Nhu cầu bán lẻ hồi phục
Cuối tháng 4/2024, bên cạnh các mặt bằng cho thuê trên các tuyến đường trung tâm thành phố Hồ Chí Minh như Lê Lợi, Hai Bà Trung,… thì mặt bằng bán lẻ ở các trung tâm thương mại cũng có sự hồi phục rõ rệt.
Hơn 30 thương hiệu mở mới và mở thêm tại Việt Nam, trong đó có nhiều thương hiệu lớn của thế giới như UNIQLO, H&M, Hublot, MiniSo, Cotti Coffee, Runway, Shuyi… trở thành nhu cầu đang cho mặt bằng bán lẻ ở Thành phố.
Báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield về mặt bằng bán lẻ cho thấy quý cuối cùng của năm 2023, tỉ lệ lấp đầy ở các trung tâm thương mại đạt gần 90%, tăng so quý trước và tăng so cùng kỳ.
Đặc biệt, giá thuê mặt bằng không giảm mà còn tăng 2,1% theo quý và tăng đến 7,6% theo năm, đạt trung bình 53,1 USD/m2/tháng. Giá thuê tăng chủ yếu đến từ 2 dự án mới khai trương ở thành phố Hồ Chí Minh là Hùng Vương Plaza (quận 5) và Thiso Mall Trường Chinh – Phan Huy Ích (quận Gò Vấp).
Theo đơn vị này, dự kiến nguồn cung mặt bằng thương mại tại Thành phố giai đoạn 2024-2026 sẽ tiếp tục tăng với diện tích 112.000 m2 trong năm 2024 và 97.400 m2 năm 2025… khi hiện có hơn 4 trung tâm thương mại cả trong và ngoài khu vực trung tâm có kế hoạch cải tạo, mở rộng trong năm 2024.
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý 1/2024 của Savills, nhiều thương hiệu xa xỉ quốc tế đã nhanh chóng gia nhập thị trường trong những tháng đầu năm, tiêu biểu như Fendi, Cartier, Loewe… Đây là những cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực thời gian và đồng hồ, trang sức xa xỉ.
Thị trường các sản phẩm xa xỉ trong thời gian qua đang chứng kiến sự chuyển dịch đáng kể sang bán hàng trực tuyến, dự kiến chiếm 8,6% tổng doanh thu vào năm 2024 song hơn 90% còn lại vẫn do các cửa hàng vật lý dẫn dắt.
Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, nhận định thị trường bán lẻ tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và nền kinh tế nội địa nói chung đang phát triển tốt, đặc biệt là lĩnh vực F&B (ăn uống) và giải trí.
Ghi nhận của Savills cho thấy, thị trường bán lẻ hiện đại như các cửa hàng bách hóa, trung tâm mua sắm và nền tảng bán lẻ đang giao dịch rất tốt. Giá thuê và tỉ lệ lấp đầy đều mạnh mẽ.
Tuy vậy, đang có sự thay đổi ở các cửa hàng truyền thống hoặc chợ truyền thống theo hướng khó khăn hơn do ngày càng nhiều mô hình bán lẻ mới nổi lên.
Do đó, trong tương lai, những cửa hàng mua sắm truyền thống sẽ tiếp tục được thay thế bằng những mô hình hiện đại hơn để thu hút người tiêu dùng. Điều này buộc các chủ mặt bằng phải tham gia vào quá trình phát triển tài sản của mình hoặc định vị lại để hấp dẫn khách thuê và người tiêu dùng.
Nhiều cơ hội phát triển, tăng trưởng
Nhìn về cuối năm 2024, bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao khối Tư vấn và nghiên cứu, Công ty Tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL Việt Nam) cho biết, tại thành phố Hồ Chí Minh dự báo thị trường bán lẻ cũng hướng tới sự tăng trưởng.
Việc hoàn thành và ra mắt Vincom Mega Mall Grand Park làm thúc đẩy tổng cung trung tâm thương mại trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh lên 653.000m2. Tương tự, khu vực ngoài trung tâm chứng kiến sự mở rộng đáng kể khi đạt khoảng 569.000m2, nhờ việc bổ sung các trung tâm thương mại mới vào nguồn cung của thị trường này.
Theo chuyên gia, thị trường bán lẻ Thành phố tiếp tục duy trì sự phục hồi, giá thuê ổn định suốt năm 2024. Vào cuối năm, các trung tâm thương mại trọng điểm khu trung tâm dự báo đạt giá thuê thuần 84 USD/m2/tháng; thị trường khu ngoài trung tâm tăng lên mức xấp xỉ 38 USD/m2/tháng, nhờ vào nguồn cung mới.
Nhu cầu đến từ các nhà bán lẻ lớn, đặc biệt thuộc lĩnh vực F&B, thời trang và đồ thể thao. Những nhà bán lẻ này sẽ liên tục thiết lập sự hiện diện tại các dự án mới, càng góp phần củng cố triển vọng của thị trường.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn CBRE thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, trong thời gian kinh tế gặp nhiều thách thức, tỉ lệ lấp đầy các trung tâm thương mại ngoài trung tâm tuy biến động, nhưng cũng nhanh chóng tìm được khách thuê thay thế.
Xu hướng các trung tâm được lấp đầy bởi nhiều khách thuê lớn ngày càng rõ rệt, nhằm đảm bảo cung cấp cho khách mua sắm trải nghiệm đa dạng và đầy đủ dịch vụ cộng thêm.
Trong bối cảnh đó, việc thiếu hụt quỹ đất trong khu trung tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án mới tăng tốc phát triển ở các khu vực mới nổi, thu hút các tập đoàn lẫn thương hiệu bán lẻ nhanh chóng có mặt để chiếm lĩnh thị phần.
Đồng thời, các nhà bán lẻ trong và ngoài nước vẫn tiếp tục mở rộng tại Việt Nam. Xu hướng phát triển khu thương mại về hướng cận trung tâm đang tăng nhanh và chiến lược tinh gọn mô hình kinh doanh giúp họ tối ưu các quỹ đất khác nhau một cách linh hoạt.
Tuy nhiên, việc phát triển các dự án mới tại khu vực ngoài trung tâm quận 1 để đáp ứng nhu cầu mặt bằng bán lẻ xa xỉ là một thách thức lớn. Các dự án mới cần có thời gian để xây dựng danh tiếng và thu hút khách hàng, bởi các thương hiệu cao cấp thường ưu tiên lựa chọn những khu vực đã có sẵn lượng khách hàng nhất định.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tp-hcm-mat-bang-ban-le-nhon-nhip-tro-lai-ky-vong-hoi-phuc-kinh-te-a661185.html