noel giáng sinh vui vẻ
Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiGiáo dụcTư vấn tâm lý học đường ở Tp.HCM: Thiếu nhân sự, yếu...

    Tư vấn tâm lý học đường ở Tp.HCM: Thiếu nhân sự, yếu chuyên môn

    Năm học mới đã bắt đầu nhưng nhiều khó khăn về tư vấn tâm lý học đường vẫn như “lỗ hổng’’ chưa được lấp đầy khi từ giáo viên đến nhà trường.

    Giáo viên phải vừa dạy, vừa tư vấn

    Ghi nhận của Người Đưa Tin cho thấy, các trường học tại Tp.HCM có chú trọng đến công tác tư vấn tâm lý học đường. Tuy nhiên, công tác này gặp không ít khó khăn và hiệu quả chưa cao do thiếu nhân sự và kinh phí.

    Ông Đỗ Dương Cung – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM cho biết, nhà trường đã bố trí phòng tư vấn từ lâu nhưng vì không có định biên cho chuyên viên tư vấn nên phải sử dụng giáo viên kiêm nhiệm. Mọi vấn đề tư vấn đều phải đảm bảo nguyên tắc riêng tư, nhưng nếu nghiêm trọng thì giáo viên sẽ báo cáo để nhà trường nắm rõ.

    Được cử đi học bồi dưỡng kỹ năng tư vấn tâm lý 6 tháng tại Trường đại học Sư phạm Tp.HCM, giáo viên Đinh Thị Quỳnh Liên, dạy môn Giáo dục công dân, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân đã kiêm nhiệm công tác này được 5 năm.

    Bên cạnh thời gian dạy, cô Liên trực tại phòng tư vấn 3 buổi/tuần. Học sinh cũng có thể liên hệ với giáo viên này qua số điện thoại hoặc Zalo, Facebook. Tuy nhiên, vì chỉ nắm được kiến thức cơ bản nên cô Liên đôi khi không thể đưa ra hướng giải quyết cho học sinh.

    “Tôi thường xuyên hỏi thăm, kết bạn với nhiều thầy cô có chuyên môn để học hỏi thêm hoặc làm trung gian cho học sinh liên hệ. Vì kiêm nhiệm nên nhiều khi học sinh cần sự hỗ trợ ngay tức thời thì tôi lại đang trong tiết dạy. Đến lúc liên hệ lại thì cảm xúc của các em đã qua hoặc đã tự tìm cách giải quyết. Giá như có một người chuyên tâm cho công tác tư vấn thì sẽ tốt hơn”, cô Liên chia sẻ.

    Giáo dục - Tư vấn tâm lý học đường ở Tp.HCM: Thiếu nhân sự, yếu chuyên môn

    Tại Tp.HCM, công tác tư vấn tâm lý học đường vẫn thiếu nhân lực lẫn chuyên môn, kỹ năng.

    Từ năm 2015, Tp.HCM bỏ chức danh nhân viên tư vấn tâm lý học đường khiến công tác này tại các trường gặp nhiều khó khăn. Không có biên chế và vị trí công việc rõ ràng, nhiều nhân viên tư vấn học đường phải kiêm nhiệm đủ việc, khó tập trung cho chuyên môn. Ngay tên gọi cụ thể cho công việc này cũng không có. Người đảm nhận hoạt động tư vấn học đường khi thì được gọi là giáo viên, khi được gọi là nhân viên, khi được gọi là chuyên viên…

    Th.S Hứa Vĩnh An, chuyên viên tâm lý học đường Trường THPT Marie Curie, quận 3 nêu một số khó khăn khác là thiếu nguồn nhân lực cho công tác tâm lý học đường. Một số yếu tố khách quan khác như nhu cầu tự tìm đến tư vấn tâm lý của học sinh, phụ huynh không nhiều. Chuyên viên tư vấn tâm lý còn chịu ảnh hưởng từ thời khóa biểu, những mùa thi, kỳ nghỉ hè hoặc các thay đổi trong chương trình đào tạo khiến thời gian học sinh tìm đến nhờ sự hỗ trợ về mặt tâm lý khá ngắn.

    Tại quận Bình Tân, bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông cho hay: “Nhà trường bố trí 3 giáo viên kiêm nhiệm tư vấn tâm lý học đường. Các thầy cô sẽ luân phiên ca trực để tối đa thời gian hỗ trợ học sinh. Phần lớn những em “nổi loạn” đều do tác động của việc cha mẹ ly thân, ly hôn hoặc không nhận được sự quan tâm. Do đó, thầy cô thường phải chủ đồng quan sát và đề xuất hỗ trợ các em”.

    Còn Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 có 1 chuyên gia tư vấn tâm lý từ 5 năm nay nhờ sự hỗ trợ của phụ huynh. Tuy nhiên, vì không đủ kinh phí nên trường chỉ có thể hợp đồng với chuyên gia 3 buổi/tuần, thời gian còn lại phải thông qua hộp thư hoặc các dạng thức khác.

    Đầu tư kỹ năng cho người tư vấn

    Theo TS.Đinh Phương Duy – Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Tp.HCM, xã hội phát triển đã kéo theo nhiều vấn đề trong tâm lý học sinh. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý học đường còn rất mỏng.

    Một số trường đã chuẩn bị được phòng tư vấn tâm lý, chuyên viên tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản. Nhưng rất nhiều trường đang phải sử dụng giáo viên dạy những môn khác để kiêm nhiệm. Những người này có thể chưa có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để làm công tác tư vấn chuyên nghiệp.

    “Việc tư vấn cần đặc biệt thận trọng bởi nếu đưa ra lời khuyên hoặc hướng giải quyết không phù hợp thì sửa chữa sẽ rất khó, thậm chí khiến tinh thần các cháu thêm sa sút và gặp nhiều bất lợi”, TS. Đinh Phương Duy nhận định.

    Chuyên gia này đề xuất các trường có thể liên kết để ký hợp đồng với các chuyên viên tư vấn tâm lý. Ví dụ, các trường THPT trong một quận hợp tác để thuê chuyên viên lần lượt trực vào các ngày trong tuần để giảm chi phí. Đồng thời, đẩy mạnh tư vấn trực tuyến qua điện thoại, qua các nền tảng mạng xã hội để kịp thời giải quyết vấn đề cho các em.

    Ngoài ra, Trường đại học Sư phạm Tp.HCM, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Tp.HCM, Trường đại học Mở Tp.HCM… cũng đã mở ra các chương trình bồi dưỡng kỹ năng tham vấn tâm lý, các thầy cô có thể tham gia.

    Trong khi đó, TS. Nguyễn Thị Bích Hồng – cố vấn tâm lý học đường IGC Group đánh giá, vai trò của nhân viên tư vấn học đường cực kỳ quan trọng trong vấn đề sức khỏe tâm lý học đường. Vậy nhưng bà Hồng băn khoăn, năng lực của nhân viên tư vấn đang rất đáng báo động vì nhiều yếu tố như chưa có quy định chức danh, đãi ngộ thấp, năng lực hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng.

    “Có nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng đến công việc của chuyên viên tâm lý học đường hiện nay. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất thuộc về chương trình đào tạo nghề tham vấn tâm lý ở các trường đại học, vì nội dung đào tạo còn chưa phù hợp”, bà Hồng nhận xét.

    Ngoài ra, yếu tố cơ sở vật chất ở nơi làm việc thiếu yên tĩnh, thường chịu sự chi phối của các thiết bị camera, năng lực chuyên viên còn hạn chế, công tác quản lý của ban giám hiệu còn bất cập, phân công nhiều người quản lý, can thiệp sâu vào công việc của chuyên môn, chưa quy định trách nhiệm phối hợp…

    Do đó, TS. Nguyễn Thị Bích Hồng đề xuất ban giám hiệu các trường cần chỉ đạo xuyên suốt, tăng cường nhận thức, tạo sự thống nhất trong nhà trường về công tác tâm lý học đường. Cần xem đó là một nhiệm vụ chăm lo toàn diện cho học sinh trong mục tiêu giáo dục và là sự chung sức của cả trường chứ không riêng bộ phận tâm lý.

    Nhà trường cần trang bị phòng tâm lý riêng biệt với đầy đủ phương tiện, phân công duy nhất một người quản lý, xây dựng chế độ làm việc với mức lương thỏa đáng.

    Đặc biệt, các giáo viên khác cần nhận thức rõ vai trò và phối hợp với chuyên viên tâm lý, thông tin thường xuyên về các vấn đề của học sinh, phụ huynh. Bên cạnh đó, giáo viên cần tôn trọng sự tham vấn riêng tư và nguyên tắc bảo mật. Giáo viên không nên đánh giá lỗi của học sinh theo nội quy giáo dục mà mở lòng tham gia tư vấn tâm lý cho các em.

    Hỗ trợ học sinh đối mặt áp lực cuộc sống

    Ở góc độ chuyên môn, Th.S Lê Thị Minh Tâm – chi hội tâm lý Hoa Súng bày tỏ, chuyên viên tâm lý trường học tuyệt đối không “dán nhãn” vấn đề của trẻ, không đánh giá, kết luận trẻ bị lo âu, trầm cảm. Việc này, nếu có, phải do những người có chuyên môn thực hiện.

    Theo bà Tâm, nhà trường có thể quan tâm đến yếu tố phòng ngừa trầm cảm ở học sinh. Thanh thiếu niên cần được xem xét yếu tố môi trường sống và tâm sinh lý trong phòng ngừa trầm cảm.

    Do đó, ngoài việc thành lập phòng tư vấn tâm lý học đường, đảm bảo cán bộ tư vấn có chuyên môn và kinh nghiệm, nhà trường cũng phải thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện về các vấn đề như quản lý cảm xúc, ứng phó với áp lực thi cử, các kỹ năng giải quyết vấn đề trong học tập… giúp các em tự trang bị được kiến thức và kỹ năng xử lý khi đối diện với các vấn đề tiêu cực trong cuộc sống.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU