Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đã đồng ý mua lại Credit Suisse sau khi ngân hàng này chìm trong bê bối, thua lỗ và khủng hoảng, đặc biệt là sau vụ phá sản của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và ngân hàng Signature ở Mỹ.
Thỏa thuận được chính phủ Thụy Sĩ nỗ lực dàn xếp trong mấy ngày qua báo hiệu sự sụp đổ đáng kinh ngạc của một tổ chức từng là biểu tượng và là niềm tự hào của Thụy Sĩ. UBS nói với các nhà phân tích rằng họ thậm chí không có thời gian để đánh giá đầy đủ các tác động tài chính của việc mua Credit Suisse.
Đây có lẽ là cuộc cải tổ sâu rộng nhất của lĩnh vực ngân hàng toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi những gã khổng lồ tài chính bị các đối thủ mua lại để tránh rơi vào bi kịch.
Dưới đây là những điểm chính của thỏa thuận đạt được hôm 19/3, sau các cuộc đàm phán căng thẳng với sự tham gia của chính phủ, cơ quan quản lý tài chính và ngân hàng trung ương Thụy Sĩ.
Các điều khoản chính
Ngày 17/3, Credit Suisse được định giá khoảng 8 tỷ USD. Tuy nhiên, theo thỏa thuận ngày 19/3, UBS sẽ chỉ trả cho ngân hàng này 3,25 tỷ USD, thấp hơn khoảng 60% so với con số được đưa ra 2 ngày trước đó. Các cổ đông của Credit Suisse cũng nhận về 0,82 USD cho mỗi cổ phiếu, thấp hơn so với mức giá 2,01 USD ở cuối phiên giao dịch ngày 17/3.
Theo thỏa thuận mới này, toàn bộ trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1) trị giá khoảng 16 tỷ Franc Thụy Sĩ (17,3 tỷ USD) sẽ bị giảm giá trị xuống còn 0 đồng, có nghĩa là các trái chủ sẽ bị thiệt hại nhiều hơn, dù họ được coi là các chủ nợ được ưu tiên hơn khi một ngân hàng phá sản.
Theo Credit Suisse, thỏa thuận dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay, trong khi Chủ tịch UBS Colm Kelleher cho biết UBS không còn đường lui.
Chính phủ Thụy Sĩ đã sử dụng một sắc lệnh khẩn cấp để tránh sự cần thiết phải có sự chấp thuận của cổ đông. Ủy ban Cạnh tranh Thụy Sĩ cũng không có tiếng nói trong vụ sáp nhập đặc biệt giữa 2 ngân hàng lớn nhất nước này.
Ông Kelleher và ông Ralph Hamers, CEO của UBS, sẽ giữ nguyên cương vị của họ trong tổ chức mới được sáp nhập. Ban lãnh đạo của Credit Suisse cũng sẽ giữ nguyên vị trí cho đến khi thỏa thuận kết thúc, theo một đại diện của FINMA, cơ quan quản lý của Thụy Sĩ. Sau đó, tương lai của ngân hàng sẽ tùy thuộc vào UBS.
Phương hướng kinh doanh
Theo Chủ tịch UBS Kelleher, UBS rất quan tâm với hoạt động quản lý tài sản kinh doanh của Credit Suisse tại Thụy Sĩ, nhưng không mấy hứng thú với mảng ngân hàng đầu tư của ngân hàng này.
“Sự kết hợp của 2 ngân hàng càng củng cố vị thế của UBS với tư cách là nhà quản lý tài sản hàng đầu toàn cầu, với tổng tài sản trị giá hơn 5 nghìn tỷ USD. Số tiền này sẽ được đầu tư vào các thị trường tăng trưởng hấp dẫn nhất”, ông Kelleher cho biết.
Ông Kelleher cho biết, UBS đã quyết tâm giữ lại đơn vị kinh doanh có lãi của Credit Suisse ở Thụy Sĩ, bất chấp những lo ngại về sự tập trung vào thị trường nội địa của thỏa thuận này. Tuy nhiên, mảng ngân hàng đầu tư của Credit Suisse sẽ bị co hẹp, khiến giấc mơ tách CS First Boston thành đơn vị độc lập tan thành mây khói.
“UBS dự định thu hẹp quy mô hoạt động kinh doanh ngân hàng đầu tư của Credit Suisse và điều chỉnh nó phù hợp với văn hóa thận trọng trước rủi ro của chúng tôi,” ông Kelleher cho biết tại cuộc họp báo về vụ sáp nhập.
Sa thải hàng loạt
Ông Kelleher cho biết còn quá sớm để biết con số cắt giảm việc làm, nhưng UBS đã đưa ra những dấu hiệu cho thấy con số này sẽ rất lớn.
Chủ tịch UBS cho biết, ông thấu hiểu những tháng kế tiếp sẽ là rất khó khăn đối với các nhân viên của Credit Suisse, đồng thời khẳng định ngân hàng này sẽ làm hết khả năng của mình để chấm dứt tình hình bất ổn hiện tại sớm nhất có thể.
UBS có kế hoạch cắt giảm hơn 8 tỷ USD chi phí hàng năm từ nay đến năm 2027, tương đương với gần một nửa chi phí của Credit Suisse vào năm 2022.
Theo Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Keller-Sutter, vụ sáp nhập sẽ khiến hàng nghìn nhân viên của Credit Suisse bị ảnh hưởng, thậm chí bị mất việc làm trong tương lai.
Tháng 1/2022, Credit Suisse đã lên kế hoạch sa thải 9.000 người. Tính đến cuối năm 2022, ngân hàng này có 50.000 nhân viên, bao gồm 16.000 nhân viên ở Thụy Sĩ. Trong khi đó, UBS có 74.000 nhân viên khắp toàn cầu.
Chính phủ bảo trợ
Hôm 15/3, Credit Suisse cho biết, họ sẽ vay gần 54 tỷ USD từ ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ để ngăn chặn thảm họa sau khi chứng kiến cổ phiếu của mình có thời điểm giảm xuống hơn 30%. Tuy nhiên, nỗ lực này không thể trấn an nhà đầu tư, do đó chính phủ Thụy Sĩ đã phải liên hệ với UBS để yêu cầu ngân hàng này xem xét việc mua lại Credit Suisse.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho thỏa thuận này, chính phủ Thụy Sĩ đã cam kết cung cho UBS khoản bảo lãnh trị giá hơn 9,7 tỷ USD nhằm bù đắp cho những tổn thất có thể phát sinh từ những tài sản mà UBS tiếp quản.
Theo ông Kelleher, cam kết của chính phủ Thụy Sĩ là cần thiết, vì có quá ít thời gian để thẩm định giá của Credit Suisse. Bên cạnh đó, một số tài sản mà UBS định thu hồi của Credit Suisse cũng khó định giá trên sổ sách.
Nếu UBS thua lỗ, ngân hàng này sẽ phải chịu 5 tỷ Franc đầu tiên, và chính phủ liên bang sẽ hỗ trợ 9 tỷ Franc tiếp theo. Các khoản lỗ sau đó, nếu có, sẽ do UBS gánh vác.
Theo ông Kelleher, bảo lãnh của chính phủ là một phần của “chính sách bảo hiểm”, và UBS sẽ không sử dụng đến cơ chế đó, trừ khi thực sự cần thiết.
Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, Yahoo!News, NY Times)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/ubs-mua-lai-credit-suisse-hang-nghin-nhan-vien-ngan-hang-sap-mat-viec-a598773.html