Ngày 7/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi khảo sát về việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập trên địa bàn Tp.HCM giai đoạn 1/1/2020 đến 30/6/2022 và góp ý dự thảo Luật đấu thầu, Luật khám chữa bệnh (sửa đổi).
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bệnh viện đã thẳng thắn góp ý, nêu quan điểm của mình về công tác đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế…
Vì sao Tp.HCM thiếu thuốc triền miên?
Tại cuộc họp, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, ngành y tế chưa hồi phục hoàn toàn, đối diện nhiều thách thức. Nhất là biến động nhân viên y tế tại bệnh viện công lập, cần có cơ sở pháp luật củng cố vấn đề này. Đối với xã hội hóa y tế, ngành đã bàn nhiều, nhưng chưa hiệu quả.
“Đây là vấn đề ngành y tế bàn rất nhiều. Nếu không có sự đóng góp xã hội thì khó. Ngành y tế lấy hình ảnh chiếc máy bay, trên đây có người giàu, người nghèo. Chứ nếu người nghèo ngồi ở máy bay cũ, người giàu ngồi máy bay mới thì không ổn. Xã hội hóa là người giàu và nghèo đều ngồi trên máy bay hiện đại”, ông Thượng chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo ông Thượng, hiện Thành phố này khuyến khích tư nhân xây dựng nhiều bệnh viện tư để đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời thu hút đầu tư của tư nhân trong hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM cho biết, tình hình biến động về sử dụng thuốc, khó dự đoán cho các cơ sở y tế và cơ sở kinh doanh dược, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, các cơ sở y tế chưa xác định được tiến độ mua sắm thuốc trong năm.
Trong khi đó, việc sản xuất của các doanh nghiệp cũng cần phải có dự trù để lập kế hoạch sản xuất. Do đó, dẫn đến khả năng sản xuất thuốc không kịp đáp ứng nhu cầu và có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ, nhất là đối với các thuốc nhập khẩu.
Ngoài ra, ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho rằng, trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc nhiều thuốc không lựa chọn được nhà thầu trong quá trình đấu thầu rộng rãi, các đơn vị phải áp dụng nhiều hình thức lựa chọn nhà thầu khác nhau để cung ứng thuốc.
Bên cạnh đó, do biến động trong cung ứng, số lượng các gói thầu cần được thực hiện bổ sung để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tăng nhiều, khối lượng công việc dành cho công tác đấu thầu mua sắm thuốc càng lớn.
Đặc biệt, tại tuyến y tế cơ sở, nhất là trạm y tế cũng gặp khó khăn do việc mua sắm riêng lẻ với số lượng ít nên ít có nhà thầu quan tâm.
Phó Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, đơn vị đã thực hiện các biện pháp nhằm nắm bắt nhanh tình hình thiếu thuốc trên địa bàn như xây dựng phần mềm báo cáo thiếu thuốc, thành lập Tổ theo dõi tình hình cung ứng thuốc trên địa bàn, thành lập Tổ tư vấn giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác đấu thầu, cung ứng và thanh toán công nợ thuốc.
Đã tổ chức các Hội đồng chuyên gia theo từng chuyên khoa để rà soát, cập nhật lại các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm trong các phác đồ điều trị, xây dựng các thuốc thay thế mang tính khoa học và phù hợp với tình hình cung ứng thuốc.
Bên cạnh đó, Sở Y tế đang đề xuất mở rộng danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; chú trọng dự phòng, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật; đẩy mạnh quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở.
Ngành y tế mất nhân tài vì liên quan đấu thầu?
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương cho rằng, hiện nay các bệnh viện đang tốn rất nhiều công sức cho công tác đấu thầu.
“Bệnh viện quanh năm suốt tháng lo đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế và cả những vật dụng của hành chính quản trị. Liệu chúng ta có nên có phương án bỏ đấu thầu không bởi hiện nay các nước châu Âu đã bỏ đấu thầu”, bà Hoàng Thị Diễm Tuyết cho biết.
Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết thẳng thắn chia sẻ, vì liên quan đấu thầu, thời gian qua ngành y tế đã mất đi nhiều nhân tài.
“Tại sao chúng ta cứ mãi đi vào con đường đấu thầu trong khi đó nếu ngay từ đầu vào chúng ta quản lý tốt về giá. Chẳng hạn như, cùng một loại thuốc được đưa vào Việt Nam từ Bắc đến Nam đều mua một giá tại sao chúng ta không làm như vậy?
Chúng tôi được đào tạo là bác sĩ, là điều dưỡng, y tế, hộ sinh chứ chúng tôi không được đào tạo về mặt kinh tế. Vì nhiệm vụ chúng tôi phải đi học, khi thực hiện công tác đấu thầu có những sai sót nên trong thời gian qua chúng ta đã mất đi những người tài trong lĩnh vực y tế như vậy là rất lãng phí”, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết chia sẻ.
Về công tác đấu thầu, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Tp.Thủ Đức) cũng cho rằng, việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế hàng năm mất thời gian khoảng 4 – 6 tháng.
Do đó, các gói thầu nên kéo dài thời gian đấu thầu 2 năm một lần. Bởi trong khoảng thời gian 2 năm sự chênh lệch biến đổi về giá không nhiều. Bên cạnh đó, ở cấp quốc gia nên mở rộng cho các tuyến tỉnh thành đàm phám giá việc này sẽ rút ngắn được thời gian, công sức và lựa chọn được sản phẩm như mong muốn của cơ sở.
Còn PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV cho rằng: “Hiện chúng ta mất thời gian, công sức và cả con người cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng vào đấu thấu. Chúng ta có dám để vào trong luật “không bắt buộc phải đấu thầu” mà có nhiều cơ chế cho bệnh viện được chọn không?
Tôi ao ước các bệnh viện công lập được hoạt động theo cơ chế giống như bệnh viện tư nhân. Được quyền định đoạt mua sắm miễn làm sao đảm bảo mục tiêu lo được cho bệnh nhân. Nhưng chi trả làm sao cho đúng theo giá thị trường thì phải xem lại cơ chế hoạt động, phát triển mô hình y tế cơ bản, bảo hiểm y tế dịch vụ”.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tphcm-bac-si-de-xuat-bo-dau-thau-vi-mat-nhieu-thoi-gian-a573597.html