Với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 sẽ diễn ra vào ngày 17/12 với sự tham dự và chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Trước thềm sự kiện, trao đổi với báo chí, ông Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá năm 2022 Việt Nam đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế xã hội.
“Dự báo chúng ta sẽ đạt được mức tăng trưởng GDP từ 8-8,2% cũng như rất nhiều những kết quả khác tương đối ấn tượng và tích cực”, ông Tuấn Anh nói.
2023 là năm nhiều khó khăn, thách thức
Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cũng cho rằng, năm 2023 sẽ là năm có rất nhiều khó khăn, thách thức với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, cả trong khu vực và quốc tế. Trước hết đó là sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế thế giới ở rất nhiều các quốc gia quốc gia lớn, các nền kinh tế lớn của thế giới và thậm chí ở nhiều nền kinh tế đã chứng kiến dấu hiệu của suy thoái.
Bên cạnh đó, những xu thế của lạm phát đang tăng nhanh cũng gây ra rất nhiều hệ lụy và tác động tới kinh tế và thương mại quốc tế.
“Chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm của tăng trưởng không chỉ kinh tế mà thương mại và đầu tư trên toàn cầu. Những vấn đề này sẽ gây ra câu chuyện tác động và hệ lụy có thể nói rất tiêu cực đến các nền kinh tế nhất là các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận.
Đối với thị trường trong nước, ông Tuấn Anh cho rằng, còn nhiều vấn đề mang tính nội tại và chưa được giải quyết. Đơn cử như sự bất ổn của thị trường bất động sản, thị trường vốn, khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng, khả năng chống chịu của nền kinh tế, năng lực tự chủ của nền kinh tế còn thấp.
“Những điều này sẽ đặt ra những nhiệm vụ rất lớn, khó khăn cho chúng ta trong năm 2023. Mà năm 2023 là năm bản lề, năm vô cùng quan trọng, để đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025, cũng như việc thực hiện các đường lối, quan điểm phát triển mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra”, ông Tuấn Anh nói.
Để góp phần thực hiện các chỉ đạo của Trung ương 6, khoá XIII liên quan đến các phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, phân tích làm rõ được nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, cũng như góp phần thực hiện các nghị quyết lớn của Đảng về kinh tế xã hội và các nghị quyết của Đảng nói chung, thì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 sẽ cùng nhận diện, thảo luận phân tích, làm rõ những kết quả, những tồn tại hạn chế trong năm 2022.
Đặc biệt, Diễn đàn sẽ là cơ sở để nhận diện rất rõ những khó khăn, thách thức và cả những cơ hội cho trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Ông Tuấn Anh nhấn mạnh, mục tiêu trọng tâm là phải phân tích làm rõ được từ những dự báo về tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế, phải dự báo được các kịch bản cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Từ đó đề ra các cơ chế, chính sách, các giải pháp để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, vượt qua các khó khăn thách thức, để đưa nền kinh tế tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong năm 2023.
4 vấn đề lớn
Ban Kinh tế Trung ương đã đặt ra 4 vấn đề lớn để thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 17/12.
Đầu tiên, theo Ban Kinh tế Trung ương là tập trung vào kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới. Đây không phải vấn đề mới, nhưng bắt buộc phải đào sâu trong năm sau.
Theo đó, các thảo luận sẽ tập trung vào việc tháo gỡ các khó khăn, đẩy mạnh triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia; khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do; đẩy nhanh chuyển đổi số; khai thác bền vững nguồn lực đất đai; khơi thông các rào cản cho phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo.
Thứ hai là phải làm lành mạnh hoá thị trường tài chính, bất động sản. Đơn cử như về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần giải quyết các vấn đề vướng mắc xung quanh, hoàn thiện các nghị định. Bên cạnh đó, cơ quan này cho rằng cần xem xét cách tiếp cận chung với các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu để vừa đảm bảo thượng tôn pháp luật, vừa giữ được tính thanh khoản thị trường, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền.
Thứ ba là tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn đầu tư công và nút thắt về vốn cho doanh nghiệp. Theo Ban Kinh tế Trung ương, đầu tư công tiếp tục được xem là một động lực cho phát triển nền kinh tế mà nếu đột phá được việc giải ngân, Việt Nam sẽ không chỉ giải quyết được bài toán dài hạn về hạ tầng, nhân lực, công nghệ, mà còn xử lý được vấn đề ngay trước mắt là mất cân đối trong thị trường tiền tệ.
Cuối cùng là vấn đề lao động việc làm. Cuối năm nay, tình trạng thất nghiệp, mất việc diễn ra mạnh, tập trung với nhóm lao động trong ngành sản xuất. Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hơn 41.000 công nhân trong ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, thuỷ sản, gia công linh kiện điện tử… đã mất việc.
Theo Ban Kinh tế Trung ương, khác với thị trường hàng hoá, đầu tư, dễ dàng chuyển đổi từ ngành này sang ngành khác, thị trường lao động sẽ cần rất nhiều thời gian vì kỹ năng của người lao động không thể thay đổi một sớm một chiều. Việc chuyển dịch, hệ quả sau đó, là thiếu lao động cục bộ mà nếu xử lý không tốt sẽ tạo thành tâm lý e ngại với các nhà đầu tư.
Do đó, năm 2023 là thời điểm Việt Nam cần giải được bài toán phát triển thị trường lao động bền vững, đảm bảo an sinh, phúc lợi cho người lao động, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/truong-ban-kinh-te-tw-2023-la-nam-ban-le-nam-vo-cung-quan-trong-a585672.html