏi London không được coi là một đòn giáng mạnh mẽ vì khu vực này không phụ thuộc quá nhiều vào Nga. Năm 2021, vàng từ Nga chiếm 29% lượng nhập khẩu của London, nhưng con số này chỉ ở mức 2% vào năm 2018, theo dữ liệu thương mại của Anh.
Do Nga không thể nào tự tiêu thụ hết 20 tỷ USD vàng được khai thác mỗi năm, quốc gia này đã tìm đến những đối tác nhỏ hơn nhằm lấp đầy khoảng trống mà những người mua như JPMorgan và HSBC để lại.
Hồ sơ xuất khẩu cho thấy, các nhà sản xuất vàng của Nga đã nhanh chóng tìm thấy thị trường mới ở các quốc gia chưa áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow, chẳng hạn như UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.
Theo Reuters, các công ty Nga đã bán vàng thỏi với mức chiết khấu khoảng 1% so với giá chuẩn toàn cầu nhằm khuyến khích giao dịch.
Hồ sơ hải quan từ tháng 2/2022 đến tháng 3/2023 cho thấy, UAE đã nhập khẩu 75,7 tấn vàng trị giá 4,3 tỷ USD từ Nga. Con số này chỉ ở mức 1,3 tấn vào năm 2021.
Quốc gia vùng Vịnh từ lâu đã có một ngành công nghiệp vàng phát triển mạnh và là nhà xuất khẩu vàng thỏi và đồ trang sức lớn của thế giới. Dữ liệu thương mại cho thấy nước này đã nhập khẩu trung bình khoảng 750 tấn vàng nguyên chất mỗi năm từ năm 2016 đến 2021.
Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là những điểm đến lớn tiếp theo với khoảng 20 tấn vàng mỗi nước kể từ ngày 24/2/2022 đến 3/3/2023. Cả 3 quốc gia này chiếm 99,8% lượng vàng xuất khẩu của Nga trong giai đoạn này.
Hầu hết các lô hàng vàng của Nga đến Trung Quốc đều cập bến ở Hồng Kông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, sự hợp tác của nước này với Nga “sẽ không bị gián đoạn hoặc ép buộc từ bất kỳ bên thứ ba nào”.
Dữ liệu hải quan nói trên cho thấy, Nga xuất khẩu 116,3 tấn vàng từ ngày 24/2/2022 đến ngày 3/3/2023. Tuy nhiên, theo ước tính của công ty tư vấn Metals Focus, Nga đã sản xuất khoảng 325 tấn vàng vào năm 2022.
Phần còn lại của số vàng được khai thác ở Nga có thể vẫn ở trong nước, hoặc đã được xuất khẩu trong các giao dịch không có trong hồ sơ hải quan.
Nguyễn Tuyết (Theo Reuters, Business Insider)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/vang-nga-di-dau-sau-cac-lenh-trung-phat-cua-phuong-tay-a609546.html