noel giáng sinh vui vẻ
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngDoanh nghiệpTrái chiều kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp công nghệ, viễn...

    Trái chiều kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp công nghệ, viễn thông

    Quý I/2023 các công ty công nghệ, viễn thông ghi nhận hoạt động khả quan hơn các nhóm ngành khác, tuy nhiên kết quả kinh doanh lại bộc lộ những thái cực khác nhau.

    Quý đầu năm 2023, nhóm doanh nghiệp liên quan đến công nghệ – viễn thông, cung cấp thiết bị công nghệ phần mềm và tích hợp hệ thống ghi nhận hoạt động khả quan nhờ xu thế chuyển đổi số mạnh trong doanh nghiệp, Chính phủ.

    Ngoài ra, kế hoạch triển khai 5G tại Việt Nam cũng giúp các doanh nghiệp ngành viễn thông phát triển, nhất là các doanh nghiệp lắp đặt, bảo trì hệ thống và chuyển đổi hạ tầng giữa các nhà mạng do nhu cầu tăng cao.

    Cùng với đó, sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, xu hướng tiêu dùng thay đổi đã tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng hơn, trong đó chuyển đổi số ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ được xem là xu hướng tất yếu.

    Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), triển vọng tăng trưởng của ngành công nghệ thông tin vẫn tốt hơn đa số các nhóm ngành khác trên sàn giao dịch trong năm nay.

    VDSC cho rằng các công ty công nghệ của Việt Nam có tỉ trọng doanh thu từ thị trường châu Á cao hơn đáng kể, với Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là hai thị trường trọng điểm, so với các đối thủ từ Ấn Độ vốn có mức độ tập trung khá cao cho các doanh nghiệp ở Mỹ và châu Âu.

    Theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), ngành công nghệ thông tin Việt Nam đang đứng trước thời cơ rất lớn cả trong nước và quốc tế. Thị trường quốc tế cũng đang mở ra những cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin. 

    Hái quả ngọt từ thị trường nước ngoài

    Đứng đầu là “ông lớn” công nghệ Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) với doanh thu thuần đạt 11.681 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.809,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Kết quả tăng trưởng của FPT trong quý I nhờ khối công nghệ và khối viễn thông. Trong đó, khối công nghệ tiếp tục giữ vai trò chủ chốt khi đóng góp 59% doanh thu và 43% lợi nhuận trước thuế của tập đoàn.

    Trong quý I, doanh thu khối công nghệ đạt 6.843 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 906 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 21,3% và 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Về khối Viễn thông, doanh thu tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.790 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 3,2%, đạt 724 tỷ đồng.

    Doanh nghiệp cho biết các thị trường trọng điểm đều giữ được đà tăng trưởng cao, đặc biệt là thị trường Nhật Bản tăng 31,2% so với cùng kỳ. Châu Á – Thái Bình Dương tăng 65,7% nhờ vào nhu cầu chuyển đổi số tăng cao. Doanh thu chuyển đổi số của tập đoàn đạt 2.103 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ.

    Tương tự, thành viên của “anh cả” trong làng công nghệ (Viettel) là Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, UPCoM: VGI) tăng trưởng 2 chữ số với doanh thu thuần đạt hơn 6.481 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Đây là quý thứ 3 liên tiếp Viettel Global ghi nhận doanh thu đạt trên 6.000 tỷ đồng.

    Về cơ cấu doanh thu theo thị trường, thị trường châu Phi tăng 29% lên 3.026 tỷ đồng; thị trường Đông Nam Á tăng 19% lên 2.800 tỷ đồng và thị trường Mỹ La-tinh đạt 660 tỷ đồng.

    Tuy nhiên trong kỳ các chi phí tăng cao trong khi doanh thu tài chính giảm 12% xuống còn hơn 607 tỷ đồng. Kết quả, lãi sau thuế của Viettel Global giảm 58% so với cùng kỳ xuống 595 tỷ đồng.

    Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, kết quả lợi nhuận đi lùi do Viettel Global tiếp tục thận trọng trích lập dự phòng đối với Công ty Viettel Myanmar và ảnh hưởng một phần bởi lỗ chênh lệch tỉ giá tại công ty mẹ.

    Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (CMC Corp – HoSE: CMG) ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.831 tỷ đồng trong quý I/2023, tăng 3% so với kết quả đạt được cùng kỳ. Do mức tăng của giá vốn chậm hơn mức tăng của doanh thu nên biên lãi gộp được cải thiện từ 18,6% lên 20,3% ở kỳ này; lãi gộp ghi nhận hơn 372,6 tỷ đồng.

    Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng 30% so với cùng kỳ lên 36,7 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí tài chính cũng tăng gần gấp đôi lên 35,7 tỷ đồng. Kết quả, CMC báo lãi sau thuế hơn 52,2 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.

    Kết quả kém sáng

    Trái ngược với hai doanh nghiệp trên, một số doanh nghiệp công nghệ có một quý đáng quên vì kết quả kinh doanh sụt giảm. Trong đó, Công ty Cổ phần Công nghệ – Viễn thông Elcom (HoSE: ELC) ghi nhận doanh thu thuần gần 86 tỷ đồng, giảm 59% so với kết quả đạt được cùng kỳ.

    Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm 82% so với cùng kỳ xuống 1,3 tỷ đồng ở quý này. Trong khi đó chi phí tài chính tăng gấp đôi lên 225 triệu đồng, chi phí bán hàng và quản lý tăng 40% lên 25,5 tỷ đồng.

    Kết quả, Elcom báo lãi sau thuế gần 3,4 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ. Phía doanh nghiệp cho biết, do một số dự án lớn khách hàng không kịp giải phóng mặt bằng, chậm giải ngân nguồn vốn, chậm các thủ tục đấu thầu dẫn đến quá trình triển khai các dự án bị chậm khiến doanh thu và lợi nhuận giảm so với cùng kỳ.

    Cùng hoàn cảnh, Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel – HoSE: SGT) có kết quả kinh doanh kém sáng khi báo lợi nhuận “bốc hơi” 99% trong quý I/2023.

    Cụ thể, Saigontel ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 93,4 tỷ đồng, giảm sâu so với mức gần 411 tỷ đồng cùng kỳ ghi nhận. Saigontel ghi nhận lãi gộp giảm 82% về còn gần 42 tỷ đồng.

    Bên cạnh đó, lãi từ công ty liên doanh, liên kết của doanh nghiệp giảm 47% về còn 1,7 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý của doanh nghiệp tăng 25% lên 25,2 tỷ đồng.

    Kết quả, Saigontel ghi nhận lãi sau thuế giảm 99% về còn 5,7 tỷ đồng. Dù giảm sâu so với cùng kỳ nhưng đây cũng là quý có lãi trở lại của doanh nghiệp so với khoản lỗ hơn 26 tỷ đồng hồi quý IV/2022.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU