Nguồn vốn “chảy vào” sản xuất kinh doanh
Giữa tháng 9/2023, ghi nhận của Người Đưa Tin cho thấy hoạt động sản xuất tại nhiều doanh nghiệp tại Tp.HCM đã tích cực hơn trước. Với ngành dệt may, theo các doanh nghiệp đơn hàng đã rục rịch trở lại.
Đơn cử Công ty TNHH May mặc Dony gần đây xuất khẩu thành công các lô hàng đi Trung Đông, Singapore và tiếp tục nhận được đơn đặt hàng mới. Đây là nỗ lực thay đổi chiến lược của doanh nghiệp này trong việc mở rộng sản phẩm để khai thác thị trường mới, thay vì chỉ tập trung vào thị trường truyền thống lâu nay.
“Gần đây chúng tôi đã mở rộng sang thị trường sát chúng ta trong Đông Nam Á. Dù có biên độ cạnh tranh cao nhưng vẫn có thể làm được nhờ thuận lợi về logistics”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony cho biết.
Còn với Công ty TNHH Kẻ Gỗ, doanh nghiệp xoay sở tìm kiếm thị trường mới, đổi mới trong sản phẩm khi các thị trường lớn giảm sâu. Doanh nghiệp này từ sản xuất gỗ ván ép đã chuyển sang sản xuất dao, thìa, nĩa gỗ.
Ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho biết: “Nếu không có sự chuẩn bị này, đổi mới trong sản phẩm, thị trường thì khi biến động thị trường xảy ra, doanh nghiệp khó phản ứng kịp”.
Trong khi đó, Công ty TNHH Gia Nhiên chuyên sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ gần đây nhận được đơn hàng từ đối tác nước ngoài.
“Đây được xem là một tín hiệu tích cực về thị trường sau chuỗi ngày dài không có đơn hàng sản xuất mới. Kết quả này là do doanh nghiệp chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí cao để quảng cáo trên các nền tảng thương mại điện tử và công ty “năng” tham gia các hội chợ quốc tế”, ông Trần Hữu Hoài, Giám đốc Công ty TNHH Gia Nhiên chia sẻ.
Đối với lĩnh vực xuất khẩu, đơn hàng của một số ngành đang quay lại sau nhiều tháng sụt giảm mạnh. Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ – Chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA), nhiều doanh nghiệp hội viên đã bắt đầu có đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội ngoại thất cuối năm của thị trường thế giới.
“Tuy lượng đơn hàng chưa nhiều như kỳ vọng, nhưng đây là những tín hiệu khả quan để ngành đỗ gỗ có thể hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu”, ông Khanh nhận định.
Hay ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp.HCM cũng thông tin, thời gian qua các doanh nghiệp nỗ lực duy trì hoạt động để có việc làm cho người lao động, giữ chân khách hàng. Từ quý 3, tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp bắt đầu có dấu hiệu cải thiện.
Tăng tốc để về đích đúng mục tiêu
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa, Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM cho rằng, nền kinh tế đang có sự chuyển động. Nhìn vào số lượng doanh nghiệp mới thành lập, quay lại hoạt động có thể thấy sự chuyển đổi, tái cấu trúc của bản thân các doanh nghiệp.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng ở các ngành như giáo dục và đào tạo, y tế, dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc, thiết bị, bán buôn, sửa chữa ô tô. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới giảm, giải thể tăng nằm ở những lĩnh vực đang khó khăn như bất động sản, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất phân phối…
Theo ông Nghĩa, các doanh nghiệp đang có những phương án ngắn hạn để duy trì hoạt động, từng bước phục hồi bằng những điều chỉnh chi phí, có những hợp đồng, hướng tập trung vào thị trường nội địa.
“Có khả năng Chính phủ sẽ tiếp tục các công cụ chính sách kích cầu, giảm thuế VAT, gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp, điều chỉnh tín dụng… Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn phải chủ động, linh hoạt, đổi mới sáng tạo để tiết kiệm chi phí, đáp ứng yêu cầu thị trường”, ông Nghĩa chia sẻ
Phát biểu tại phiên họp kinh tế xã hội vào đầu tháng 9/2023, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp.HCM cho rằng, đúng như nhận định của nhiều chuyên gia, kinh tế Tp.HCM đã thoát đáy nhưng phía trước vẫn sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức do biến động kinh tế thế giới nên đòi hỏi các giải pháp phải đồng bộ, chủ động và linh hoạt hơn.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM nhìn nhận, tùy thuộc vào diễn biến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sự nỗ lực và hiệu quả thực thi công vụ của Tp.HCM mà diễn ra kịch bản tăng trưởng kinh tế của Tp.HCM năm 2023. Trong đó, kịch bản đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5% cả năm 2023 là một thách thức lớn trong các tháng còn lại.
Trước tình hình này, Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM cũng đưa ra nhiều giải pháp. Trước kết, việc triển khai Nghị quyết 98 cần ưu tiên các dự án cho vay kích cầu; dự án hạ tầng giao thông thông, vấn đề đường sắt đô thị, nhà ở cho người thu nhập thấp. Đồng thời, cần xây dựng chiến lược truyền thông về Nghị quyết 98 để tạo cơ hội thu hút nhà đầu tư chiến lược và nâng tầm thương hiệu Tp.HCM.
Đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, Tp.HCM sẽ tập trung khai thác trường nội địa bằng giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua chương trình khuyến mãi, bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng thông qua các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, du lịch…nhằm iên kết giữa kích cầu thương mại và kích cầu du lịch, liên kết giữa các ngành để tạo sức mạnh bền vững.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT Tp.HCM, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 6,6%; số doanh nghiệp thành lập mới là 25.523 doanh nghiệp tăng 11,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng 7,3% so với cùng kỳ.
Trong 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 2,8% so với cùng kỳ, đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,0%.
Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%; tổng doanh thu du lịch tăng 44,3%. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 113,72 triệu tấn, tăng 3,85% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm của Tp.HCM có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công dù có mức tăng so với tháng trước nhưng chưa đảm bảo tiến độ giải ngân theo quy định, chỉ mới đạt 28% kế hoạch vốn được giao, đạt 19.133 tỷ đồng.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tphcm-kinh-te-phuc-hoi-tich-cuc-cho-doi-but-pha-cuoi-nam-a625896.html