noel giáng sinh vui vẻ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img
More
    Trang chủKhỏe & ĐẹpTp.HCM: Y tế ngoại thành thiếu bác sĩ, cần giải pháp thu...

    Tp.HCM: Y tế ngoại thành thiếu bác sĩ, cần giải pháp thu hút nhân sự

    Thiếu bác sĩ là tình trạng chung của các cơ sở y tế huyện ngoại thành Tp.HCM nhiều năm qua, đang chờ các giải pháp đi vào hiệu quả.

    Chờ bác sĩ về cống hiến

    Từ tháng 9, anh Lê Hồng Phúc, 46 tuổi, ngụ huyện Cần Giờ, Tp.HCM vui mừng khi Bệnh viện huyện Cần Giờ gần nhà đã có thể chạy thận để anh đưa vợ đến khám chữa bệnh.

    Trước đó, từ xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, vợ chồng anh Phúc cứ cách 2 tuần phải theo ghe vào bờ rồi đón xe khách vào bệnh viện ở quận 5 cho kịp giờ chạy thận. Buổi lọc máu thường bắt đầu lúc 11h30 hoặc hơn 12h, kết thúc quy trình cũng đã đến cuối giờ chiều.

    Thực tế, cơ sở vật chất y tế ở huyện Cần Giờ rất khang trang, phòng chạy thận và hệ thống nước RO đã từng được thiết lập rồi… bỏ đó vì nhiều lý do. Thiếu nhân lực là một nguyên nhân rất quan trọng khi gần 10 năm qua huyện này không tuyển dụng được bác sĩ.

    Bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ – giám đốc Trung tâm Y tế, kiêm giám đốc Bệnh viện huyện Cần Giờ thừa nhận, địa phương rất khó tuyển dụng bác sĩ.

    “Nhiều sự kiện, chẳng hạn như ngày hội việc làm Sở Y tế Tp.HCM hồi tháng Tám vừa qua lần đầu tổ chức, chúng tôi đều tham gia nhưng kết quả không đạt như mong muốn. Từ ngày hội cũng là dịp để chúng tôi tìm hiểu thêm lý do, có giải pháp tuyển dụng thời gian tới”, ông Huệ nói.

    Thực tế không chỉ riêng Cần Giờ mà nhiều địa phương ngoại thành tại Tp.HCM đều khó tuyển dụng bác sĩ vì các ứng viên “ngại” nơi làm việc xa trung tâm thành phố, giao thông cách trở. Kế đó là suy nghĩ của bác sĩ trẻ về khả năng và cơ hội phát triển chuyên môn, cũng như đáp ứng nhu cầu của cuộc sống.

    Các đơn vị y tế ở huyện Hóc Môn đang cần tuyển hàng chục bác sĩ, và nhân viên y tế ở nhiều vị trí khác nhau. Theo BSCKII Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hóc Môn, ngoài một số trạm y tế chưa có bác sĩ, hầu hết các trạm y tế khác cũng cần tuyển thêm 1-2 người vì khối lượng công việc nhiều.

    “Với những xã đông dân, chúng tôi mong muốn tăng thêm ít nhất 2 bác sĩ/trạm y tế. Vì ở đây, có những xã có khoảng 80.000 dân, nên chỉ có 1 bác sĩ không làm hết việc”, BS.CKII Nguyễn Văn Trường than khó.

    Theo BSCKII Nguyễn Văn Trường, các bác sĩ trẻ mới ra trường thường có tâm lý e ngại, không thích làm việc tại các trạm y tế khi lương và các chế độ cũng khó cạnh tranh với các bệnh viện lớn và các cơ sở y tế tư nhân. Thậm chí, khi đã tuyển được người nhưng các bác sĩ trẻ thường không gắn bó lâu dài, đa số người ở lại là học từ y sĩ lên.

    Thiếu nhân lực, bác sĩ Trường cho biết gặp khó khăn trong vấn đề khám chữa bệnh. Đặc biệt với những người dân có thẻ bảo hiểm y tế, nếu không có bác sĩ thì không thể giải quyết được vấn đề khám theo bảo hiểm y tế ở địa phương.

    Còn Bác sĩ Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Bình Chánh cũng thừa nhận các trung tâm y tế không đủ “hấp dẫn” so với các bệnh viện lớn trong vấn đề tuyển dụng nhân sự.

    Hiện, huyện Bình Chánh có 16 xã thì tới 8 trạm y tế chưa có bác sĩ, để giải quyết bài toán thiếu nhân lực, với những trạm y tế chưa có bác sĩ, thì bác sĩ tuyến trung tâm phải xuống hỗ trợ.

    “Giữ nhân sự cũng là một vấn đề rất khó khăn, ngay cả với những bệnh viện quận, huyện khi nguồn thu nhập của bác sĩ chi theo các quy định hiện nay. Muốn tăng thêm thu nhập thì bệnh viện phải có nhiều dịch vụ khác, nếu bệnh viện không có những khoản này thì khó lòng giữ người”, Bác sĩ Phạm Văn Tuấn nói.

    Cần chính sách hiệu quả, hợp lý

    Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh văn phòng, Sở Y tế Tp.HCM cho biết, việc đảm bảo số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên y tế các huyện ngoại thành là vấn đề được ngành y tế Tp.HCM rất quan tâm.

    Thời gian qua, bên cạnh việc tăng cường tuyển dụng nhân viên y tế hàng năm theo quy định, Sở Y tế đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, triển khai thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với nhân viên y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn Tp.HCM giai đoạn 2022-2030 của UBND Tp.HCM.

    Sở Y tế đã triển khai thực hiện luân phiên bác sĩ công tác tại các bệnh viện tuyến Tp.HCM đến tham gia hỗ trợ khám, chữa bệnh ban đầu tại Trạm Y tế xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Đến nay, đã có 5 đợt bác sĩ (mỗi đợt 2 bác sĩ, thời gian 2 tháng) tình nguyện đi luân phiên đến tham gia hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh ban đầu cho người dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ.

    Cùng với đó là thực hiện luân phiên bác sĩ công tác tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Nhi Đồng 2 tham gia hỗ trợ chuyên môn về sản khoa, nhi khoa, ngoại khoa, nhãn khoa và gây mê hồi sức cho Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, giúp người dân huyện tiếp cận được các dịch vụ y tế cơ bản, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

    Trước thực trạng y tế cơ sở gặp khó khăn trong việc thu hút nhân lực có chuyên môn y tế, đặc biệt là bác sĩ, Sở Y tế đã xây dựng và triển khai các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực để đảm bảo mỗi trạm y tế được bố trí đầy đủ số lượng và có cơ cấu thích hợp về nhân lực như: bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, y sĩ y học cổ truyền, dân số…

    Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho rằng, dù là ở bất cứ thời nào, tinh thần cống hiến của nhân viên y tế là luôn luôn có. Nhưng để làm việc thì không thể chỉ dựa vào tinh thần cống hiến được.

    “Với bác sĩ, điều quan trọng nhất là được thực hành để nâng cao tay nghề, nâng cao chuyên môn, vì họ là những người đi theo con đường lâm sàng. Mức lương cũng rất quan trọng nhưng làm sao để không lụt tay nghề còn quan trọng hơn rất nhiều”, Bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

    Vì vậy, theo BS Trương Hữu Khanh, vấn đề nằm ở cơ chế làm việc và chế độ ưu đãi cho bác sĩ trẻ mới ra trường. Để có nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, nhất là ở trạm y tế, cần gắn việc thực hành tại trạm với các bệnh viện quận, huyện. Điều này phải được thực hiện một cách thực chất và bài bản, có sự quản lý rõ ràng.

    PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhận định, chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện gắn với trạm y tế dành cho sinh viên y khoa mới tốt nghiệp là một định hướng tốt của ngành Y tế thành phố.

    Tuy nhiên, sau quá trình thực hành này, thành phố cần có thêm chế độ phù hợp cho bác sĩ trẻ như đảm bảo về thu nhập không quá chênh lệch so với bác sĩ làm việc ở trung tâm thành phố; đảm bảo phát triển chuyên môn cho bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, y tế cơ sở như trạm y tế cũng phải trang bị máy móc, đủ thuốc men cần thiết để thu hút người dân đến khám chữa bệnh.

    Còn theo bác sĩ Cao Tấn Phước – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, để thu hút bác sĩ trẻ, cần tạo điều kiện để họ được học tập, nâng cao tay nghề. Cơ sở y tế cũng nên tạo môi trường làm việc tốt, thân thiện, có nhiều cơ hội để bác sĩ trẻ thăng tiến cũng như đảm bảo mức thu nhập đủ để trang trải sinh hoạt hàng ngày.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU