Nhận lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 5/4 đến ngày 7/4. Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần thứ ba của Tổng thống Macron và là chuyến thăm đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của nhà lãnh đạo Pháp.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Nouvelles d’Europe, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lu Shaye (Lư Sa Dã) lưu ý rằng chuyến thăm này đã gửi “một tín hiệu tích cực đến thế giới bên ngoài rằng hai nước đang hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực và cùng nhau ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu, tạo ra động lực mới cho sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Pháp và Trung Quốc-EU trong kỷ nguyên mới”.
“Chuyến thăm của Tổng thống Macron được cho là sẽ trở thành động lực quan trọng để khởi động lại quan hệ Trung Quốc-Pháp trong thời kỳ hậu đại dịch và tạo ra một mô hình mới cho sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-Pháp”, Đại sứ Lu cho biết.
Máy bay chở Tổng thống Pháp dự kiến sẽ hạ cánh ở Bắc Kinh vào khoảng 3h30 chiều giờ địa phương (2h30 chiều giờ Hà Nội) ngày 5/4. Trong chuyến thăm kéo dài ba ngày, ông Macron sẽ có nhiều thời gian gặp mặt trực tiếp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Sau các cuộc gặp chính thức tại Bắc Kinh vào ngày 6/4, với sự tham gia của cả Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, ông Macron và ông Tập sẽ tới thành phố Quảng Châu ở miền Nam đất nước.
Việc gặp một nhà lãnh đạo thế giới tại một địa điểm thứ hai bên ngoài thủ đô Bắc Kinh là rất hiếm đối với ông Tập, người thường dành vinh dự đó cho những người bạn thân thiết như Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ví dụ, năm 2018, ông tập và ông Putin đã đi tàu cao tốc đến Thiên Tân và xem một trận đấu khúc côn cầu với nhau.
Các quan chức Pháp cho biết, họ đã cảm nhận được sự nồng nhiệt đặc biệt từ những người đồng cấp Trung Quốc trước chuyến đi, và công tác chuẩn bị cho chuyến thăm lần này diễn ra suôn sẻ và thân thiện hơn so với các chuyến thăm trước đây của ông Macron.
Với việc bà Angela Merkel không còn giữ chức Thủ tướng Đức, ông Tập Cận Bình giờ đây coi ông Macron là người có thể thúc đẩy EU hướng tới một lập trường ôn hòa hơn đối với Trung Quốc.
Ngoài việc có tiếng nói có ảnh hưởng trong các đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Pháp còn là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) – và đặc biệt là ông Macron đã tìm cách đối thoại với ông Putin để tìm ra giải pháp ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine.
“Từ quan điểm của Trung Quốc, chắc chắn ông Macron là chính trị gia quan trọng nhất ở châu Âu”, ông Joerg Wuttke, người đứng đầu Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc, cho biết.
Với việc quan hệ Mỹ-Trung đang trong tình trạng khó khăn, Bắc Kinh đang tìm cách ngăn cản châu Âu bắt tay với Washington kiểm soát xuất khẩu các công nghệ then chốt có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ngoài ra, EU – bao gồm cả Đức và Pháp – đang tìm cách cân bằng mong muốn hợp tác với Trung Quốc về thương mại và đầu tư trong khi vẫn khẳng định những gì họ cho là giá trị cốt lõi của châu Âu, bao gồm tôn trọng nhân quyền và chủ quyền lãnh thổ ở những nơi như Ukraine.
Ông Macron, người lên nắm quyền vào năm 2017, đã làm việc với bà Merkel để đàm phán Hiệp định Toàn diện về Đầu tư (CAI), một hiệp định giữa Trung Quốc và EU nhằm đưa quan hệ kinh tế giữa hai bên lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, nó đã bị gác lại vào năm 2021 do mâu thuẫn về các biện pháp trừng phạt, và giờ đây dường như đã chết.
“Giờ đây, bà Merkel đã nghỉ hưu, chỉ còn lại ông Macron, người biết rõ mọi thông tin cơ bản”, ông Henry Wang Huiyao, người sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho biết. “Ông ấy đang có vị thế tốt hơn để thúc đẩy quan hệ EU-Trung Quốc và quan hệ Pháp-Trung Quốc”.
Tháp tùng Tổng thống Pháp tới Bắc Kinh và Quảng Châu lần này là phái đoàn hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu, với những cái tên nổi tiếng như công ty điện lực Electricite de France (EDF) SA, nhà sản xuất xe lửa Alstom SA, công ty quản lý nước và rác thải Veolia Environnement SA, và đặc biệt là Airbus SE.
“Gã khổng lồ” sản xuất máy bay châu Âu đang đàm phán để đi đến ký kết một hợp đồng bán máy bay phản lực thân rộng trị giá hàng tỷ USD cho Trung Quốc ngay trong tuần này, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Global Times)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/trung-quoc-muon-gi-tu-chuyen-tham-cua-tong-thong-phap-macron-a601494.html