Công suất đáp ứng 60% nguồn cung
Ngày 9/6, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Tp.HCM cho biết, hiện nay, trên địa bàn Tp.HCM có 5 nhà máy giết mổ gia súc đang hoạt động theo dây chuyền giết mổ công nghiệp tại huyện Củ Chi, Hóc Môn và quận Bình Thạnh và 1 cơ sở giết mổ tại huyện Cần Giờ, với tổng công suất giết mổ bình quân từ ngày 1/4 đến ngày 8/6 là khoảng 5.200 – 6.000 con/ngày, chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung thịt heo trên thị trường thành phố.
Thống kê của Sở NN&PTNT Tp.HCM cho biết, tại huyện Củ Chi có 3 nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp gồm Nhà máy giết mổ gia súc Lộc An của Công ty TNHH Thực phẩm Lộc An đạt công suất giết mổ bình quân 900 – 1.000 con/ngày; tăng khoảng 20% so trước ngày 1/4. Trong khi đó, công suất thiết kế tại nhà máy này là 2.000 con/ngày.
Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH Một thành viên (Sagri) hiện có công suất giết mổ bình quân 50 – 80 con/ngày; tăng khoảng 45% so trước ngày 1/4. Trong khi đó, công suất thiết kế là 2.000 con/ngày.
Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ hiện đạt công suất giết mổ bình quân 1.900 – 2.300 con/ngày; tăng khoảng 8% so trước ngày 1/4. Công suất thiết kế tại nhà máy này là 3.200 con/ngày.
Tại huyện Hóc Môn, Nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng của Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn hiện đạt công suất giết mổ bình quân 1.900 – 2.100 con/ngày; giảm khoảng 6% so với số lượng giết mổ của nhà xưởng số 2 và khu vực giết mổ thủ công của nhà máy đã thực hiện trước ngày 1/4. Công suất thiết kế là 2.000 con/ngày/nhà xưởng.
Tại quận Bình Thạnh, Nhà máy giết mổ gia súc của Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) đạt công suất giết mổ bình quân 400 – 500 con/ngày; tương đương với số lượng giết mổ trước đây của công ty này. Công suất thiết kế là 1.000 con/ngày.
Về tổng thể nguồn cung thịt heo cho thị trường Tp.HCM, ông Đinh Minh Hiệp cho biết, so với thời điểm trước ngày 1/4 có sự biến động không đáng kể, tương đối ổn định, với sản lượng bình quân khoảng 9.500 – 10.000 con heo/ngày.
Trong đó, nguồn heo giết mổ trên địa bàn thành phố giảm khoảng 700 – 1.200 con/ngày (giảm khoảng 10-15%). Lý do là một số chủ gia súc dịch chuyển về Long An, Bình Dương để giết mổ, rồi cung cấp ngược lại cho Tp.HCM hoặc chuyển đổi sang hình thức kinh doanh thịt, không mua heo sống về để giết mổ.
Đồng thời, trong thời gian này, lượng thịt heo từ các tỉnh đưa về Thành phố này tiêu thụ tăng khoảng 500 – 1.300 con (tăng khoảng 15 – 20%).
Nhìn chung bước đầu, công tác kiểm soát giết mổ tại các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp trên địa bàn Tp.HCM đảm bảo chặt chẽ các điều kiện kiểm soát về vệ sinh thú y…
“Số lượng giết mổ tại các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp ổn định. Tuy nhiên, các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp trên địa bàn Thành phố vẫn chưa đạt theo công suất thiết kế, nếu tìm được thêm đối tác giết mổ gia súc công nghiệp thì các nhà máy nâng công suất theo thiết kế và sẽ đảm bảo nguồn cung thịt heo nóng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng Thành phố”, Giám đốc Sở NN&PTNT Tp.HCM nhìn nhận.
Tình trạng giết mổ lậu còn nhức nhối
Đầu tháng 6/2023, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) công bố báo cáo về kiểm soát giết mổ gia súc cho biết, đến tháng 5/2023, cả nước có tổng cộng 463 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 24.654 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Tất cả các cơ sở giết mổ động vật tập trung đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y/an toàn thực phẩm, đều được nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định.
Trong khi đó, các cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp chủ yếu là các tập đoàn, công ty quy mô lớn hoặc liên doanh với nước ngoài đầu tư bài bản với kinh phí rất lớn, giết mổ trên dây chuyền công nghiệp; có quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến hiện đại; có hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm động vật sau khi giết mổ trong cùng một khu vực sản xuất đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Tại Hội nghị về kiểm soát giết mổ động vật, do Bộ NN&PTNT tổ chức vào ngày 3/6, bà Nguyễn Thu Thủy – Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, việc ban hành quyết định phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung và triển khai thực hiện thể hiện mức độ quan tâm của chính quyền địa phương đối với công tác quản lý giết mổ động vật, bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm động vật. Nơi nào chính quyền địa phương tích cực và quyết liệt chỉ đạo thì nơi đó có chuyển biến rõ rệt.
“Bên cạnh đó, việc xử lý các tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi, giết mổ động vật nhỏ lẻ, kinh doanh sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn”, bà Thủy đánh giá.
Tại một số địa phương, vẫn còn tình trạng giết mổ không phép sau khi xây dựng và đưa vào hoạt động cơ sở giết mổ tập trung, dẫn đến các cơ sở giết mổ tập trung hoạt động không hiệu quả, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sắp xếp và chấn chỉnh công tác kiểm soát giết mổ tại địa phương.
Không những vậy, nhận thức, thói quen của người tiêu dùng còn dễ dãi, dễ chấp nhận sản phẩm giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đã trực tiếp tạo điều kiện cho sự tồn tại của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm ở các địa phương.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, địa phương này được xem là “thủ phủ” chăn nuôi thì đặc thù khác hơn các địa phương khác, trong đó các cơ sở giết mổ được bố trí vào các vùng quy hoạch và được xem là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.
“Nếu các doanh nghiệp đầu tư giết mổ thì phải đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chí của địa phương, và đã đầu tư vốn lớn thì không ai lại đưa vào quy mô nhỏ. Đúng là giết mổ nhỏ lại bắt họ phải làm hồ sơ đầy đủ giống y như quy mô công nghiệp thì hoàn toàn bất khả thi.
Đây cũng là vấn đề đáng quan tâm nhưng thật sự các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ quan tâm nhất hiện nay là nợ ngân hàng, tình hình tiêu thụ khó khăn kéo dài mà ngân hàng không có chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho người chăn nuôi thì sắp tới sẽ có nhiều trang trại phá sản”, ông Công lo ngại.
Về hoạt động giết mổ động vật, có một nghịch lý, tại Đồng Nai tuy thiếu về số lượng cơ sở giết mổ được đầu tư theo quy hoạch nhưng đa số các cơ sở giết mổ được cấp phép hoạt động không hết công suất, thậm chí cầm chừng vì không cạnh tranh được với giết mổ lậu.
Lộ trình quy hoạch giết mổ gia súc
Thực hiện quyết định của UBND Tp.HCM, Sở NN&PTNT Tp.HCM đã chủ trì chấm dứt hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc thủ công trên địa bàn Tp.HCM để chuyển sang giết mổ công nghiệp bắt đầu từ ngày 1/4 tại các nhà máy trên địa bàn.
Như vậy, từ ngày 1/4, 8 cơ sở, khu vực giết mổ gia súc thủ công trên địa bàn thành phố đã ngưng hoạt động, bao gồm cơ sở giết mổ Trung tâm Bình Tân (quận Bình Tân); cơ sở giết mổ Phước Kiển (huyện Nhà Bè); cơ sở giết mổ Tân Phú Trung, Hòa Phú, Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Đông, Xuyên Á (huyện Củ Chi) và khu vực giết mổ thủ công của Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn).
Riêng cơ sở giết mổ Trung Tuyến (huyện Cần Giờ) tiếp tục hoạt động, với số lượng giết mổ heo bình quân 20 – 30 con/ngày để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân huyện Cần Giờ.
Đồng Nai: Nhà máy vừa thiếu, vừa kém hiệu quả
Báo cáo quý I/2023 của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, trên địa bàn toàn tỉnh có 45 cơ sở giết mổ động vật, trong đó có 40 cơ sở thuộc mạng lưới giết mổ tập trung và 5 cơ sở giết mổ tạm thời với công suất giết mổ bình quân 1 ngày từ 1,9-2,1 nghìn con heo, 37-40 nghìn con gà, 50-60 con trâu, bò.
Theo quy hoạch mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 58 cơ sở giết mổ. Nhưng kết quả đến thời điểm hiện tại, chỉ mới xây dựng được 44 cơ sở; trong đó, chỉ có 40 cơ sở đang hoạt động, 4 cơ sở đã ngưng hoạt động.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tp-hcm-kiem-soat-giet-mo-gia-suc-tung-buoc-dam-ung-nhu-cau-thit-sach-a611849.html