Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức buổi chuyên đề môn Toán nằm mục đích đánh giá năng lực phát triển của học sinh trong bài dạy khi triển khai Chương trình GDPT 2018. Bài giảng được lựa chọn để các thầy cô trao đổi chuyên môn liên quan đến nội dung ôn tập về phương trình đường tròn, Toán 10 bộ sách Cánh diều.
Thông qua buổi chuyên đề này, sẽ giúp cho giáo viên có được các phương pháp để đánh giá, kiểm tra kiến thức, năng lực học sinh.
Nhấn mạnh vai trò của buổi chuyên đề, ông Lê Hồng Vũ, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết vệc triển khai chương trình GDPT 2018 hiện nay còn nhiều bỡ ngỡ. Chương trình mới có nhiều ưu việt nhưng cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức. Đối với giáo viên đó là việc chuyển đổi từ truyền đạt kiến thức, nội dung sang phát triển năng lực, kỹ năng cho học sinh.
“Việc tổ chức dạy học như thế nào là phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh cần phải làm rõ bởi nếu kiến thức không có thì làm gì có kỹ năng. Để làm được cần có quá trình dài, có rất nhiều cách thức thực hiện Chương trình GDPT 2018 nhưng thông qua những buổi chuyên đề giáo viên có thể tham khảo một số cách để áp dụng cho bài giảng của mình”, ông Vũ bày tỏ.
Là người trực tiếp tham gia giảng dạy, thầy Nguyễn Văn Hoàng, Giáo viên dạy Toán, Trường THPT Tây Hồ cũng cho rằng ưu điểm của chương trình mới là các con được chủ động tiếp thu kiến thức, phát triển khả năng của học sinh.
Tuy nhiên, với người dạy phải cố gắng rất nhiều, “những tranh luận, tình huống xảy ra trong tiết học đòi hỏi giáo viên luôn phải vận động bản thân tiếp cận cái mới. Để có được tiết dạy như hôm nay bản thân thầy cô sẽ phải chuẩn bị nhiều thứ từ kiến thức đến những phiếu luyện tập theo từng khả năng của học sinh. Sau tiết học muốn các con tiến bộ hơn phải tìm hiểu, chấm điểm để giúp các con phát triển”, thầy Hoàng cho biết.
Ở đây thầy giáo cũng lưu ý rằng, cách thức đánh giá, kiểm tra học sinh hiện nay đã hoàn toàn thay đổi, lên bảng hoặc làm bài kiểm tra đã được thay thế bằng việc kiểm tra cá nhân, đánh giá tập thể, hoạt động nhóm.
Để có cái nhìn toàn diện, buổi chuyên đề cũng có sự tham gia của GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên môn Toán bộ sách Cánh diều. Thầy Thái cho biết: “Thầy giáo đã rất sáng tạo trong việc sử dụng các kỹ thuật dạy học, nhờ những giải pháp đó đã động viên và thực sự lôi cuốn học sinh tham gia học tập trong suốt giờ học. Đó là tiền đề căn cốt để thực hành và phát triển năng lực cho học sinh”.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhận định một giờ học có được thực hiện tốt đến mấy vẫn sẽ có vấn đề để buộc chúng ta phải cải tiến. “Đối với một người biên soạn sách giáo khoa như chúng tôi dự một giờ học thực tế như vậy rất bổ ích. Giúp chúng tôi cơ hội để nhìn thấy cuốn sách giáo khoa của mình trong thực tiễn được sử dụng, triển khai như thế nào từ đó điều chỉnh việc viết sách trong những năm học tiếp theo”, thầy Thái chia sẻ.
Trên thực tế, để Chương trình GDPT 2018 mang lại hiệu quả, rất cần sự phối hợp giữa người quản lý và thầy cô làm công tác chuyên môn, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ: “Sau khi dạy chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên có rất nhiều băn khoăn, đây là dịp trao đổi chuyên môn, công việc và cũng thúc đẩy giáo viên vượt qua khó khăn có những bài giảng mới”.
Trong quá trình triển khai, nhà trường đã tổ chức định kỳ các buổi trao đổi chuyên môn với giáo viên để tìm ra những vướng mắc và thay đổi cho phù hợp. Những hoạt động như vậy sẽ giúp ích việc hoàn thiện nội dung chương trình mới.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tra-bai-cu-khong-con-la-cach-danh-gia-kiem-tra-hoc-sinh-a597352.html