Tổng thống Vladimir Putin cho rằng Nga đang bị xe tăng Đức đe dọa “một lần nữa” như trong Thế chiến II, đồng thời cảnh báo rằng Moscow sẵn sàng đáp trả sự gây hấn từ phương Tây.
Phát biểu hôm 2/2 tại các sự kiện nhân kỷ niệm 80 năm chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trước Đức Quốc xã ở Stalingrad, ông Putin đã so sánh sự tương đồng giữa cuộc chiến của Liên Xô trong Thế chiến II và sự can thiệp của Moscow vào Ukraine hiện nay.
“Hết lần này đến lần khác, chúng ta buộc phải đẩy lùi sự gây hấn của tập thể phương Tây”, ông Putin phát biểu tại thành phố Volgograd ở miền Nam nước Nga, nơi trước năm 1961 mang tên Stalingrad.
“Những người mong đợi giành chiến thắng trước Nga trên chiến trường không hiểu rằng cuộc chiến hiện đại với Nga sẽ diễn ra hoàn toàn khác đối với họ”.
Người đứng đầu Điện Kremlin cũng lên án việc phương Tây chuyển giao xe tăng cho Ukraine, hứa hẹn một phản ứng vượt ra ngoài những chiếc xe bọc thép.
“Thật khó tin nhưng có thật. Chúng ta một lần nữa bị đe dọa bởi xe tăng Leopard của Đức”, ông Putin nói. “Chúng ta không gửi xe tăng tới biên giới của họ nhưng chúng ta có phương tiện để đánh trả, và các phương tiện đó sẽ không giới hạn ở thiết giáp. Mọi người nên hiểu điều này”.
Tuần trước, Berlin đã thay đổi quan điểm về việc cung cấp thiết giáp hiện đại cho Kiev, cam kết cung cấp 14 xe tăng Leopard 2 cũng như cho phép các nước châu Âu khác gửi các phương tiện do Đức sản xuất từ kho của chính họ cho Ukraine. Số lượng xe tăng Leopards dự kiến sẽ được vận chuyển đến Ukraine lên tới khoảng 112 chiếc. Trong một diễn biến khác, Washington cam kết gửi 31 xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất, nhưng thời hạn giao hàng sớm nhất là cuối năm 2023.
Moscow đã nhiều lần kêu gọi tập thể phương Tây ngừng “bơm” vũ khí hiện đại cho Ukraine, cảnh báo rằng viện trợ quân sự sẽ chỉ càng kéo dài chiến sự và gây thêm đau khổ cho người dân Ukraine hàng ngày, thay vì thay đổi kết quả cuối cùng của cuộc xung đột.
Trận Stalingrad (1942-1943) diễn ra trong gần 6 tháng, và khi trận chiến kết thúc, thành phố này đã trở thành đống đổ nát và hơn một triệu binh lính và thường dân đã thiệt mạng. Chiến thắng này của Hồng quân đánh dấu một bước ngoặt không chỉ đối với Liên Xô mà còn đối với lực lượng Đồng minh.
Lễ kỷ niệm 80 năm chiến thắng Stalingrad diễn ra khi Nga được cho là đang tìm cách đẩy mạnh cuộc tấn công ở Ukraine, với việc Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói với mạng BFM của Pháp rằng Điện Kremlin đang chuẩn bị phát động một cuộc tấn công mới với tới 500.000 lính nghĩa vụ vì ông Putin sẽ “thử làm điều gì đó” vào ngày 24/2 tới – kỷ niệm 1 năm ngày xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
Theo ông Reznikov, Nga đã tập trung “gần 500.000 quân” để chuẩn bị cho cuộc tấn công sắp tới, có thể là trên 2 mặt trận: miền Đông và miền Nam.
“Về mặt chính thức, họ công bố 300.000 lính nghĩa vụ, nhưng khi chúng tôi thấy binh lính ở biên giới, theo đánh giá của chúng tôi, con số đó còn nhiều hơn thế”, ông Reznikov nói trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tối ngày 1/2.
Vị Bộ trưởng cho biết quân đội Ukraine sẽ làm việc để chuẩn bị cho một cuộc phản công trước sự thúc đẩy của Nga, đồng thời nói thêm rằng Ukraine “không thể để mất thế chủ động” trên chiến trường.
Ông nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của Kiev là phải có được vũ khí mới từ các đồng minh phương Tây ngay lập tức.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã loại trừ khả năng cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine mà nước này đang tìm kiếm. Người đứng đầu Lầu Năm Góc Lloyd Austin cho biết hôm 2/2 rằng trọng tâm viện trợ của Mỹ là tăng cường khả năng quân sự của Ukraine bằng cách gửi pháo binh, thiết giáp và phòng không, đồng thời huấn luyện quân đội Ukraine.
Ông Austin cho biết Mỹ “tập trung vào việc cung cấp cho Ukraine khả năng cần thiết để có hiệu quả trong cuộc phản công dự kiến sắp tới vào mùa xuân”.
“Và vì vậy, chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để trang bị cho họ những khả năng mà họ cần ngay bây giờ để hoạt động hiệu quả trên chiến trường”, ông nói.
Washington được cho là đang chuẩn bị một gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 2,2 tỷ USD, dự kiến sẽ lần đầu tiên bao gồm các tên lửa tầm xa.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, trong một cuộc phỏng vấn trên nhiều kênh truyền hình nhà nước Russia 24 và RIA Novosti hôm 2/2, cho biết các lực lượng Nga sẽ đáp trả việc phương Tây chuyển giao vũ khí tầm xa bằng cách cố gắng đẩy quân đội Ukraine ra xa biên giới.
“Chúng ta hiện đang tìm cách đẩy lùi pháo binh của quân đội Ukraine đến một khoảng cách không gây ra mối đe dọa cho lãnh thổ của chúng ta”, ông nói. “Phạm vi vũ khí cung cấp cho chế độ Kiev càng lớn thì chúng ta càng phải đẩy lùi chúng khỏi các vùng lãnh thổ thuộc đất nước chúng ta”.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một cơ quan cố vấn có trụ sở tại Washington, DC, cho biết trong bản cập nhật mới nhất của mình hôm 1/2, các quan chức quân sự hàng đầu của Ukraine dự đoán rằng các lực lượng Nga sẽ cố gắng đánh chiếm các tỉnh Donetsk và Luhansk (hợp thành vùng Donbass), nơi giao tranh chưa từng hạ nhiệt.
Theo các nhà phân tích của ISW, ông Putin cũng có thể đang chú ý đến các cuộc tấn công xuyên biên giới vào phía Đông Bắc Ukraine để kìm chân các lực lượng của Kiev tại các khu vực biên giới ở phía Bắc nhằm đánh lạc hướng họ khỏi tiền tuyến ở phía Đông.
Trước đó, ISW cũng từng đánh giá rằng sắp diễn ra một cuộc tấn công của Nga ở miền Đông, nơi giao tranh đẫm máu nhất trong những tháng gần đây.
Ông Oleksiy Danilov, Thư ký của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết trong một cuộc trò chuyện với Sky News hôm 31/1 rằng 2-3 tháng tới sẽ “mang tính xác định” trong cuộc chiến.
“Nga đang chuẩn bị cho sự leo thang tối đa”, ông Danilov nói. “Đó là thu thập mọi thứ có thể, thực hiện các cuộc diễn tập và huấn luyện”.
Nga sẽ dùng robot chiến đấu với xe tăng phương Tây
Nga được cho là đang triển khai robot chiến đấu trong nỗ lực chống lại dàn xe tăng mà Ukraine sẽ có trong tay.
Trong một bài đăng trên Telegram hôm 2/2, ông Dmitry Rogozin, cựu giám đốc cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos và hiện là lãnh đạo của nhóm cố vấn quân sự “Tsar Wolves”, đã chia sẻ một đoạn video về một robot chiến đấu được vận chuyển ra khỏi xe tải.
“4 con robot Marker đầu tiên đã đến khu vực theo đúng lịch trình. Chúng tôi đang bắt đầu tải lên hình ảnh mục tiêu, đưa ra các thuật toán chiến đấu như một phần của nhóm robot chiến đấu và lắp đặt vũ khí chống tăng mạnh mẽ”, ông Rogozin cho biết trên Telegram.
Bài đăng của ông Rogozin được đưa ra sau khi Ukraine gần đây đã nhận được một số loại xe tăng từ Mỹ, Đức và các quốc gia NATO khác trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Nga RIA Novosti hooif tháng trước, ông Rogozin đã thảo luận về việc sử dụng robot chiến đấu Marker, nói rằng chúng có thể phát hiện xe tăng M1 Abrams hoặc xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất trong trận chiến.
Ukraine, EU sẵn sàng cho Hội nghị Thượng đỉnh thời chiến
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev vào ngày 3/2 cho Hội nghị Thượng đỉnh EU-Ukraine đầu tiên.
Trước đó, hôm 2/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đến Kiev bằng tàu hỏa, một hành trình mang tính biểu tượng để thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine nhân kỷ niệm 1 năm ngày Nga phát động tấn công nước láng giềng (24/2/2022 – 24/2/2023).
Các thành viên cấp cao của Ban điều hành EU đã gặp gỡ những người đồng cấp của họ trong chính phủ Ukraine, và bà Von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel sẽ có các cuộc hội đàm với ông Zelensky vào ngày 3/2.
Ông Zelensky kêu gọi EU áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt hơn đối với Nga, nhưng các biện pháp trừng phạt mới mà khối này đang chuẩn bị có khả năng sẽ không đáp ứng được yêu cầu của chính phủ ông.
“Chúng tôi đã đạt được sự hiểu biết lẫn nhau rất quan trọng”, ông Zelensky nói về cuộc hội đàm hôm 2/2. “Chỉ có cùng nhau – một Ukraine mạnh mẽ và một Liên minh châu Âu mạnh mẽ – chúng ta mới có thể bảo vệ cuộc sống mà chúng ta coi trọng, và thông qua hội nhập hơn nữa, cung cấp năng lượng và động lực cho người dân của chúng ta chiến đấu bất chấp các trở ngại và các mối đe dọa”.
Trong khi EU ủng hộ Ukraine và hỗ trợ cải cách dân chủ và kinh tế ở quốc gia đông Âu, khối này từ chối cung cấp cho Kiev một lộ trình nhanh chóng để trở thành thành viên EU khi Ukraine đang chìm trong cuộc xung đột với Nga.
Các quan chức EU đã liệt kê nhiều yêu cầu đầu vào, từ sự ổn định chính trị và kinh tế đến việc áp dụng các luật khác nhau của EU. Quá trình này có thể mất nhiều năm.
Quốc gia gần nhất gia nhập EU là Croatia vào năm 2013, một thập kỷ sau khi Zagreb chính thức nộp đơn. Nước láng giềng của Ukraine là Ba Lan mất 20 năm, và Warsaw gia nhập EU vào năm 2004.
Ukraine đã nộp đơn xin vào EU ngay từ những ngày đầu Nga phát động chiến dịch quân sự ở nước này, và hồi tháng 6/2022 đã nhận được tư cách ứng cử viên chính thức từ EU.
Ba Lan sẵn sàng tái dựng “bức màn sắt”
Tổng thống Ba Lan hôm 2/2 tuyên bố ông sẵn sàng dựng lại một “bức màn sắt” mới để ngăn cản Nga.
“Tôi sẵn sàng cho việc dựng lại bức màn sắt nếu tôi phải đối phó với một quốc gia hiếu chiến bên kia biên giới phía Đông”, Tổng thống Andrzej Duda nói với các phóng viên ở thủ đô Riga của Latvia, nơi ông đã có hội đàm với người đồng cấp Latvia Egils Levits.
Ông Duda nhấn mạnh rằng Ba Lan sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn một cuộc chiến tranh ở châu Âu và do đó đang cải thiện khả năng răn đe quân sự của mình.
Nhà lãnh đạo Ba Lan cũng cho rằng xung đột Nga-Ukraine đã gây ra những thay đổi đáng kể trong cách nhìn của nhiều người về thế giới, đặc biệt là về an ninh và tương lai.
Trước đó, hôm 30/1, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố rằng Warsaw có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên 4% GDP trong năm nay, tức gấp đôi mức 2% mà NATO khuyến nghị.
Ba Lan trong những năm gần đây đã ký một loạt thỏa thuận vũ khí để tăng cường khả năng phòng thủ, bao gồm mua pháo tự hành, xe tăng, hệ thống tên lửa tiên tiến, máy bay chiến đấu từ Mỹ và Hàn Quốc, và máy bay không người lái TB-2 Bayraktar từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak gần đây cho biết mục tiêu của nước này là tăng số lượng binh sĩ trong lực lượng vũ trang Ba Lan lên 300.000, bao gồm 250.000 quân nhân chuyên nghiệp và 50.000 tình nguyện viên của Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ (WOT).
Ba Lan hiện có khoảng 36.000 quân WOT và khoảng 128.000 binh sĩ thuộc nhiều đội hình khác nhau.
Trong Liên minh châu Âu, Pháp là nước có quân đội lớn nhất, với khoảng 200.000 binh sĩ đang tại ngũ.
Pháp sẽ huấn luyện binh sĩ Ukraine ở Ba Lan
Pháp sẽ cử 150 huấn luyện viên quân đội tới Ba Lan để huấn luyện binh lính Ukraine trong khuôn khổ sứ mệnh hỗ trợ quân sự của Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine, Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết.
EU đã thành lập Phái bộ hỗ trợ quân sự của Liên minh châu Âu để hỗ trợ Ukraine (EUMAM Ukraine) vào tháng 10 năm ngoái với mục tiêu ban đầu là đào tạo 15.000 thành viên của các lực lượng vũ trang Ukraine tại nhiều trung tâm ở các quốc gia thành viên EU.
Phái bộ Pháp được chỉ huy bởi Phó đô đốc Herve Blejean. Một trong hai bộ chỉ huy hoạt động được đặt tại Zagan, Ba Lan và bộ kia ở Đức.
“Trong khuôn khổ EUMAM Ukraine, Pháp sẽ gửi 150 binh sĩ tới Ba Lan. Dưới sự giám sát của Bộ chỉ huy hoạt động của Phái bộ Ba Lan – Bộ chỉ huy huấn luyện vũ khí kết hợp (CAT-C) – họ sẽ huấn luyện người Ukraine”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ba Lan Lukasz Jasina cho biết hôm 2/2 trên Twitter.
“Cùng với Pháp, chúng tôi đang nỗ lực tăng cường tiềm năng quốc phòng của Ukraine trước sự gây hấn của Nga”, ông cho biết thêm.
Minh Đức (Theo NY Post, Newsweek, Anadolu Agency, RT)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/ukraine-ong-putin-se-thu-lam-dieu-gi-do-nhan-ky-niem-1-nam-xung-dot-a592129.html