Hôm 25/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko đã có cuộc hội đàm tại Bắc Kinh sau cuộc binh biến của nhóm lính đánh thuê Wagner, thách thức nghiêm trọng nhất đối với quyền lực của Tổng thống Vladimir Putin kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2000.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, ông Rudenko đã trao đổi quan điểm với Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương về quan hệ Trung – Nga, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
“Là một nước láng giềng thân thiện và đối tác chiến lược toàn diện trong kỷ nguyên mới, Trung Quốc hỗ trợ Nga trong việc duy trì ổn định quốc gia và đạt được sự phát triển và thịnh vượng”, Bộ này cho biết, không đề cập rõ ràng đến cá nhân ông Putin.
Trung Quốc ban đầu không đưa ra bình luận nào về cuộc nổi loạn mà ông Putin cho rằng đe dọa đến sự tồn tại của Nga. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao nước này sau đó đã đưa ra một tuyên bố, nói rằng sự cố Tập đoàn Wagner là “vấn đề nội bộ” của Nga.
Bộ này cũng công bố cuộc gặp thứ hai của ông Rudenko với Thứ trưởng Mã Triêu Húc, trong đó hai bên đã tái khẳng định rằng quan hệ Nga – Trung đang “ở trong thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử”. Họ không đề cập đến bất kỳ cuộc thảo luận nào về cuộc nổi dậy ở Nga.
Không rõ ông Rudenko đến Bắc Kinh khi nào, hay liệu chuyến thăm của ông tới Trung Quốc, một đồng minh chủ chốt của Nga, có phải là để đáp trả cuộc nổi dậy rõ ràng do thủ lĩnh lính đánh thuê Yevgeny Prigozhin lãnh đạo hay không.
Cuộc binh biến đã bị hủy bỏ hôm 24/6, sau khi một thỏa thuận được ký kết giúp những người lính đánh thuê của Wagner không phải đối mặt với cáo buộc hình sự. Đổi lại, ông trùm Prigozhin sẽ lệnh cho các chiến binh trở lại căn cứ và chuyển đến Belarus.
Tờ Global Times hôm 24/6 cho biết, việc thổi phồng “cuộc binh biến” của Prigozhin, tạo ra ảo tưởng về một nước Nga có nhiều mâu thuẫn nội bộ là cuộc tấn công mới nhất của truyền thông phương Tây, và là một nỗ lực nhằm làm suy yếu sự đoàn kết xã hội Nga.
Trong một chương trình truyền hình toàn quốc phát sóng hôm 24/6, ông Putin đã nói về “sự phản bội” khi các thành viên dân quân trung thành với người đứng đầu Tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin tiến về phía bắc tới Moscow.
Theo Điện Kremlin, trong thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc nổi dậy vào cuối ngày 25/6, Tổng thống Nga đảm bảo rằng Prigozhin sẽ được phép sang Belarus và chính quyền Nga sẽ hủy bỏ các cáo buộc hình sự về tội nổi loạn đối với ông và các chiến binh.
“Phía Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với những nỗ lực của giới lãnh đạo Nga nhằm ổn định tình hình trong nước liên quan đến các sự kiện ngày 24/6 và tái khẳng định mối quan tâm của họ trong việc tăng cường sự gắn kết và thịnh vượng hơn nữa của Nga”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố trên trang web của mình.
Nguyễn Tuyết (Theo The Guardian, Financial Times, Bloomberg)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/trung-quoc-cuoc-noi-day-cua-wagner-la-van-de-noi-bo-cua-nga-a614255.html