noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiGiáo dục"Tổ hợp lạ" xét tuyển ngành Y bằng môn Văn gây phản...

    “Tổ hợp lạ” xét tuyển ngành Y bằng môn Văn gây phản ứng trái chiều

    Thời gian gần đây, một số trường đại học đã dấy lên tranh cãi khi sử dụng 4 tổ hợp để xét tuyển vào ngành Y khoa, trong đó một tổ hợp chứa môn Ngữ văn.

    4 trường đại học tư thục dùng điểm môn Ngữ văn xét tuyển ngành Y Dược

    Trường Đại học Duy Tân xét điểm học bạ năm lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 hoặc xét điểm học bạ năm lớp 12. Ngành Y khoa xét tổ hợp A16 gồm các môn/tổ hợp Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn. Ngoài ra, còn xét tổ hợp D90 gồm các môn Toán, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh; Tổ hợp D08 gồm các môn Toán, Sinh học, Tiếng Anh…

    Thông tin trên Vietnamnet, ngành Răng-Hàm-Mặt xét tổ hợp A16 gồm các môn/tổ hợp Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn và các tổ hợp khác như A00, B00, D90, A02, D08…

    Ngành Dược học xét tổ hợp B03 gồm các môn Toán, Ngữ văn, Sinh học; tổ hợp C02 gồm các môn Ngữ văn, Toán, Hoá học; tổ hợp A16 gồm các môn Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn và các tổ hợp khác.

    Trường Đại học Văn Lang (Tp.HCM) xét điểm trung bình học bạ lớp 12 hoặc điểm trung bình học bạ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12); Xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

    Đối với ngành Y khoa, xét tổ hợp D12 gồm các môn Ngữ văn, Hóa học, Tiếng Anh. Ngoài ra, còn xét tổ hợp A00 gồm các môn Toán, Vật lý, Hóa học; tổ hợp B00 gồm các môn Toán, Hóa học, Sinh học; tổ hợp D08 gồm các môn Toán, Sinh học, Tiếng Anh.

    Trường Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) xét tuyển học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT 2023. Ngành Y khoa xét tổ hợp B03 gồm các môn Toán, Sinh học, Ngữ văn. Bên cạnh đó, trường cũng xét tổ hợp A02 gồm Toán, Vật lý, Sinh học; tổ hợp B00 gồm các môn Toán, Hoá học, Sinh học; tổ hợp D08 gồm các môn Toán, Sinh học, Tiếng Anh.

    Ngành Dược học xét tổ hợp C02 gồm các môn Toán, Ngữ văn, Hoá học.

    Ngành Răng-Hàm-Mặt đang dự kiến nhưng cũng đưa ra tổ hợp xét tuyển B03 gồm các môn Toán, Ngữ văn, Sinh học…

    Trường Đại học Tân Tạo (Long An) xét điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT. Ngành Y khoa xét tuyển tổ hợp B03 gồm các Toán, Ngữ Văn, Sinh học. Bên cạnh đó cũng xét tổ hợp B00 gồm các môn Toán, Hoá học, Sinh học; tổ hợp D08 gồm các môn Toán, Sinh học, Tiếng Anh và tổ hợp A02 gồm các môn Toán, Vật lý, Sinh học.

    Đối với ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học xét tổ hợp B03 gồm các môn Toán, Ngữ văn, Sinh học và các tổ hợp B00, D08, A02.

    Giáo dục - 'Tổ hợp lạ' xét tuyển ngành Y bằng môn Văn gây phản ứng trái chiều

    Năm nay một số trường đại học sử dụng tổ hợp “lạ” có chứa môn ngữ văn để xét tuyển vào ngành y khoa đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Ảnh minh họa.

    Xét tuyển ngành Y bằng môn Văn gây nhiều ý kiến trái chiều

    Bao lâu nay, ngành Y thường chỉ tuyển sinh một tổ hợp truyền thống đó là B00 (Toán, Hóa, Sinh), ngành Dược tuyển Toán, Hóa, Sinh hoặc Toán, Lý, Hóa. Tuy nhiên, trong mùa tuyển sinh 2023 một số trường đại học đã mở rộng khối xét tuyển ngành Y không có môn Sinh học hoặc không có môn Hóa học mà thay bằng môn Văn học đã gây nhiều ý kiến trái chiều.

    Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên Dân Trí, TS.BS Nguyễn Hùng Vĩ, Trưởng khoa Y, Trường Đại học Văn Lang, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang, nguyên Phó Giám đốc Thường trực Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã đưa ra nguyên nhân với tổ hợp xét tuyển “lạ” trên.

    Ông Vĩ nói rằng, nhu cầu bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân ngày một tăng cao. Ở giai đoạn trước, chúng ta chỉ tập trung vào khám chữa bệnh còn hiện nay phải quản lý sức khỏe, tư vấn sức khỏe, phòng bệnh từ xa, nâng cao sức khỏe. Vì thế, các tổ hợp xét tuyển có thay đổi.

    Vị bác sĩ chia sẻ định hướng xây dựng, phát triển đội ngũ bác sĩ gia đình để phục vụ cho cả chuyên khoa và đa khoa. Đặc biệt là tuyến y tế cơ sở vừa tiếp xúc với người dân, chia sẻ, động viên, tư vấn nhiều chiều. Theo ông Vĩ, những sinh viên giỏi ngữ văn sẽ có đầu óc tư duy xã hội tốt.

    “Chúng tôi quyết định đưa tổ hợp này vào tuyển sinh ngành y khoa dựa trên kinh nghiệm làm việc và đào tạo cũng như khảo sát riêng một số bác sĩ”, BS Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ.

    Với xét tuyển học bạ, ngoài điểm chuẩn xét tuyển theo tổ hợp thì quy định chung của Bộ GD&ĐT yêu cầu học sinh của các ngành y phải có học lực loại giỏi năm lớp 12, điểm trung bình mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển từ 8 trở lên.

    Trả lời câu hỏi nhiều người thắc mắc tại sao không chọn trọng tâm môn toán mà lại chọn văn, vị trưởng khoa nói: “Thực tế, chúng tôi đã nghiên cứu một người có thể rất giỏi toán cao cấp nhưng trong 6 năm học y (thậm chí đến thạc sĩ, tiến sĩ) không sử dụng kiến thức về toán nhiều, chỉ có toán thống kê để nghiên cứu khoa học”.

    Ông chia sẻ rằng, nếu chọn một người học giỏi văn và cũng toàn diện các môn khác với một người giỏi toán thì người giỏi văn sẽ rất thuận lợi cho công tác phòng bệnh như y tế dự phòng, truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao tư vấn sức khỏe, bác sĩ gia đình, tâm lý trị liệu, tâm thần học…

    Ông nhận định, bây giờ phải thuyết phục người dân trên nhiều lĩnh vực thì mới đảm bảo chất lượng sức khỏe ngày càng tăng cho người dân.

    Một góc khác được vị bác sĩ này đưa ra đó là trong tổ hợp D12 (ngữ văn, hóa học, tiếng Anh), thì ngoài giỏi văn còn học giỏi ngoại ngữ. Những em giỏi ngoại ngữ phải có đầu óc rất tốt, linh hoạt, có khả năng đọc tài liệu nước ngoài. Như vậy, chúng ta còn có thể đào tạo cung cấp nguồn nhân lực công tác ở nước ngoài.

    “Kết hợp lại 3 môn, tổ hợp D12 phản ánh được yêu cầu của ngành trong giai đoạn tới. Bác sĩ không phải lúc nào cũng chỉ biết khám chữa bệnh, mổ xẻ đâu mà còn rất nhiều công việc khác”, ông Vĩ nói.

    Trao đổi với Dân Việt, Tiến sĩ Y Sinh học Phạm Đức Hùng, hiện đang làm việc ở Bệnh viện Nhi Cincinnati, Ohio, Mỹ nêu quan điểm: “Về nguyên tắc, không có môn học nào là vô ích. Tuy nhiên, việc tuyển chọn sinh viên đại học phải dựa trên việc đánh giá tiềm năng các bạn có thể hoàn thành khoá học một cách tốt đẹp và ra trường trở thành 1 người giỏi chuyên môn.

    Điểm số các môn học từ các kỳ thi là một tiêu chí chúng ta hay sử dụng và nó cần hợp lý giữa môn học được chọn và ngành học ở đại học. Chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa của các trường đại học lớn tại Việt Nam gồm các môn học cơ bản và nâng cao như Sinh học, Hoá học, Dược lý, Sinh Lý, Giải phẫu, Miễn dịch, Nội, Ngoại, Sản, Nhi… Dù là thế nào cũng thấy chương trình dựa trên phần lớn (phải hơn 90%) là kiến thức từ Khoa học tự nhiên (Sinh học, Hoá học và Vật Lý) đặc biệt là môn Sinh học.

    Thật khó để tưởng tượng một tổ hợp tuyển sinh ngành Y Đa khoa lại không có môn Sinh học. Điều này cũng giống như bạn tuyển sinh giáo viên dạy tiếng Anh mà tổ hợp không có môn Anh văn. Ngoài ra, kiến thức Hoá học đặc biệt là Hoá hữu cơ cũng rất cần thiết để hiểu các quá trình Sinh học phân tử và tế bào cũng như môn Dược lý học.

    Theo cá nhân tôi, tuyển sinh Y đa khoa cần chú trọng 2 môn này. Môn thứ 3 theo tôi có thể là Toán hoặc Vật Lý hoặc Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, dùng môn thứ 3 là môn Văn hay Ngoại ngữ là kỳ lạ. Đơn giản vì hai môn này là những môn chính của khối xã hội chứ không phải tự nhiên”.

    Đồng quan điểm, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên dạy môn Sinh học thuộc Hệ thống giáo dục HOCMAI đã có những chia sẻ với Báo Sức khoẻ & Đời sống, những gì chúng ta học được từ môn Văn ở bậc phổ thông là cần thiết cho tất cả các ngành nghề trong xã hội, tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng việc xét tuyển đại học có thể dùng môn Văn vô tội vạ. Bởi lẽ mỗi ngành nghề cần có kiến thức lõi và năng lực riêng, nhất là ngành đặc thù như ngành Y.

    Theo đó, việc bổ sung môn Văn không có ý nghĩa thực sự với ngành Y mà chỉ đơn thuần là gia tăng cạnh tranh, thu hút thí sinh bằng mọi giá ở những trường đang khó khăn trong tuyển sinh mà thôi.

    Trái lại, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền chia sẻ trên Vnnexpress, đồng tình khi một số trường Y đưa môn Văn vào xét tuyển. Ông cho hay khả năng tư vấn, giải thích, giao tiếp của một số cán bộ ngành Y còn hạn chế, gây ra hiểu lầm, khiến quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ không được thân thiện.

    “Nếu nhìn ở góc độ này, đưa Ngữ văn vào xét tuyển đầu vào có phần phù hợp”, ông Cảnh nhận định. Tuy nhiên, hai môn còn lại trong tổ hợp phải làm sao đánh giá đúng năng lực, xem thí sinh có phù hợp để theo đuổi ngành Y không.

    Theo ông Cảnh, khi đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển, các trường cần giữ môn Sinh và môn còn lại nên là Hóa hoặc Toán. Cách tốt hơn là để điểm Văn làm tiêu chí phụ, tức nếu hai thí sinh có điểm tổ hợp B00 bằng nhau nhưng ai có điểm Văn tốt hơn sẽ được ưu tiên.

    Hồi năm 2014, Bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ là bà Nguyễn Thị Kim Tiến từng hưởng ứng đề xuất của một số hiệu trưởng trường y, dược về việc đưa môn ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển ngành y.

    Lãnh đạo ngành y tế khi đó cho rằng môn ngữ văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp. Khi đó, đề xuất này cũng nhận không ít ý kiến trái chiều từ dư luận.

    Trúc Chi (t/h)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU