Thông tin trên được Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết tại Hội nghị “Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” ngày 4/10.
Theo đó, ngay từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn còn thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm.
Cũng theo Phó Thống đốc, tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung.
Cụ thể, đến ngày 31/7/2023, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt trên 335.000 tỷ đồng, chiếm 2,69%, tăng 13,47% so với cuối năm 2022. Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khoảng 44.700 tỷ đồng, chiếm 0,36%, tăng 16,09%.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng đạt gần 16%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm của tỉnh chỉ 4,51%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (10,85%).
Tình hình tín dụng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên của một số ngành có xu hướng giảm.
Cụ thể, tín dụng ngành nông lâm, thủy sản giảm 0,29% so với cuối năm 2022. Tín dụng ngành khai khoáng giảm 5,54%, chiếm tỉ trọng 1,57% đối với dư nợ tín dụng, ngành bán buôn, bán lẻ; sửa chữa mô tô, ô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 1,09%, chiếm tỉ trọng 41,81%. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có sự sụt giảm, trong đó dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm 10,23%, DNNVV giảm 6,28%.
Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực của tỉnh Thái Nguyên có tín dụng tăng trưởng cao như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,55%, hoạt động kinh doanh BĐS tăng 14,45%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 14,31%. Dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp FDI tăng 30,98%, doanh nghiệp nhà nước tăng 7,36%.
Theo đó, NHNN cho biết, mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của TCTD, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Do vậy, để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực.
Thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của tỉnh.
Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; xem xét ưu tiên cấp tín dụng theo danh mục phân loại xanh, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại với giá rẻ…
Phó Thống đốc NHNN khẳng định, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Với những giải pháp của ngành ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm sát sao của Tỉnh ủy, UBND, HĐND, cùng với các Sở, ban, ngành, các Hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tinh-den-cuoi-thang-9-tin-dung-toan-nen-kinh-te-tang-gan-7-a629586.html