noel giáng sinh vui vẻ
Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiGiáo dụcTp.HCM: Ngăn chặn “gian lận” tuyển sinh lớp 10 bằng cách chuyển...

    Tp.HCM: Ngăn chặn “gian lận” tuyển sinh lớp 10 bằng cách chuyển trường

    Tình trạng kết thúc học kỳ 1, nhiều phụ huynh học sinh lớp 10 xin chuyển trường như cách “gian lận” sau kỳ thi tuyển sinh đã được Sở GD&ĐT Tp.HCM nhìn ra.

    Tạm trú trường “tốp dưới” rồi chuyển đi

    Trong danh sách tiếp nhận học sinh có nguyện vọng xin chuyển đến tại một trường THPT có tiếng khu vực trung tâm Tp.HCM trong năm học 2022 – 2023, trong số gần 20 trường hợp chuyển đến trường đều đến từ các trường THPT thuộc “tốp dưới”.

    Tức là, nếu so sánh điểm chuẩn đầu vào tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 thì để thi tuyển vào trường này những học sinh đó sẽ “rớt ngay từ vòng gửi xe”.

    Một Phó Hiệu trưởng trường THPT ở quận 5, Tp.HCM chia sẻ, năm học nào cũng vậy, ngay sau khi kết thúc học kỳ 1, nhà trường luôn nhận được hàng chục trường hợp học sinh lớp 10 đề nghị chuyển trường. Các trường THPT học sinh có nguyện vọng chuyển đến cũng không quá cách xa trường đang học, thậm chí là cùng trong một quận.

    “Trường hợp phụ huynh học sinh có nguyện vọng chuyển trường, nhà trường sẽ mời vào làm việc. Theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, nếu lý do phụ huynh đưa ra xét thấy hợp lý, chính đáng thì sẽ giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Thế nhưng, thực tế đôi khi nếu không giải quyết phụ huynh sẵn sàng “ăn vạ”, nhờ đủ cách can thiệp song nếu chỉ cần giải quyết 1 trường hợp thì có khi chỉ sau 1 học kỳ trường sẽ mất đi 1 lớp 10, tương đương với 45 học sinh”, vị này ngậm ngùi.

    Giáo dục - Tp.HCM: Ngăn chặn “gian lận” tuyển sinh lớp 10 bằng cách chuyển trường

    Chọn nguyện vọng trường “tốp dưới” rồi chuyển qua trường khác khi trúng tuyển là thực trạng phức tạp của công tác tuyển sinh lớp 10 tại Tp.HCM nhiều năm qua. (Ảnh minh họa).

    Cũng “phát sốt” với vấn đề học sinh xin chuyển trường giữa học kỳ 1, ông Vũ Quốc Phong, Hiệu trưởng Phân hiệu THPT Lê Thị Hồng Gấm chia sẻ, vào những thời điểm nóng, ông Phong thậm chí phải tắt điện thoại để tránh những cuộc gọi xin chuyển trường, nhờ can thiệp…

    “Từng có thời điểm trường được xem là “sân sau” của một số trường THPT lân cận có mức điểm chuẩn đầu vào cao hơn. Cứ học xong một học kỳ, phụ huynh học sinh ồ ạt làm đơn xin chuyển đi đến các trường THPT lân cận. Thời đó, giải quyết xong là “rỗng” cả trường, có khi chuyển đi những 2 lớp trong khi sĩ số cả trường chỉ có hơn 1.000 học sinh”, ông Phong nhớ lại.

    Theo vị hiệu trưởng này, đa phần các trường hợp học sinh xin chuyển đi đều có nguyện vọng xin chuyển đến những trường THPT có điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào cao hơn. Trong khi đó, điểm chuẩn đầu vào của trường lại thuộc tốp cuối của Thành phố này.

    “Sự chênh lệch về điểm số này liệu rằng khi nhà trường giải quyết nguyện vọng cho phụ huynh học sinh thì các em có đủ năng lực để theo học đường dài hay không, như vậy là phụ huynh đã đảm bảo quyền lợi cho các em hay chưa?…”, ông Phong đặt vấn đề.

    Đảm bảo quyền lợi cho học sinh đúng quy định

    Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM xác nhận, có tình trạng phụ huynh học sinh khi đăng ký nguyện vọng trong thi tuyển sinh vào lớp 10 thì đăng ký nguyện vọng “lót” vào những trường có điểm chuẩn thấp để dễ trúng tuyển. Sau đó, học một học kỳ thì làm đơn xin chuyển trường đến những trường có điểm chuẩn cao hơn…

    Thời gian qua, Sở luôn có chỉ đạo để hạn chế thực trạng này. “Hàng năm, Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Sở luôn hướng dẫn các trường yêu cầu phụ huynh học sinh phải làm bản cam kết không được chuyển trường trong quá trình học khi đăng ký nguyện vọng vào các trường THPT cách xa nhà.

    Trường hợp học sinh lớp 10 có nguyện vọng chuyển trường, các trường THPT có thể liên hệ với trường THCS trước đó học sinh theo học để tìm hiểu về vấn đề này, trao đổi với phụ huynh, xem xét giải quyết nếu phụ huynh, học sinh gặp khó khăn thực sự”, ông Quốc gợi ý.

    Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM khẳng định, theo quy định của Bộ GD&ĐT, học sinh chuyển trường phải thuộc một trong hai trường hợp sau đây: học sinh chuyển nơi cư trú theo cha hoặc mẹ; học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về gia đình hoặc học sinh có lý do thực sự chính đáng để chuyển trường.

    “Trong đó, hiệu trưởng nhà trường nơi học sinh chuyển đi và hiệu trưởng nhà trường nơi học sinh chuyển đến đều đồng thuận. Ở đây, tôi đề nghị 2 hiệu trưởng phải trao đổi với nhau xem việc chuyển trường có phù hợp hay không rồi mới quyết định”, ông Hiếu nói.

    Theo Hiếu ông, có nhiều phụ huynh gây áp lực với các hiệu trưởng theo kiểu “trường bên kia đã đồng ý nhận con tôi mà sao thầy/cô không cho con tôi chuyển đi”.

    Nhưng việc giải quyết cho học sinh chuyển trường, ngành giáo dục Tp.HCM phải giải quyết trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của học sinh và chia sẻ khó khăn với phụ huynh, nhưng tránh trường hợp gây áp lực cho hiệu trưởng nhà trường THPT.

    Cần xóa bỏ tư duy “học tạm”

    Ông Nguyễn Thanh Tòng, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc, huyện Bình Chánh thừa nhận có thực trạng phụ huynh học sinh ngay từ ban đầu thi tuyển sinh 10 có quan niệm rằng đăng ký nguyện vọng vào trường cho dễ đậu, sau đó học một học kỳ xin chuyển đến trường THPT có điểm chuẩn cao hơn, ở những khu vực được đánh giá là tốt hơn. 

    Có những học sinh ở tận nơi xa mà đặt nguyện vọng thi tuyển sinh vào trường và làm đơn xin chuyển trường với lý do nhà xa, gây rất nhiều khó khăn cho đơn vị.

    “Sở GD&ĐT Tp.HCM cần phải quyết liệt hơn nữa về vấn đề học sinh chuyển trường, khắc phục ngay từ khâu đầu vào, gạt tên những học sinh ở nơi xa khi đăng ký tuyển sinh không phù hợp.

    Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận giáo viên chủ nhiệm lớp 9 cũng có quan điểm, tư duy như vậy, gây khó khăn cho nhiều trường THPT. Cần phải làm thế nào đó để phụ huynh không nghĩ rằng cho con em mình học tạm ở trường đó trong một học kỳ rồi xin chuyển”, ông Tòng kiến nghị.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU