Tạo điều kiện chuyển đổi, công nghiệp hóa
Sau khi Người Đưa Tin đăng bài viết “Tp.HCM: Quy hoạch nhà máy giết mổ, vì sao cứ loay hoay?”, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tp.HCM đã có cuộc trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề thực hiện chuyển đổi giết mổ gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp trên địa bàn Tp.HCM.
Theo đó, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Tp.HCM cho biết, bắt đầu từ ngày 31/3, toàn bộ 8 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công trên địa bàn Tp.HCM chính thức ngưng hoạt động.
Theo đó, 8 cơ sở giết mổ thủ công gồm: Cơ sở giết mổ Trung tâm Bình Tân (quận Bình Tân), Cơ sở giết mổ Phước Kiển (huyện Nhà Bè), Cơ sở giết mổ Tân Phú Trung, Hòa Phú, Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Đông, Xuyên Á (huyện Củ Chi) và khu vực giết mổ thủ công của Công ty cổ phần Chế biến Thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn) sẽ chính thức đóng cửa.
Để đảm bảo triển khai thực hiện chấm dứt hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm hiện hữu trên, ông Hiệp cho biết, các ngành chức năng đã tổ chức làm việc với chủ cơ sở, chủ gia công giết mổ của các cơ sở giết mổ gia súc thủ công, thông báo cụ thể thời gian ngưng hoạt động giết mổ gia súc thủ công đến 31/3.
Qua đó, các chủ cơ sở cũng đã ký cam kết việc ngưng nhập động vật và ngưng hoạt động giết mổ tại cơ sở sau thời hạn này.
“Chúng tôi đã giới thiệu, vận động chủ cơ sở, chủ gia công giết mổ tại các cơ sở giết mổ gia súc thủ công định hướng chuyển sang giết mổ tại các nhà máy giết mổ công nghiệp trên địa bàn Tp.HCM. Đồng thời, cũng đề nghị các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ gia công được tiếp cận và đăng ký, tham gia giết mổ tại các nhà máy trên địa bàn Tp.HCM”, ông Hiệp cho biết.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.HCM cũng chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y và các đơn vị có liên quan phối hợp các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các chủ cơ sở giết mổ gia súc thủ công thực hiện đúng quy định pháp luật.
Thêm nữa, cơ quan chuyên ngành sẽ hướng dẫn các chủ cơ sở giết mổ gia súc thủ công xây dựng kế hoạch chuyển đổi mô hình hoạt động, sản xuất tại hộ kinh doanh, đề xuất việc hỗ trợ, tạo điều kiện chuyển đổi ngành nghề cho lực lượng lao động dôi dư sau khi ngưng hoạt động cơ sở giết mổ.
Các đơn vị chức năng khẳng định đang phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, chốt chặn, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh, giết mổ động vật trái phép trên địa bàn, nhất là các khu vực giáp ranh, khu vực có cơ sở giết mổ gia súc thủ công sau khi đóng cửa.
Tại các cửa ngõ ra vào Tp.HCM, các đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của Tp.HCM (đoàn số 1, 2, 3) tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa về Tp.HCM không đúng quy định.
Sau khi các cơ sở giết mổ thủ công trên đóng cửa, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm của Tp.HCM sẽ chuyển vào 5 nhà máy giết mổ công nghiệp, trong đó 3 nhà máy đang hoạt động gồm: Vissan, Sargi, An Lộc và 2 nhà mày đang chuẩn bị hoạt động là An Hạ, huyện Củ Chi và Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn.
Cần phối hợp đồng bộ hơn nữa
Bà Lê Đinh Hà Thanh, Phó Chi Cục thú y và chăn nuôi, Sở NN&PTNT Tp.HCM cho hay, các trạm chăn nuôi và thú y liên quận Tân Bình – Tân Phú – Bình Tân, huyện Hóc Môn, Nhà Bè và Củ Chi đã lấy phiếu khảo sát việc dịch chuyển số lượng gia súc giết mổ của 33 chủ gia công sau khi đóng cửa.
Kết quả cho thấy, có 7 chủ gia công (2.220 con heo /ngày) đăng ký chuyển đổi vào nhà máy giết mổ Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Đây là các chủ gia công đang hoạt động tại khu vực giết mổ thủ công của Công ty cổ phần Chế biến Thực phẩm Hóc Môn và cơ sở giết mổ trung tâm Bình Tân (quận Bình Tân), Cơ sở giết mổ Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi).
Ngoài ra, có 6 chủ gia công (2.010 con/ngày) đăng ký chuyển đổi vào nhà máy giết mổ của Công ty An Hạ (huyện Củ Chi), chủ yếu là các chủ gia công hiện đang hoạt động tại cơ sở giết mổ Xuyên Á.
Hay có 4 chủ gia công (245 con/ngày) chuyển từ cơ sở giết mổ Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi) và cơ sở giết mổ trung tâm quận Bình Tân vào Xí nghiệp thực phẩm Sargi (huyện Củ Chi).
Còn có 6 chủ gia công (600 con/ngày) chuyển từ cơ sở giết mổ Phước Kiển (huyện Nhà Bè), cơ sở giết mổ Xuyên Á (Củ Chi), cơ sở giết mổ Hòa Phú (Củ Chi) chuyển về cơ sở giết mổ tại tỉnh Long An.
Trong khi đó, 4 chủ gia công (410 con/ngày) gồm các chủ gia công của cơ sở giết mổ Hòa Phú và Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), cơ sở giết mổ trung tâm quận Bình Tân chưa có định hướng chuyển vào đâu.
Đặc biệt, 6 chủ gia công (170 con/ngày) gồm các chủ gia công của cơ sở giết mổ Phước Kiển (huyện Nhà Bè), cơ sở giết mổ Bình Tân, cơ sở giết mổ Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi) quyết định đóng cửa, ngưng hoạt động.
Vấn đề quan tâm hiện nay là nhân sự và con người tại 8 cơ sở giết mổ thủ công sau khi ngưng hoạt động sẽ về đâu?
Bà Thanh cho biết, các trạm chăn nuôi và thú y liên quận Tân Bình – Tân Phú – Bình Tân, huyện Hóc Môn, Nhà Bè và Củ Chi đã dự kiến nguồn nhân sự dôi dư tại các cơ sở giết mổ thủ công ngưng hoạt động, cũng như định hướng bố trí nhân sự tại các nhà máy giết mổ công nghiệp sau khi được các cơ quan chức năng cho phép hoạt động trong thời gian tới.
Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đề nghị chủ các cơ sở báo cáo kế hoạch chuyển đổi ngành nghề tại các cơ sở và đề xuất UBND quận, huyện bố trí, sắp xếp, giới thiệu việc làm cho số lao động dôi dư sau khi ngưng hoạt động.
Tuy nhiên, bà Thanh thừa nhận, hiện đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề thực hiện đóng cửa các cơ sở giết mổ thủ công.
Dù đến ngày 31/3, các cơ sở giết mổ thủ công ngừng hoạt động, nhưng đến thời điểm này Sở NN&PTNT Tp.HCM vẫn chưa có ý kiến về việc thẩm định công nghệ giết mổ so với hồ sơ phê duyệt ban đầu cũng như thời gian được phép hoạt động chính thức đối với 2 nhà máy giết mổ là An Hạ và Xuân Thới Thượng để Chi cục Chăn nuôi và Thú y bố trí nhân viên thú y thực hiện công tác kiểm soát giết mổ.
Hiện nay, 2 nhà máy giết mổ này đang thực hiện thử nghiệm với số lượng gia súc ít, để vận hành trang thiết bị dây chuyền giết mổ và huấn luyện cho công nhân, nên về điều kiện vệ sinh thú y của cơ sở chưa đảm bảo yêu cầu.
Kiểm soát thịt heo dựa trên chất lượng
Trả lời câu hỏi của Người Đưa Tin về tình trạng thịt heo được giết mổ ở các tỉnh rồi đưa về Tp.HCM tiêu thụ, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Tp.HCM thừa nhận có tình trạng trên.
Ông Hiệp cho hay, Tp.HCM đang tiêu thụ từ 10.000-11.000 con heo/ngày, trong đó, lượng heo giết mổ tại Thành phố này đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tiêu dùng; khoảng 2.000 con được giết mổ thủ công từ các tỉnh đưa về; số còn lại là heo đông lạnh nhập khẩu.
“Nhưng lượng heo giết mổ tại các tỉnh vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm và được kiểm soát chất lượng tại các chợ đầu mối”, ông Hiệp khẳng định.
Thời gian đầu khi ngưng hoạt động cơ sở giết mổ thủ công, chuyển sang các nhà máy giết mổ công nghiệp, đại diện Sở NN&PTNT Tp.HCM cho rằng, sẽ không tránh khỏi những bất cập trong sản xuất, kinh doanh.
Một số thương lái chưa đưa heo vào giết mổ tại các nhà máy công nghiệp do còn nghi ngại như chi phí cao, quầy thịt không đẹp, không được giám sát trực tiếp các công đoạn giết mổ…
Tuy nhiên, nguồn thịt heo được giết mổ tại thành phố vẫn có nhiều lợi thế, đặc biệt là gần nơi tiêu thụ, khả năng đưa sản phẩm vào chợ đầu mối, các cửa hàng chuyên doanh, siêu thị… thuận tiện hơn, chưa kể sau này còn tính đến xuất khẩu.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tp-hcm-cac-co-so-giet-mo-thu-cong-se-ve-dau-sau-khi-dong-cua-a600740.html