noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngKinh tế vĩ môChủ tịch VINASME: Tình trạng gây khó dễ của cán bộ ngân...

    Chủ tịch VINASME: Tình trạng gây khó dễ của cán bộ ngân hàng còn tồn tại

    Theo ông Nguyễn Văn Thân, có tới 25% hội viên của VINASME vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe.

    Tại hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” sáng 25/7, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (VINASME) đánh giá, thời gian qua ngành ngân hàng không chỉ làm tốt nhiệm vụ giữ vững được sự ổn định tỉ giá, giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát và đảm bảo kinh tế vĩ mô, mà còn triển khai tốt nhiệm vụ rất quan trọng là giảm lãi suất điều hành tới 4 lần với mức giảm từ 0,5%/năm – 2%/năm.

    Từ đó tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận chi phí vốn hợp lý. “Có thể nói việc gì làm được trong khả năng của mình ngành ngân hàng đều đã thực hiện”, ông Thân nói.

    Mặc dù ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng tín dụng 6 tháng có tốc độ tăng thấp hơn so với các năm trước. Tính đến ngày 30/6/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022. 

    Ông Thân cho biết, có tới 25% hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho rằng, hiện nay họ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe và tình trạng gây khó dễ của các cán bộ ngân hàng vẫn còn tồn tại.

    Cùng với đó, không ít doanh nghiệp xuất khẩu cũng đề nghị giảm lãi suất vay đối với đồng USD để tăng tính cạnh tranh quốc tế nhằm trụ vững doanh nghiệp trước khi thị trường có dấu hiệu phục hồi vào quý III/2023.

    Kinh tế vĩ mô - Chủ tịch VINASME: Tình trạng gây khó dễ của cán bộ ngân hàng còn tồn tại

    Ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

    Theo ông Thân, ngoài những tác động khách quan từ thị trường, thì các chính sách của Nhà nước vẫn chưa phát huy được tính đồng bộ. Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn cũng như năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính.

    Do vậy, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thì chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai.  

    Về chiến lược lâu dài, ông Thân đề xuất Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ cần hỗ trợ, nâng tầm doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua nhiều giải pháp như sớm sửa đổi Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ theo hướng từng bước chuyển hướng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu lại năng lực sản xuất nhằm phát triển ổn định, lâu dài.

    Trong đó, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào 30% các dự án đầu tư công, cải tổ các Quỹ Bảo lãnh tín dụng và tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý địa phương trong việc hỗ trợ đánh giá, xác nhận tín nhiệm của doanh nghiệp để bảo lãnh cho vay.

    Về phía doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng các doanh nghiệp cần phải nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính. Khi các ngân hàng yên tâm về sức khoẻ của doanh nghiệp thì chắc chắn các ngân hàng sẽ không từ chối cho vay.

    “Đứng ở cả góc độ của ngân hàng và doanh nghiệp, có thể nói vấn đề cho vay hiện nay không thể bằng ý chí của một bên mà hai bên cùng phải lắng nghe, đứng ở vị trí của nhau và cùng nghiên cứu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tìm ra hướng đi chung. Đây là điểm mấu chốt để người cho vay và người đi vay xích lại gần nhau hơn” ông Thân nhận định.

    Đó là mục tiêu dài hạn, còn trước mắt, ông Thân khẳng định Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng Nhà nước cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ sẽ sớm tham mưu giải pháp tháo gỡ khó khăn ngắn hạn cho doanh nghiệp.

    Chẳng hạn như những điều kiện cho vay, nếu các ngân hàng không thể hạ tiêu chuẩn do vướng quy định pháp luật hay tiêu chuẩn Basel quốc tế, thì cần phải có giải pháp để tăng cường bảo lãnh tín chấp, nâng cao năng lực doanh nghiệp.

    Ngoài ra, chính sách tài khoá cần phải có quy định rất rõ ràng, mạch lạc. Việc thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của hoạt động “hậu kiểm” vẫn có thiên hướng nhằm phát hiện vi phạm để xử lý hơn là hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt hơn. Do vậy, để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước một cách dễ ràng, thuận lợi hơn thì chính sách thuế, chính sách ưu đãi phải rõ ràng, nhất quán.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU