Ngày 8/1, Trung Quốc mở cửa, đánh dấu sự trở lại được mong đợi từ rất lâu và tác động trực tiếp nhất là đối với ngành du lịch có quy mô không hề nhỏ của ASEAN.
Ngành du lịch Thái Lan hưởng lợi
Sau khi Trung Quốc quyết định dỡ bỏ tất cả các hạn chế kiểm dịch, Tổng cục Du lịch Thái Lan dự báo sẽ có ít nhất 5 triệu khách du lịch Trung Quốc quay trở lại, nâng tổng dự báo lượng khách du lịch của nước này lên 25 triệu vào năm 2023.
HSBC ước tính, nếu khách du lịch Trung Quốc trở lại mức trước đại dịch và chi hết tiền cho hàng hóa sản xuất trong nước, thì Thái Lan có thể đóng góp tối đa 1,8 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP, một sự thúc đẩy mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Theo biểu đồ, chỉ riêng du khách Trung Quốc đại lục đã chiếm một tỷ trọng lớn trong hoạt động du lịch ở hầu hết các nước ASEAN, đặc biệt là ở Thái Lan và Việt Nam, với mức 30% của tổng lượng khách du lịch tới mỗi quốc gia trong thời kỳ bình thường.
Trong khi Thái Lan và Việt Nam bị thâm hụt tài khoản vãng lai đáng kể do doanh thu du lịch sụt giảm, thì Indonesia và Malaysia đã được hưởng lợi rất nhiều từ giá hàng hóa toàn cầu cao. Doanh thu từ khách du lịch nhiều hơn sẽ cung cấp thêm ngoại hối và giảm thâm hụt dịch vụ cho Việt Nam, mặc dù HSBC kỳ vọng chỉ có một sự phục hồi nhẹ vào năm 2023.
Cú hích từ thương mại
Từ năm 2020, ASEAN đã vượt EU trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Tỉ trọng của Trung Quốc trong xuất khẩu từ ASEAN đã tăng mạnh trong 15 năm qua, trở thành điểm đến xuất khẩu lớn nhất của hầu hết các nền kinh tế trong khu vực. Tuy nhiện, bất chấp suy thoái toàn cầu, việc siết chặt nguồn cung và việc mở cửa trở lại của Trung Quốc có thể sẽ khiến giá tài nguyên, khoáng sản tăng cao vào năm 2023.
Trong lĩnh vực nông nghiệp truyền thống, Thái Lan và Philippines có thể sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu đang bùng nổ của Trung Quốc vào năm 2023, do gần 20% kim ngạch xuất khẩu phi điện tử của Philippines là sang Trung Quốc. Việt Nam cũng sẽ là một quốc gia hưởng lợi mặc dù ở mức độ thấp hơn, khi hàng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không còn phải trải qua việc kiểm tra COVID-19 nghiêm ngặt.
Mặc dù sự phục hồi trong tăng trưởng của Trung Quốc có thể “trải thảm” cho sản xuất toàn cầu, nhưng không có khả năng đảo ngược chu kỳ thương mại vốn đang “hạ nhiệt”.
Lực cản đến từ việc xuất khẩu hàng điện tử suy yếu, khiến Singapore và Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng. Tại Singapore, xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ chất bán dẫn (NODX) trong tháng 11 đã giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm trước. Các lô hàng điện thoại và máy tính của Việt Nam giảm gần 30% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, Malaysia vẫn duy trì vững vàng về hàng điện tử xuất đi, dù chu kỳ đang hạ nhiệt. Sự vững vàng này một phần đến từ vị trí đặc biệt của Malaysia trong vai trò nước sản xuất lớn chip ô tô và thị phần đáng kể của nước này trong một số sản phẩm bán dẫn.
Triển vọng FDI tích cực
Bất chấp những khó khăn về thương mại trước mắt, triển vọng FDI tích cực tiếp tục mang lại cái nhìn lạc quan cho triển vọng thương mại của ASEAN. Sản xuất tiếp tục là “xương sống” của FDI vào ASEAN, một lĩnh vực mà Trung Quốc đã bắt kịp với các quốc gia châu Á khác trong những năm gần đây.
Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia dẫn đầu tiếp cận lĩnh vực sản xuất của ASEAN. Trong đó, Nhật Bản đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan còn Hàn Quốc thành công trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm chính sản xuất điện thoại thông minh của họ trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, Goertek và Luxshare, hai trong số ba nhà cung cấp chính của Apple (ngoài Foxconn của Đài Loan), đã rót thêm vốn trị giá lần lượt là 400 triệu USD và 306 triệu USD để mở rộng sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng và đa phương tiện.
Đầu tư của Trung Quốc đóng vai trò then chốt trong việc tạo điều kiện cho sự bùng nổ của nhà máy luyện niken ở Indonesia, nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất pin xe điện (EV).
Gần đây, hai công ty Trung Quốc, WuXi Biologics và WuXi AppTec, đã công bố khoản đầu tư 4 tỷ SGD tại Singapore vào sản xuất dược phẩm. Philippines với tư cách là một nền kinh tế định hướng nội địa cũng sẽ được hưởng lợi từ việc mở cửa trở lại của Trung Quốc nhưng không ở mức độ tương tự. Thay vào đó, các dự án FDI gần đây từ Trung Quốc là trong lĩnh vực kim loại.
Bức tranh lạm phát còn mờ mịt
Từ quý IV/2022, lạm phát toàn phần ở hầu hết các nước ASEAN đã bắt đầu có dấu hiệu đảo ngược tình thế. Thái Lan là nước đầu tiên chứng kiến lạm phát toàn phần đạt đỉnh do giá dầu toàn cầu hạ nhiệt. Mặc dù có một đợt tăng nhẹ vào tháng 12, chủ yếu là do hiệu ứng cơ sở, nhưng xu hướng này sẽ duy trì trong năm 2023.
Singapore là nước có mức lạm phát tăng cao nhiều nhất khi lạm phát toàn phần đã vượt qua mức đỉnh trong tháng 9. HSBC cho rằng giá sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là khi Singapore triển khai giai đoạn đầu tiên tăng thuế suất hàng hóa và dịch vụ (GST), từ 7% lên 8%, kể từ ngày 1/1.
Tại Việt Nam, các chỉ số lạm phát gần đây liên tục vượt ngưỡng 4%, phản ánh đà lạm phát đang gia tăng. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với áp lực lạm phát mạnh mẽ hơn, báo hiệu việc NHNN tiếp tục tăng lãi suất. HSBC kỳ vọng NHNN Việt Nam sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ sở trong cả Quý I/2023 và Quý II/2023, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 7,0% vào giữa năm 2023.
Bên cạnh đó, Philippines đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi lạm phát lương thực, đẩy lạm phát tháng 12 của nước này lên mức cao nhất trong ASEAN. Điểm sáng ở đây là HSBC tin rằng lạm phát đã chạm đỉnh vào tháng 12.
HSBC dự báo ASEAN sẽ chứng kiến mức tăng trưởng giảm nhẹ vào năm 2023, ngoại trừ Thái Lan, quốc gia sẽ được hưởng lợi chính từ cú hích trong du lịch. Điều này sẽ có tác động lớn tới thời điểm các ngân hàng trung ương sẽ ngừng chu kỳ thắt chặt hiện tại.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/trien-vong-2023-trung-quoc-mo-cua-tro-lai-tac-dong-tich-cuc-den-asean-a590489.html