Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – HoSE: TPB) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024.
Theo đó, kết thúc năm 2023, TPBank ghi nhận tổng tài sản 356.634 tỷ đồng, hoàn thành 101,9% chỉ tiêu ĐHĐCĐ giao. Tổng huy động của nhà băng cũng vượt 3,11% kế hoạch đạt 316.518 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ xấu tại 31/12/2023 là 1,52%, hoàn thành kế hoạch ĐHĐCĐ giao.
Dù vậy, nhà băng mới chỉ hoàn thành 64,24% lợi nhuận trước thuế đạt 5.589 tỷ đồng. TPBank cho biết, năm 2023 điều kiện kinh tế vĩ mô có nhiều yếu tố không thuận lợi.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên toàn hệ thống điều chỉnh giảm dần qua các quý trong khi nhiều ngành nghề kinh doanh sụt giảm hoạt động nên sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn hạn chế.
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm sụt giảm do khủng hoảng của ngành và việc siết chặt của các cơ quan quản lý trong lĩnh vực bán bảo hiểm nhân thọ.
Tăng trưởng tín dụng mới gặp khó khăn do tác động của tình hình kinh tế và chính sách của cơ quan quản lý. Nợ xấu, nợ quá hạn có xu hướng tăng nhanh làm gia tăng việc trích lập dự phòng.
Năm 2024, Hội đồng Quản trị (HĐQT) TPBank đề xuất kế hoạch lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 34,2% so với năm trước.
Đối với các chỉ tiêu khác, trong năm 2024, TPBank dự kiến tổng tài sản đạt 390.000 tỷ đồng, tăng 9,4%, trong khi tổng huy động tăng 3,3% lên 327.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay và trái phiếu doanh nghiệp dự kiến đi lên 15,8%, đạt 252.821 tỷ đồng.
Ngoài ra, nợ xấu sẽ được TPBank kiểm soát dưới 2,5%, phù hợp với mục tiêu, định hướng của NHNN. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu sẽ có 15 triệu khách hàng trong năm 2024.
Về định hướng phát triển trong năm 2024, HĐQT TPBank cho biết sẽ tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu CTCP phần Handico (Hafic) để TPBank có công ty con hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
Về phương án phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ theo quy định năm 2023, theo báo cáo tài chính đã kiểm toán bởi KPMG, TPBank báo lãi trước thuế năm 2023 5.589 tỷ đồng.
Sau khi nộp thuế thu nhập, trích các quỹ và nộp ngân sách thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động thư tín dụng LC theo Kết luận số 324/TP-VPCP của Thủ tướng Chính phủ, lợi nhuận để lại là 3.697 tỷ đồng. TPBank đề xuất giữ lại khoản lợi nhuận này và chưa phân phối.
Năm 2023, TPBank đã phát hành gần 620 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 39,19% từ nguồn lợi nhuận để lại chưa phân phối luỹ kế đến năm 2021 (1.536 tỷ đồng), thặng dư vốn cổ phần (2.561 tỷ đồng) và 2.102 tỷ đồng được lấy từ nguồn lợi nhuận để lại năm 2022. Việc phát hành đã giúp vốn điều lệ của ngân hàng tăng từ 15.817 tỷ đồng lên 22.016 tỷ đồng.
TPBank cho biết năm 2024 sẽ rà soát và kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy trên toàn hệ thống, đề xuất kế hoạch phát triển mạng lưới năm 2024 theo quy định của NHNN, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng, kiểm soát chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.
HĐQT TPBank cũng dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua, đồng ý xuất toán các tài khoản nợ đã sử dụng để xử lý rủi ro đáp ứng các điều kiện theo quy định NHNN; thông qua việc sửa đổi bổ sung, ban hành quy chế tài chính phù hợp với quy định của pháp luật, yêu cầu quản trị tại TPBank từng thời kỳ;
Thông qua việc triển khai các giải pháp khắc phục biến động lớn về tài chính của ngân hàng phù hợp với các quy định và luật và tình hình thực tế của TPBank.
ĐHĐCĐ TPBank dự kiến tổ chức vào 8h30 ngày 23/4 tại Phòng họp Dragon Hall – Tầng 12A, Tòa nhà DOJI, số 5 Lê Duẩn, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tpbank-dat-muc-tieu-lai-7-500-ty-dong-khong-chia-co-tuc-nam-2024-a657054.html