Hôm 6/2, giám đốc điều hành của Alphabet và Google Sundar Pichai đã xác nhận rằng họ sẽ sớm bắt đầu thử nghiệm công khai một chatbot AI mới của riêng mình có tên là Bard, dựa trên Mô hình ngôn ngữ cho ứng dụng đối thoại của công ty, hay còn gọi là LaMDA.
Với thông báo này, công ty công nghệ lớn thứ ba thế giới tính theo vốn thị trường đang nhắm trực tiếp vào đối thủ lớn nhất tiếp theo của mình, Microsoft, công ty đã đầu tư ít nhất 11 tỷ USD vào ChatGPT, một sản phẩm của công ty OpenAI đang gây chấn động toàn cầu với khả năng viết luận, làm thơ hoặc viết mã lập trình theo yêu cầu trong vòng vài giây.
“Phản hồi chất lượng cao”
Trong bài đăng trên blog của mình hôm 6/2, giám đốc điều hành Google đã mô tả Bard là “dịch vụ AI đàm thoại thử nghiệm”, trả lời các truy vấn của người dùng và tham gia vào các cuộc trò chuyện. Ông Pichai cho biết, phần mềm này sẽ có sẵn cho một nhóm “những người thử nghiệm đáng tin cậy” trước khi “được phổ biến rộng rãi hơn cho công chúng trong những tuần tới”.
Ông Pichai nhấn mạnh rằng “Bard tìm cách kết hợp bề rộng kiến thức của thế giới với sức mạnh, trí thông minh và sự sáng tạo của các mô hình ngôn ngữ lớn của chúng tôi. Nó dựa trên thông tin từ web để cung cấp phản hồi cập nhật, chất lượng cao.”
Các câu trả lời do Bard đưa ra sẽ đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, độ an toàn và tính có cơ sở của thông tin trong thế giới thực. Các phản hồi kiểu mới sẽ chắt lọc thông tin phức tạp và nhiều quan điểm thành các định dạng dễ hiểu, theo ông Pichai.
Bard của Google sử dụng mô hình ngôn ngữ cho ứng dụng đối thoại, trong khi ChatGPT của OpenAI dựa trên GPT-3.5. Đây rõ ràng là lợi thế của Google so với Microsoft vì Bard có quyền truy cập vào thông tin cập nhật, trong khi ChatGPT dựa vào quá trình đào tạo đã ngừng vào năm 2021.
Bard cũng được xây dựng trên công nghệ Transformer, một kiến trúc mạng thần kinh có khả năng đưa ra dự đoán dựa trên đầu vào và được sử dụng chủ yếu trong công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thị giác máy tính. Đây cũng là xương sống của ChatGPT và các bot AI khác. Công nghệ Transformer được Google đi tiên phong và trở thành mã nguồn mở vào năm 2017.
Về thị phần, Bing, công cụ tìm kiếm mà Microsoft muốn tích hợp tính năng ChatGPT, chiếm chưa tới 10% thị phần công cụ tìm kiếm, tỏng khi con số này ở Google là hơn 80%.
Bên cạnh đó, lượng người dùng ChatGPT đang ở mức hơn 100 triệu, trong khi lượng người dùng Google vượt xa con số đó với một tỷ người dùng hoạt động hàng ngày.
Do đó, Bard có ưu thế hơn so với ChatGPT về phạm vi tiếp cận tiềm năng và lượng phản hồi thời gian thực mà việc sử dụng đó sẽ mang lại.
Bard cũng sử dụng phiên bản “nhẹ” của mô hình LaMDA với sức mạnh tính toán ít hơn đáng kể, cho phép nhiều người dùng tiếp cận hơn, và nhận được nhiều phản hồi hơn.
Ngoài ra, câu trả lời của Bard sẽ không chỉ dừng lại ở văn bản mà sẽ có yếu tố đa phương tiện, cung cấp thông tin “từ ngôn ngữ, hình ảnh đến video và âm thanh”.
“Hồi chuông cảnh báo”
Thông báo của ông Pichai được đưa ra vào một thời điểm vô cùng quan trọng, vì Microsoft đang chuẩn bị công bố tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing của mình. Đối với Google, việc hoàn thiện mô hình AI này dường như là ưu tiên hàng đầu và không còn nhiều thời gian để làm điều đó.
Google đã phát minh ra công nghệ Transformer, nhưng giờ đây công ty này được coi là kẻ đến sau trong cuộc cách mạng AI.
Theo nhiều cách, ChatGPT được gọi là dấu chấm hết cho Google Seach (công cụ tìm kiếm của Google), vì AI đàm thoại có thể đưa ra các câu trả lời dài theo phong cách tiểu luận cho các truy vấn của người dùng. Tất nhiên, không phải tất cả những thông tin mà ChatGPT đưa ra đều đúng, nhưng AI cũng có khả năng học hỏi và tự sửa chữa những sai lầm.
Theo tờ New York Times, các giám đốc điều hành của Google đã triệu tập các nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin để xem xét các kế hoạch liên quan đến trí tuệ nhân tạo. 2 ông này hầu như không tham gia vào công việc điều hành hàng ngày tại Google, nhưng rõ ràng, một hồi chuông cảnh báo đã vang lên tại Google.
ChatGPT rõ ràng đang được cho là vượt trội hơn, và Google có trách nhiệm chứng minh rằng LaMDA và Bard có thể làm tốt hơn.
Sự ra mắt sắp tới của Bard đánh dấu một bước thay đổi trong cách tiếp cận công nghệ của Google. Gã khổng lồ công nghệ cũng đã tích hợp AI vào nhiều sản phẩm của mình, bao gồm cả tìm kiếm.
Trong vài năm qua, Google đã sử dụng AI để tóm tắt ngày càng nhiều kết quả tìm kiếm, hiển thị thông tin từ các trang web thay vì để cho người dùng tự nhấp và khám phá. Từ bài đăng của ông Pichai, có vẻ như những tính năng này sẽ trở nên nổi bật hơn trong tương lai.
Nguyễn Tuyết (Theo Indian Express, The National News, Digital Trend, The Verge)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/ung-dung-moi-cua-google-co-gi-de-dau-lai-chatgpt-a592683.html