Việc tham gia lực lượng vũ trang đang được thổi phồng tại mọi trường học trên quốc gia này, nhiều “đại đội tình nguyện” với các trẻ tuổi vị thành niên được thành lập. Chương trình giảng dạy quốc gia cũng được thay đổi nhằm tập trung vào việc bảo vệ tổ quốc.
Nói một cách vắn tắt, trẻ em tại Nga đang được chuẩn bị cho chiến tranh.
Quá trình quân sự hóa trường học công tại Nga đã được đẩy mạnh kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine được triển khai, được thúc đẩy không phải từ lòng yêu nước, mà bởi chính phủ Nga.
Nhiều khoản đầu tư khổng lồ đã được rót vào quá trình này. Bộ trưởng Bộ giáo dục Sergei Kravtsov gần đây cho biết, có 10 ngàn câu lạc bộ “quân sự yêu nước” tại các trường và đại học tại Nga. Có khoảng 250 ngàn thành viên tham gia các câu lạc bộ này.
Những câu lạc bộ này là nỗ lực đa chiều, bao gồm một loạt các cải cách táo bạo đối với chương trình giảng dạy tại các trường học. Nhiều lớp học về các giá trị quân sự yêu nước trở thành bắt buộc và nhiều sách về lịch sử được cập nhật để nhấn mạnh các thành công về quân sự của Nga.
Sửa đổi sách giáo khoa
Trong tháng 8, Tổng thống Vladimir Putin đã ký kết thông qua bộ luật mang lại một chương trình học bắt buộc mới tới các trường học: “Nguyên tắc Cơ bản về An ninh và Quốc phòng Tổ quốc”.
Bộ Giáo dục đã khuyến khích các khóa học của chương trình này nên bao gồm các đợt ngoại khóa tới các đơn vị quân đội, “các sự kiện thể thao của quân đội, gặp mặt các quân nhân, cựu chiến binh” và các lớp học về máy bay không người lái.
Bộ này cũng cho biết, học sinh trung học sẽ được dạy sử dụng đạn thật “dưới sự hướng dẫn của các sĩ quan quân đội hoặc hướng dẫn viên có kinh nghiệm tại trường bắn”.
Theo một tài liệu của Bộ Giáo dục được phát hiện bởi cơ quan truyền thông độc lập của Nga Important Stories, chương trình này sẽ được thử nghiệm trong năm nay và thực hiện chính thức trong năm 2024. Chương trình được thiết kế nhằm thấm nhuần trong học sinh “sự hiểu biết và chấp thuận về hình ảnh đồng phục quân đội, các nghi lễ của quân đội và các phương pháp chiến đấu”.
Lịch sử hiện đại cũng sẽ bị viết lại. Sách giáo khoa “Lịch sử nước Nga” sẽ có hình ảnh cầu Crimea trên bìa sách và một chương dành riêng cho lịch sử cận đại của Ukraine. Một số phần có tựa “Xuyên tạc lịch sử”, “Hồi sinh chủ nghĩa Phát Xít”, “Tân Phát Xít tại Ukraine” và “Nga, quốc gia anh hùng”.
Ông Putin đã khẳng định, chiến dịch đặc biệt tại Ukraine được triển khai nhằm bảo vệ người Nga khỏi sự diệt chủng từ phía các thành phần Tân Phát Xít.
Một chương mới trong sách khẳng định, Ukraine “đã tuyên bố mong muốn có được vũ khí hạt nhân”, và “nhiều lệnh trừng phạt chưa từng có đã được áp đặt lên Nga do phương Tây mong muốn phá hoại nền kinh tế Nga”.
Các cuốn sách này được soạn thảo nhằm khơi dậy sự bức xúc của người Nga và phơi bày cuộc chiến hiện sinh giành lấy sự tồn tại của quốc gia.
Tổng thống Putin đã tự dẫn đầu chiến dịch khơi dậy lòng yêu nước tại các trường học Nga. Trong một sự kiện tại điện Kremlin tháng vừa rồi, ông đã kể cho một nhóm trẻ về là thư mà người ông của ông đã gửi cho bố ông, khi bố ông đang chiến đấu chống Phát Xít trong thời kỳ Thế Chiến II.
Theo lời kể của ông Putin, người ông của ông trong lá thư đã viết: “Hạ gục bè lũ ấy đi!”
Ông Putin kể tiếp: “Tôi đã nhận ra vì sao chúng ta thắng Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Những người có thái độ như vậy không bao giờ bị đánh bại. Chúng ta bất khả chiến bại, vào thời điểm đó cũng như hiện tại”.
Dạy trẻ em lắp súng
Một cuộc khảo sát của CNN với người dân địa phương tại Nga cho thấy, trẻ em được huấn luyện quân sự cơ bản từ 7 hoặc 8 tuổi.
Ví dụ, trong tháng 7, trẻ em tại Belgorod đã nhận được tên hiệu – một trẻ nhận được tên hiệu “Sledgehammer” (búa tạ) – và được tham gia các buổi huấn luyện và được dạy cách sử dụng súng tự động, lắp ráp súng máy và tham gia vượt chướng ngại vật.
Thống đốc Belgorod Vyacheslav Gladkov đã đề xuất thường xuyên thực hiện huấn luyện cùng với trẻ em tiểu học.
Tại Krasnodar, trong tháng 5, hàng chục trẻ nhỏ 7 tới 8 tuổi đã hành quân khi mặc đồng phục lục quân và hải quân, một số trẻ mang theo mẫu mô phỏng súng trường, trước các chức sắc Nga.
Một cuộc diễu hành tổ chức tại thành phố Vologda, một trẻ nhỏ đã chào một quan chức và phát biểu: “Thưa đồng chí chỉ huy diễu hành, cuộc diễu hành đã sẵn sàng bắt đầu. Tôi là Chỉ huy Uliana Shumelova”.
Các trường hợp tương tự đã diễn ra từ Sakhalin miền Viễn Đông Nga tới Yeysk tại ven Biển Azov. Một số trẻ em có vẻ hào hứng, một số khác choáng ngợp. Tại Yeysk, một trẻ mẫu giáo đã dẫn đầu buổi diễu hành của các binh lính bảo vệ biên giới.
Phần lớn các trẻ em tham gia các cuộc diễu hành này đều mặc quân phục, cố gắng bước đều theo. Những trẻ này thường mang theo ảnh các anh hùng quân đội Nga.
Những ý nghĩa tượng trưng của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine của Nga cũng được tôn vinh. Tại thành phố Astrakhan, trẻ mẫu giáo mặc quân phục và có xe đồ chơi có dấu chữ Z, một biểu tượng thể hiện sự ủng hộ cho chiến dịch đặc biệt tại Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga đã đẩy mạnh tuyên truyền tới các trường học thông qua chương trình Christmas Tree of Wishes, một chương trình tương tự Make-A-Wish Foundation và Bộ trưởng Sergei Shoigu cũng đã chủ động tham gia chương trình này.
Ông Shoigu đã mời một bé gái 9 tuổi có tên Daria từ Udmurt tới buổi diễu hành Ngày Chiến thắng tại Moscow vào ngày 9 tháng 5. Nhiều trẻ em khác đã tham quan các máy bay trực thăng của quân đội và Viện Bảo tàng Phòng không.
Chuẩn bị cho thế hệ mới sẵn sàng tham gia quân đội
Trẻ em tại Nga cũng được kỳ vọng sẽ cống hiến cho chiến dịch đặc biệt thông qua các phương pháp thiết thực. Đảng cầm quyền Nga Thống Nhất đã tổ chức một chương trình tại Vladivostok, cho phép trẻ em tại các trường học may quần và mũ cho các binh lính.
Tại Vladimir, trẻ em đã bắt đầu may các mũ trùm đầu cho quân đội trong các buổi học về lao động.
Học sinh tại một trường kỹ thuật tại Voronezh đã được giao nhiệm vụ chế tạo bếp di động và nến sử dụng trong chiến hào cho quân đội Nga. Các bé gái tuổi vị thành niên tại Ussuriysk được giao nhiệm vụ thêu các băng đeo đầu và cuộn băng bó cho Quân khu miền Bắc. Tại Buryatia miền Viễn Đông Nga, các bé mồ côi thêu các bùa cầu may cho các binh lính chiến đấu tại Ukraine.
Bên cạnh đó cũng có một số chiến dịch viết thư. Kênh truyền thông địa phương Chita cho biết: “Các bé năm tuổi từ các trường mẫu giáo tự tin trả lời. Trước khi dán phong bì, các bé cẩn thận tô màu hình vẽ các binh lính”.
Những hoạt động này được phát công khai trên các phương tiện truyền thông nhằm kêu gọi lòng yêu nước và ủng hộ chiến dịch tại Ukraine.
Các trẻ tuổi vị thành niên cũng được khuyến khích tham gia Hội thao Quân đội Thanh niên.
Chung kết quận của hội thao này tại vùng Orenburg vừa kết thúc. 180 vận động viên từ 14 đội – bao gồm từ các khu vực của Ukraine do Nga kiểm soát – đã tham gia các cuộc thi: ném lựu đạn, huấn luyện quân sự, vượt chướng ngại vật và tháo lắp súng Kalashnikov, sắp xếp trang thiết bị và trả lời các câu hỏi về lịch sử quân đội.
Bộ Quốc phòng cho biết, mục tiêu của các hoạt động này là nhằm “nuôi dưỡng tinh thần hỗ trợ lẫn nhau và giúp đỡ đồng đội, phẩm chất tốt về đạo đức và tâm lý, cũng như chuẩn bị cho giới trẻ có khả năng phục vụ lực lượng vũ trang Liên bang Nga”.
Quân đội cũng thường xuyên tới thăm các trường học. Trẻ em tại Buryatia kể về một binh lính bị thương tới thăm trường và kể về việc ông đã chiến đấu với lính đánh thuê của Ba Lan tại Ukraine, và cho biết người Ukraine “không muốn chiến tranh mà chỉ đang bị buộc phải chiến đấu”.
Một số giáo viên đã không mấy hào hứng về những thay đổi này đều đã bị sa thải, tuy nhiên con số chi tiết hiện không rõ. Một hiệu trưởng tại Perm đã từ chức sau khi bị chỉ trích bởi các nhà hoạt động hậu thuẫn chiến dịch tại Ukraine. Bà đã khá ngần ngại về việc tổ chức các lớp học về chiến dịch đặc biệt tại Ukraine.
Cũng rất khó để đánh giá về phản ứng của phụ huynh về những thay đổi chương trình giảng dạy theo hướng quân sự hóa này. Một số phụ huynh đã lên tiếng phản đối, nhưng phần lớn các phụ huynh đã ủng hộ chiến dịch yêu nước này, dựa theo kết quả một số cuộc khảo sát.
Cơ quan truyền thông RIA Novosti cho biết, một khảo sát cho thấy 79% phụ huynh ủng hộ chiếu các đoạn phim về cuộc xung đột cho trẻ em.
Các bình luận trên mạng xã hội cho thấy, nhiều người Nga cảm thấy quốc gia của họ bị bao vây và tẩy chay bởi các thế lực thù địch. Lựa chọn duy nhất của họ là tự vệ. Thông điệp này được lặp lại bởi các cơ quan truyền thông và tổng thống và đang được đưa vào các trường học.
Nguyễn Quang Minh (theo CNN)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/truong-hoc-tai-nga-ngay-cang-quan-su-hoa-a628084.html