noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngTp.HCM cần một trung tâm tài chính thương mại để vực dậy...

    Tp.HCM cần một trung tâm tài chính thương mại để vực dậy nền kinh tế

    Hàng loạt doanh nghiệp tại Tp.HCM gặp khó khăn về nguồn vốn, do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế Thành phố này tăng trưởng chậm, cần có giải pháp để vực dậy.

    Nhằm đưa ra những đánh giá khách quan, tìm ra giải pháp để khắc phục tình hình đó, PV Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập về vấn đề này.

    Giai đoạn khó khăn

    PV: Thưa ông, theo số liệu công bố mới nhất, chỉ số giá CPI bình quân của Tp.HCM của quý 1/2023 so với cùng kỳ năm trước là 4,5%. Điều này phần nào cho thấy sự thay đổi về thu nhập từ sản xuất và lợi nhuận của các doanh nghiệp trên địa bàn là khá cam go. Tp.HCM là thành phố trực thuộc Trung ương, là đầu tàu phát triển kinh tế cả nước, ông đánh giá như thế nào về thực trạng này? Giải pháp nào để tháo gỡ?

    TS Nguyễn Trí Hiếu: Có thể nói quý I tăng trưởng rất chậm. Nếu quý I/2023 chỉ số CPI đã thấp, nếu quý II  lại thấp nữa thì chứng tỏ nền kinh tế Tp.HCM đang đi vào giai đoạn trì trệ. Có nhiều nguyên nhân, về yếu tố bên ngoài, thị trường xuất khẩu Việt Nam hầu như rất chậm trong quý I/2023 với những chính sách tiền tệ thắt chặt, đặc biệt Mỹ và các nước châu Âu. Từ đó, việc tiêu dùng, mua hàng hóa từ Việt Nam giảm và xuất khẩu của Việt Nam sang các nước đó trong quý I là rất thấp.

    Mặt khác, có những yếu tố khác, trong đó có việc các ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó có Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và có các ngân hàng châu Âu tăng lãi suất tức là họ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Đối với Việt Nam, Fed tăng lãi suất làm giảm giá trị tiền đồng và đẩy tỷ giá của mình lên, có nghĩa là những nhà nhập khẩu tại Tp.HCM chịu giá nhập khẩu cao để nhập khẩu hàng hóa nguyên vật liệu từ nước ngoài vào, từ đó tạo khó khăn cho Tp.HCM.

    Ngoài ra, yếu tố nội tại như tình hình sản xuất kinh doanh xuống thấp ở quý I đó là sự tồn đọng của trận đại dịch 2020 – 2021 mà mình phải chịu hậu quả. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa thấp, chính trong nội tại của nền kinh tế Tp.HCM đã thấy mức cầu giảm do giảm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa. Ngoài ra, yếu tố tài chính đóng góp sự suy giảm về sự phát triển của Tp.HCM khi thị trường trái phiếu đóng băng, các ngân hàng rất cẩn thận trong vấn đề cho vay và giới hạn cho vay, thị trường chứng khoán lình xình ở mức 1050 điểm đến 1000 điểm điểm, tất cả nó cộng hưởng và tạo nên sự khó khăn cho nền kinh tế Tp.HCM.

    Tôi cho rằng, cần nhiều yếu tố để vực dậy nền kinh tế Tp.HCM. Về ngoại thương, Tp.HCM phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của mình nếu phụ thuộc Mỹ và châu Âu thì đến lúc nào đó nền kinh tế họ khó khăn mình bị vạ lây. Về nội tại của Tp.HCM thì làm sao có thể  khai thông nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, thị trường vốn đến thị trường ngân hàng để giúp doanh nghiệp có vốn, nhưng đây là một điều khó. Vì bản thân doanh nghiệp tình hình sức khỏe tài chính đang yếu kém, thì chẳng ngân hàng nào cho vay. Doanh nghiệp phải tự mình vực dậy sức khỏe tài chính của mình, từ đó các ngân hàng mới cho vay. Về trái phiếu các nhà phát hành cần nâng cao khả năng trả nợ của mình thì bây giờ thị trường trái phiếu mới lạc quan về trái phiếu họ đang nắm giữ, từ đó tạo không khí sôi động hơn trong thị trường trái phiếu và cổ phiếu.

    Tài chính - Ngân hàng - Tp.HCM cần một trung tâm tài chính thương mại để vực dậy nền kinh tế

    TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ giải pháp giúp vực dậy kinh tế Tp.HCM. (Ảnh NVCC).

    PV: Hiện nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Tp.HCM nói riêng, cả nước nói chung đang gặp hàng loạt khó khăn khi doanh nghiệp không thể bán trái phiếu, nhà đầu tư mất niềm tin. Theo ông, đâu là giải pháp để tháo gỡ thực trạng này?

    TS Nguyễn Trí Hiếu: Thứ nhất nhiều doanh nghiệp đang đứng trước tình trạng vỡ nợ khi phát hành trái phiếu, không có khả năng trả nợ sau một ngày, doanh nghiệp vay không trả được ngân hàng  sẽ bị đưa vào nhóm 3, nhóm 4 nhóm 5 để xử lý. Một ngày doanh nghiệp không trả nợ thì ở trong tình trạng vỡ nợ, có thể bị các nhà đầu tư có thể đưa ra tòa kiện vụ phá sản. Với tình trạng như thế này rất ảm đảm, dẫu có nhìn lạc quan cũng khó.

    Tôi cho rằng, vấn đề đầu tiên, Chính phủ phải ra lệnh hoãn thanh toán nợ, thanh toán trái phiếu trong 2 năm tới. Vì vấn đề lo ngại là  khi các doanh nghiệp và nhà phát hành bị vỡ nợ có thể tạo hiệu ứng domino, tạo ra làn sóng vỡ nợ, điều đó rất nguy hiểm cho quốc gia. Do đó phải có lệnh hoãn thanh toán nợ, trái phiếu… Chương trình giải ngân phải nhanh chóng từ chương trình giải ngân gói cho vay lãi suất 2%, đến chương trình tài chính cho Tp.HCM. Đặc biệt, có gói 1200 tỷ hỗ trợ người mua nhà, các bất động sản đang triển khai  nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp đi vay được giải ngân. Theo tôi, Chính phủ cần hỗ trợ Tp.HCM thành lập trung tâm tài chính thương mại, tức nơi đó có tất cả dịch vụ về tài chính cấn thiết, chỉ cần giao dịch trong đó mình được đáp ứng hết yêu cầu cần thiết theo mô hình “One Stop Shopping”.

    Cần khai thông nguồn vốn

    PV: Ở góc độ nhà quản lý, ông đánh giá như thế nào vai trò nguồn vốn đối với sự phát triển doanh nghiệp nó cả nước nói chung, Tp.HCM nói riêng? Thực tiễn chính sách về vốn đã và đang được áp dụng cho doanh nghiệp hiện nay, theo ông đã đủ điều kiện để giúp doanh nghiệp vực dậy?

    TS Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi nguồn vốn là huyết mạch của một nền kinh tế hoặc của một địa phương,  thành ra khai thông nguồn vốn là chuyện đương nhiên không cần phải bàn. Nhưng hiện nguồn vốn chảy vào Tp.HCM đang đóng lại, thị trường không phát hành được, cổ phiếu chưa vượt lên được vẫn ở mức 1000 điểm, thị trường bất động sản khó khăn, các ngân hàng siết chặt…. Tp.HCM cần có sáng kiến vượt qua nó, có việc thành lập trung tâm tài chính Tp.HCM. Bên cạnh đó, cần khai thông nguồn vốn, chẳng hạn vốn doanh nghiệp thì UBND Tp.HCM tạo nguồn vốn có thể tiếp cận rộng rãi hơn từ ngân hàng, các quỹ đầu tư trên thế giới, quỹ phát triển…

    Hiện tại, nguồn vốn trên cả nước rất căng thẳng, có lẽ bị giới hạn bởi yếu tố rủi ro như hàng loạt ngân hàng trên thế giới vỡ nợ rồi phá sản. Tình trạng này có thể xảy ra Việt Nam, nếu các ngân hàng không làm trong sạch được bản cân đối kế toán của mình để có những món vay, đầu tư trái phiếu có thể có rủi ro. Vấn đề vực dậy các thị trường, vấn đề ưu tiên là cơ cấu lại nguồn vốn, tái cấu trúc lại nguồn vốn, khai thông nguồn vốn có nhiều biện pháp, trong đó có việc khai thông trung tâm tài chính tại Tp.HCM.

    PV: Mới đây, Ngân hàng Nhà nước có 2 lần giảm lãi suất đã giúp tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, ông đánh giá như thế nào về giải pháp này?

    TS Nguyễn Trí Hiếu: Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có 2 lần giảm lãi suất. Nhưng tôi cho rằng, lãi suất cho vay mang tính riêng lẻ mà thôi, liệu việc NHNN giảm lãi suất có duy trì được lâu hay không, nếu đến một lúc nào đó lại tăng lãi suất thì lúc đó nó lại đòn ngược đối với sự phát triển của Tp.HCM, tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp?

    Với gói 1.200 tỷ đang tổ chức đang thực hiện một cách phi lí. Thứ nhất là lãi suất cho vay bắt đầu từ 1/7/2022, đây là mức thấp 8,2 % cho người dân, 8,7% cho doanh nghiệp. Tuy nhiên lãi suất được điều chỉnh 6 tháng một lần do NHNN tuyên bố, và áp dung 5 năm, sau đó đàm phán thỏa thuận lãi suất thương thuyết giữa người cho vay và người đi vay theo thỏa thuận. Tôi cho rằng, ở đây có sự không minh bạch là không đưa ra thời hạn trả nợ cho gói này là bao nhiêu năm, ví dụ là 5 hay 10, 15 năm rồi 30 năm? Thành ra gói này cơ cấu một cách sơ sài và từ đó có thể tạo ra rủi ro cho người đi vay, người cho vay là ngân hàng.

    Tài chính - Ngân hàng - Tp.HCM cần một trung tâm tài chính thương mại để vực dậy nền kinh tế (Hình 2).

    Nhiều doanh nghiệp tại Tp.HCM gặp khó khăn về nguồn vốn.

    Vấn đề khó khăn tháo gỡ cho doanh nghiệp trên thị trường chứng khoản, theo tôi, đầu tiên phải là những thành phần tham gia thị trường phải lành mạnh, minh bạch. Nếu sức khỏe tài chính của thành phần tham gia có nhà phát hành trái phiếu, nhà phát hành cổ phiếu yếu kém thì thị trường chứng khoán sẽ yếu kém. Theo tôi Chính phủ cần có sự kiểm tra để xem tình hình sức khỏe tài chính các thành phần tham gia, nếu có thành phần vi phạm pháp luật phải được thay đổi. Những yếu tố khó khăn không kiểm soát được đến từ bên ngoài như Fed tăng lãi suất, chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời. Đáng nói, cần thực hiện ngay gói cho vay 40.000 tỷ đồng, tất cả thủ tục giấy tờ cần triển khai nhanh chóng.

    Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

    TS Nguyễn Trí Hiếu là Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh – Đại học Ludwig Maximilians – Đức. Trong khoảng thời gian 3 năm từ năm 1995 – 1997 ông đã làm việc tại Việt Nam với tư cách là Phó tổng giám đốc Ngân hàng Deutsche Bank (Đức), phụ trách kinh doanh tín dụng và các định chế tài chính. Tính đến năm 2013, ông có 32 năm kinh nghiệm làm ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và 3 năm tại Việt Nam. Ông là người Việt đầu tiên thành lập ngân hàng tại Mỹ và cũng là một trong những chuyên gia có nhiều ý kiến đóng góp tích cực cho việc phát triển ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam.

    Nguyễn Lành

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU