Trường tư nhiều gấp 4 lần trường công
Đầu tháng 8/2023, gia đình học sinh Ngô Quốc Cường, ngụ quận Tân Phú đang loay hoay để nhập học lớp 10. Tốt nghiệp Trường THCS Lê Lợi và thi tuyển sinh lớp 10 đạt 19,25 điểm nhưng Quốc Cường trượt cả 3 nguyện vọng là Trường THPT Tây Thạnh (nguyện vọng 1); THPT Lê Trọng Tấn (nguyện vọng 2); THPT Bình Hưng Hoà (nguyện vọng 3).
Phụ huynh Đặng Thị Phước của Quốc Cường chia sẻ, sức học của con cũng tốt, là học sinh giỏi nhiều năm liền nên gia đình đăng ký 3 nguyện vọng trường THPT vì “nhắm vừa sức học của con”, lại cân đối các trường THPT gần nhà. Ngày thi con làm bài kết quả không được như ý nên trượt hết cả 3 nguyện vọng.
Gia đình đang tính cho Quốc Cường theo học tư thục, tại Trường THCS- THPT Hồng Đức (quận Tân Phú). Thế nhưng, chi phí học tính ra 4 triệu đồng/tháng, vượt quá khả năng của gia đình. Từ sau dịch COVID-19, kinh tế gia đình rất khó khăn. Hai vợ chồng cùng nhận may gia công tại nhà nhưng cả năm nay không có hàng, chồng phải đi chạy xe ôm công nghệ kiếm thêm.
“Nhà có 3 con, 2 bé lớn đều đang theo học đại học, còn Cường là bé út nên rất đuối. Nếu con được học trường công lập thì chi phí sẽ đỡ nặng gánh cho gia đình, môi trường giáo dục cũng an tâm”, chị Phước trầm tư.
Hay như học sinh Trần Vân Anh đạt 20 điểm tuyển sinh lớp 10 cũng trượt cả 3 nguyện vọng trường THPT đã đăng ký. Các trường THPT trên địa bàn quận Tân Phú đều có mức điểm chuẩn nguyện vọng 1 từ 20,25 điểm trở lên.
“Em chỉ thiếu 0,25 điểm là có thể đậu. Em thực sự rất tiếc. Cả 3 trường em đăng ký nguyện vọng đều có điểm chuẩn cao trên 20 điểm dù khi đăng ký nguyện vọng, em đã cân đối trường gần nhà, trong năng lực học tập. Hiện ba mẹ đang tìm hiểu một trường THPT ngoài công lập để em theo học…”, Vân Anh buồn bã.
Trường hợp như Quốc Cường hay Vân Anh không phải là cá biệt khi quận Tân Phú đang chứng kiến áp lực đảm bảo chỗ học cho học sinh tốt nghiệp THCS. Theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp ban hành tháng 5/2023 để chuẩn bị cho năm học mới 2023 – 2024 của UBND quận Tân phú, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2022 – 2023 là 7.221 học sinh (công lập là 6.309, ngoài công lập là 912).
Trong khi đó, quận Tân Phú chỉ có 4 trường THPT công lập là Trần Phú, Tân Bình, Tây Thạnh và Lê Trọng Tấn với tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập cho năm học 2023 – 2024 là 3.420 học sinh. Như vậy, chỉ có 50% học sinh tốt nghiệp THCS có thể theo học THPT công lập. Giả sử tất cả học sinh THCS ngoài công lập tiếp tục học THPT ngoài công lập thì vẫn có gần 3.000 học sinh tốt nghiệp THCS công lập không thể học THPT công lập.
Khi hệ thống trường công lập hạn chế mà số học sinh cao hơn thì các trường ngoài công lập (tư thục) sẽ nở rộ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Danh sách của Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập, Sở GD&ĐT Tp.HCM chỉ ra, địa bàn quận Tân Phú có 17 trường ngoài công lập, tất cả đều có cấp học THPT.
So sánh chung cho thấy, số lượng cơ sở giáo dục ngoài công lập tại quận Tân Phú là cao nhất ở Tp.HCM, vượt qua các địa phương khác như Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân hay quận 12.
Nhiều sai phạm tuyển sinh ngoài công lập
Thực tế này đang tạo áp lực lớn đến công tác quản lý giáo dục đối với trường ngoài công lập. Trong tháng 7 vừa qua, các cơ quan chức năng đã kịp thời chấn chỉnh việc tuyển sinh của Trường THPT Đông Á ở cơ sở chưa được cấp phép.
Trường THPT Đông Á có địa chỉ 108 Lê Thúc Hoạch phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú. Nhưng từ mùa tuyển sinh năm nay, tại các thông báo tuyển sinh, bìa hồ sơ tuyển sinh cũng như website của nhà trường đều ghi rõ ràng trường có thêm cơ sở nằm ở địa chỉ 173, 173A và 173B đường Hiền Vương, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú.
Theo ông Phan Sĩ Đạt, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú, UBND phường Phú Thạnh đã tiến hành kiểm tra giấy phép hoạt động cơ sở đường Hiền Vương của Trường THPT Đông Á. Tuy nhiên, đại diện nhà trường đã không thể trình giấy phép hoạt động của cơ sở này.
Xác nhận với Người Đưa Tin, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Tp.HCM khẳng định, năm nay, Trường THPT Đông Á được Sở GD&ĐT Tp.HCM giao chỉ tiêu 360 học sinh lớp 10 tại cơ sở 108 đường Lê Thúc Hoạch, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú.
Ông Bùi Quang Trung, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đông Á thừa nhận, cho đến nay, cơ sở đường Hiền Vương của trường vẫn chưa được cấp giấy phép hoạt động. Nhà trường vẫn đang tiến hành làm việc với Sở GD&ĐT Tp.HCM về vấn đề này.
Tuy nhiên, đại diện Sở GD&ĐT Tp.HCM nhấn mạnh, các trường THPT ngoài công lập chỉ được cấp chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 tại địa điểm đã được cấp giấy phép hoạt động. Đồng thời, hoàn toàn không có chuyện cho nợ giấy phép hoạt động, để nhà trường thực hiện tuyển sinh trước khi được cấp phép.
Chính quyền địa phương đã yêu cầu nhà trường phải gỡ ngay các băng rôn liên quan đến tuyển sinh và tiến hành theo dõi sát sao cơ sở này trong những ngày tới, để tránh trường vẫn tiến hành tuyển sinh khi chưa được cấp phép.
Trước đó, tháng 10/2022, Thanh tra Sở GD&ĐT Tp.HCM đã quyết định xử phạt Trường THCS-THPT Đào Duy Anh tổng số tiền 45 triệu đồng đối với hành vi vi phạm tuyển sinh, hoạt động ở cơ sở tại đường Nguyễn Văn Vinh, quận Tân Phú chưa được cấp phép từ tháng 2 năm ngoái.
Cũng theo thống kê của UBND quận Tân Phú, số học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học năm học 2022 – 2023 dự kiến vào lớp 6 năm học 2023 – 2024 là 8.530 học sinh. So với năm học trước đó là tăng 1.804 học sinh lớp 6.
Như vậy, sau 4 năm học nữa, nếu quận Tân Phú không có thêm trường THPT công lập thì tỷ lệ chọi tuyến sinh lớp 10 tại đây sẽ càng thêm khốc liệt, kéo theo sự cạnh tranh tuyển sinh các trường ngoài công lập càng thêm gay gắt.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tp-hcm-hoc-gioi-van-rot-lop-10-o-quan-tan-phu-vi-qua-tai-truong-cong-a619582.html