noel giáng sinh vui vẻ
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiGiáo dụcTp.HCM: Năm học mới, vẫn lo lắng thiếu trường lớp vì “dự...

    Tp.HCM: Năm học mới, vẫn lo lắng thiếu trường lớp vì “dự án treo”

    Nhiều dự án công trình xây trường học tại các quận, huyện ở Tp.HCM kéo dài nhiều năm nhưng chưa thể triển khai do vướng thủ tục đầu tư.

    Dự án “bất động”, trường học quá tải

    Đầu tháng 9/2023 bắt đầu năm học mới nhưng ngành giáo dục Tp.HCM đang đối mặt với tình trạng dự án “treo” do vướng đền bù giải tỏa mặt bằng khiến các địa phương thiếu trường, thiếu lớp học. Băn khoăn về khó triển khai chương trình phổ thông mới, một số quận, huyện đang tìm các giải pháp và đề xuất tìm hướng tháo gỡ, sớm xây dựng trường.

    Như Trường Tiểu học An Hội ở phường 8, quận Gò Vấp có hơn 3.200 học sinh đã phải tiếp nhận học sinh của cả phường 9 và phường 12 do khu vực lân cận chưa có thêm trường tiểu học nào. Đến nay, quận Gò Vấp có ít nhất 5 dự án xây dựng trường học chưa triển khai mà nguyên nhân chủ yếu là vướng chính sách đền bù giải tỏa.

    Bà Đào Thị My Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp nói: “Để đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân, địa phương cần bổ sung 1.300 phòng học. Trong khi đó, hầu hết dự án hiện đều vướng khâu đền bù, giải tỏa vì giá bồi thường theo quy định hiện nay quá thấp, người dân không đồng thuận bàn giao đất”.

    Quận Gò Vấp đang rà soát các khu đất quy hoạch công nghiệp có diện tích rộng để có thể điều chỉnh một phần đưa vào xây trường.

    Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở quận 12, khi đây là địa phương hằng năm gặp áp lực khủng khiếp về số học sinh tăng, có những lớp học với sĩ số trên 60 học sinh, mỗi năm tăng thêm hơn 4.000 học sinh.

    Theo báo cáo, đến năm 2025, quận 12 có hơn 132.000 dân trong độ tuổi đi học, cần 1.700 phòng học mới đủ. Kế hoạch từ nay đến năm 2025 quận 12 sẽ triển khai 23 dự án trường học với 591 phòng. Nếu thực hiện thuận lợi vẫn chỉ đạt mức 240 phòng/10.000 dân.

    Bà Võ Thị Chính, Phó Chủ tịch UBND quận 12 cho biết: “Hiện có những khu đất trên địa bàn là đất trống, bỏ hoang nhưng không thu hồi hoặc hoán đổi để xây trường được. Nếu có quỹ đất này để đầu tư xây dựng trường học, sẽ giải quyết được vấn đề trường lớp”.

    Bên cạnh quỹ đất sạch do Tp.HCM quản lý, hiện quận 12 đang rà soát và kiến nghị Tp.HCM thu hồi 14 khu đất của công ty, xí nghiệp do Nhà nước quản lý nhưng không sử dụng, bỏ hoang từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến nay chưa có chủ trương thu hồi các khu đất này.

    “Có 14 khu đất, nơi thì bỏ hoang, nơi thì cho thuê lại không đúng mục đích sử dụng nhưng thu hồi thì khó”, bà Chính trăn trở.

    Sử dụng đất hợp lý, ưu tiên giáo dục

    Từ nay đến năm 2025, Tp.HCM phấn đấu xây dựng 4.500 phòng học mới, đầu tư từ ngân sách 3.000 phòng học và xã hội hóa, mời gọi đầu tư khoảng 1.500 phòng học. Theo các chuyên gia, để kịp xây dựng trường theo kế hoạch, Tp.HCM cần nhiều giải pháp linh hoạt để đẩy nhanh tiến độ như: cho phép xây nâng tầng tại các trường học; điều chỉnh cách tính chỉ tiêu mật độ học sinh diện tích xây dựng, thay vì tính trên diện tích đất.

    Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM cho hay, Sở đã tham mưu với UBND Tp.HCM kiến nghị với Bộ GD&ĐT điều chỉnh Thông tư 13 vì “khu vực vùng ven, ngoại thành là 10m2 đất/chỉ tiêu học sinh”. Như vậy, nếu nhà trường có 1 héc ta đất thì cũng chỉ có tối đa 1.000 học sinh nên Tp.HCM kiến nghị cho phép được tính trên diện tích sàn xây dựng, có thể có nhiều tầng và nâng tầng.

    “Vấn đề đất đai thành phố rất khó khăn, song Thông tư 13 quy định trường tiểu học không quá 2 tầng, trường trung học không quá 3 tầng thì khó khăn có thể thấy rõ.” – ông Hiếu nói thêm.

    Để giải quyết tình trạng thiếu phòng học ở một số quận, huyện gia tăng nhanh số lượng học sinh, Sở GD&ĐT đã trình đề xuất, tham mưu UBND Tp.HCM các giải pháp nhằm đẩy mạnh tiến độ xây dựng dự án công trình trường học, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục.

    Trong đó, ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình trường học theo kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch được duyệt phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tế từng địa bàn quận, huyện và tập trung các khu vực có tốc độ tăng dân số cao hoặc địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất như quận 7, 12, Bình Tân, Gò Vấp, Tp.Thủ Đức và huyện Bình Chánh.

    Về giải pháp lâu dài để đảm bảo phòng học cho học sinh, đại diện Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết đã kiến nghị UBND Tp.HCM có cơ chế giải pháp đặc thù, chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính… để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đầu tư phát triển mạng lưới trường học theo phương thức hợp tác công tư, kích cầu, xã hội hóa.

    Để thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Dương Anh Đức đề nghị các quận, huyện rà soát quy mô, số lượng, chất lượng các cơ sở giáo dục, đối chiếu chỉ tiêu và phối hợp với ngành giáo dục và Sở, ngành liên quan xây dựng lộ trình cụ thể. Việc đạt được chỉ tiêu đối với địa phương không phải là con số tổng thể mà từng khối học, cấp học phải đạt tiêu chí.

    Ông Đức lưu ý, các địa phương tích cực rà soát xác định vị trí, nhu cầu sử dụng đất phát triển giáo dục để làm cơ sở và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực giáo dục, tăng cường nguồn lực xã hội.

    Linh hoạt sắp xếp quỹ đất

    Đối với quận Bình Tân, ông Nguyễn Việt Quế Sơn, Phó bí thư Thường trực Quận ủy cho biết, quận khá khó về quỹ đất để thực hiện dự án trường học.

    “Bình Tân là quận đang đô thị hóa. Quận đang rà soát để có mặt bằng, có dự án xây dựng trường học, đặc biệt là thực hiện chỉ tiêu đến năm 2025 quận có 700-1.000 phòng học. Quận đã đề xuất thành phố cho chuyển mục đích sử dụng đối với một số quỹ đất của đơn vị trung ương, thành phố sử dụng không hiệu quả để xây dựng trường… Song song đó, quận đang đốc thúc các đơn vị chủ đầu tư theo yêu cầu phải đầu tư trường học trong dự án…”, lãnh đạo quận Bình Tân nói.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU