noel giáng sinh vui vẻ
Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
spot_img
More
    Trang chủThế giớiTổng thống Pháp Emmanuel Macron đối mặt thách thức lớn nhất

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối mặt thách thức lớn nhất

    Động thái của ông Macron nhằm thông qua dự luật cải cách hưu trí mà không cần các nhà lập pháp bỏ phiếu khiến làn sóng biểu tình ở Pháp càng thêm dậy sóng.

    Việc chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron viện dẫn một quyền hành pháp gây tranh cãi để buộc thông qua một dự luật bằng sắc lệnh – vốn hợp pháp theo hiến pháp Pháp – đã gây ra sự phẫn nộ trong tầng lớp chính trị cũng như các cuộc biểu tình giận dữ trên đường phố.

    Giờ đây nhà lãnh đạo 45 tuổi đang phải đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất khi chưa đầy một năm kể từ nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của ông.

    Ông Macron đã hy vọng nỗ lực tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 sẽ củng cố di sản của ông với tư cách là vị Tổng thống đã chuyển đổi nền kinh tế Pháp trong thế kỷ 21. Trên thực tế, ông thấy quyền lực lãnh đạo của mình bị thách thức, cả trong quốc hội Pháp và trên đường phố của các thành phố lớn.

    Động thái ông Macron chọn sử dụng quyền lực hiến định của chính phủ hôm 16/3 nhằm thông qua dự luật cải cách hưu trí mà không cần các nhà lập pháp bỏ phiếu đã khiến phe đối lập chính trị tức giận và có thể cản trở khả năng chính phủ của ông thông qua luật trong 4 năm còn lại của nhiệm kỳ.

    Nhà lãnh đạo Pháp đã giữ im lặng về chủ đề này kể từ đó. Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận của Tổng thống Pháp nói với AFP vào tối 18/3 rằng ông đang “theo dõi các diễn biến”.

    Độ tín nhiệm lao dốc

    Cuộc khủng hoảng chính trị ở Pháp nổ ra xung quanh kế hoạch cải cách hưu trí của chính phủ đã được phản ánh qua tỉ lệ tín nhiệm ngày càng giảm đối với Tổng thống Macron, theo một cuộc thăm dò mới được công bố hôm 19/3.

    Thế giới - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối mặt thách thức lớn nhất

    Hàng ngàn người đã xuống đường ở nhiều thành phố khác nhau ở Pháp. Ảnh: Brussels Times

    Theo cuộc thăm dò hàng tháng của viện thăm dò ý kiến Ifop, độ tín nhiệm của ông Macron đã giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ đầu năm 2019, thời điểm kết thúc các cuộc biểu tình Áo vàng.

    Cuộc thăm dò, được tiến hành từ ngày 9-16/3, cho thấy chỉ có 28% số người được hỏi hài lòng với chính quyền của ông Macron, ít hơn 4% so với tháng trước, trong khi 70% không hài lòng.

    Mức độ được yêu mến của ông Macron đã giảm 13% kể từ khi ông tái đắc cử vào tháng 5/2022. Tỉ lệ này đã đạt mức thấp nhất là 23% vào tháng 12/2018, đỉnh điểm của cuộc biểu tình Áo vàng.

    Kể từ khi trở thành Tổng thống Pháp vào năm 2017, ông Macron thường bị cho là kiêu ngạo và xa cách. Được coi là “Tổng thống của những người giàu có”, ông đã gây phẫn nộ khi nói với một người đàn ông thất nghiệp rằng ông ấy chỉ cần “sang đường” để tìm việc làm, và ám chỉ rằng một số công nhân Pháp là “lười biếng”.

    Giờ đây, chính phủ của ông Macron đã càng thêm xa cách với người dân thường khi sử dụng thẩm quyền đặc biệt mà họ có theo Điều 49.3 của Hiến pháp Pháp để áp đặt một thay đổi không được lòng công chúng, ông Brice Teinturier, phó tổng giám đốc viện thăm dò ý kiến Ipsos, cho biết.

    Những người chiến thắng duy nhất trong tình huống này là nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen và đảng Tập hợp Quốc gia (NR) của bà, và các liên đoàn lao động của Pháp, ông Teinturier cho biết. Bà Le Pen đã thua ông Macron trong vòng nước rút của 2 cuộc bầu cử Tổng thống gần đây nhất của đất nước.

    Khi những đống rác ngày càng lớn và mùi hôi bốc ra càng nặng hơn, nhiều người ở Paris đã đổ lỗi cho chính phủ về tình trạng này chứ không phải những công nhân đang đình công.

    Thế giới - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối mặt thách thức lớn nhất (Hình 2).

    Rác không được thu gom gần Khải Hoàn Môn ở Paris, ngày 14/3/2023. Ảnh: AP/People’s World

    Ông Macron nhiều lần nói ông tin rằng hệ thống hưu trí của Pháp cần sửa đổi để duy trì nguồn tài chính. Ông nói rằng các lựa chọn được đề xuất khác, như tăng gánh nặng thuế vốn đã nặng nề, sẽ đẩy các khoản đầu tư ra xa và việc giảm lương hưu của những người về hưu hiện tại không phải là một giải pháp thay thế thực tế.

    Việc công chúng thể hiện sự không hài lòng có thể ảnh hưởng nặng nề đến các quyết định trong tương lai của ông. Các cuộc biểu tình tự phát, đôi khi biến thành bạo lực, đã nổ ra ở Paris và trên khắp đất nước trong những ngày gần đây – trái ngược với các cuộc biểu tình và đình công chủ yếu là ôn hòa do các công đoàn lớn của Pháp tổ chức trước đây.

    Những lựa chọn trong tay

    Việc ông Macron tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 4 năm ngoái đã củng cố vị thế của ông với tư cách là một nhà lãnh đạo chủ chốt ở châu Âu. Ông đã vận động theo một chương trình nghị sự ủng hộ doanh nghiệp, cam kết giải quyết vấn đề hưu trí và nói rằng người Pháp phải “làm việc lâu hơn”.

    Vào tháng 6 năm ngoái, liên minh trung dung của ông Macron đã mất thế đa số trong Quốc hội Pháp, mặc dù họ vẫn giữ nhiều ghế hơn các đảng chính trị khác. Vào thời điểm đó, ông nói rằng chính phủ của ông muốn “lập pháp theo một cách khác,” dựa trên sự thỏa hiệp với một loạt các nhóm chính trị.

    Kể từ đó, các nhà lập pháp bảo thủ đã đồng ý ủng hộ một số dự luật phù hợp với chính sách của họ. Nhưng những căng thẳng về kế hoạch hưu trí và sự thiếu tin tưởng lan rộng giữa các đảng đa dạng về ý thức hệ, có thể chấm dứt nỗ lực tìm kiếm sự thỏa hiệp.

    Thế giới - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối mặt thách thức lớn nhất (Hình 3).

    Các nhà lập pháp cánh tả giơ biển phản đối tăng tuổi nghỉ hưu lên 64 và hát Quốc ca Pháp khi Thủ tướng Pháp chuẩn bị phát biểu tại Quốc hội Pháp, ngày 16/3/2023. Ảnh: DW

    Các đối thủ chính trị của ông Macron tại Quốc hội Pháp hôm 17/3 đã đệ trình 2 kiến nghị bất tín nhiệm chống lại chính phủ của Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne. Các quan chức chính phủ đang hy vọng “sống sót” sau cuộc bỏ phiếu về các kiến nghị được ấn định vào ngày 20/3 trong bối cảnh phe đối lập bị chia rẽ.

    Tuy nhiên, nếu kiến nghị được thông qua, đó sẽ là một đòn giáng mạnh đối với ông Macron: Dự luật hưu trí sẽ bị bác bỏ và Nội các của ông sẽ phải từ chức. Trong trường hợp đó, Tổng thống Pháp sẽ cần bổ nhiệm một Nội các mới và sẽ thấy khả năng thông qua luật của mình bị suy yếu.

    Nếu các kiến nghị bất tín nhiệm thất bại, ông Macron có thể ban hành luật quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn, đồng thời cố gắng xoa dịu những người chỉ trích ông bằng một cuộc cải tổ chính phủ. Điều đó khiến tương lai của Thủ tướng Pháp trở nên bất định.

    Một lựa chọn khác trong tay Tổng thống Macron là giải tán Quốc hội Pháp và kêu gọi bầu cử sớm.

    Kịch bản đó dường như khó xảy ra vào lúc này, vì kế hoạch hưu trí không được lòng dân có nghĩa là liên minh của ông Macron khó có thể giành được đa số ghế. Và nếu một đảng khác giành chiến thắng, ông Macron sẽ phải bổ nhiệm một Thủ tướng từ phe đa số, trao quyền cho chính phủ thực hiện các chính sách khác với các ưu tiên của Tổng thống.

    Minh Đức (Theo AP, Anadolu Agency, France24)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU